Đậm đà bánh chưng gấc mật
Bánh chưng là một trong những loại bánh truyền thống không thể thiếu dịp tết đến, xuân về của mỗi gia đình người Việt. Bên cạnh các loại bánh chưng truyền thống, những năm gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra nhiều loại bánh chưng mới như: bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng đen..., Đặc biệt trong đó có loại bánh chưng gấc mật độc đáo với hương vị thơm ngon, đậm đà đang được rất nhiều người yêu thích, tìm mua.
Theo quan niệm dân gian, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, do vậy, những năm gần đây, vào dịp tết, một số người dân trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra món bánh chưng gấc mật. Theo đó, bánh chưng gấc mật có vỏ bánh được làm từ gạo nếp trộn với thịt quả gấc, tạo ra màu cam đỏ bắt mắt. Không chỉ có màu sắc đẹp hơn bánh chưng thông thường, bánh chưng gấc mật còn có nhiều công dụng với sức khỏe vì quả gấc giàu sắt, nhiều vitamin C. Chính vì thế, bánh chưng gấc mật được nhiều gia đình lựa chọn để phục vụ nhu cầu cũng như để cúng gia tiên trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Qua tìm hiểu và được sự giới thiệu của nhiều người, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, người đã có kinh nghiệm nhiều năm làm bánh chưng gấc mật. Nhiều năm qua, gia đình chị đã sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng nghìn chiếc bánh chưng gấc mật và được khách hàng rất ưa chuộng.
Chị Hằng cho biết: Gia đình tôi vốn có nghề làm bánh chưng truyền thống để bán. Từ năm 2018, nhận thấy khách hàng có nhu cầu mua bánh chưng gấc mật nhiều nên gia đình tôi bắt đầu làm với số lượng lớn. Theo đó, tôi làm quanh năm theo đơn đặt hàng của khách, đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, bắt đầu từ đầu tháng Chạp, ngày nào gia đình tôi cũng làm 2 tạ gạo, tương đương với 300 - 400 chiếc bánh chưng gấc mật, tăng gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường. Bánh cũng có giá rất phải chăng, chỉ 100.000 đồng/chiếc nên có rất nhiều người đặt mua, có những ngày, gia đình sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường.
Nguyên liệu để làm bánh chưng gấc mật gồm có: gạo nếp, đường phên, đỗ xanh, thịt… Để làm được một chiếc bánh chưng gấc mật ngon, người làm bánh phải chọn gạo nếp trồng trên nương hoặc gạo nếp cái ong vàng của huyện Tràng Định để bánh có độ dẻo riêng biệt. Đặc biệt, gạo được ngâm qua đêm sau đó đem vo, đãi với nước ấm khoảng 70 độ rồi để ráo nước. Đối với gấc, người làm phải chọn quả gấc nếp, có màu đỏ tươi, sau đó tách lấy phần thịt rồi tẩm ướp với các nguyên liệu như: dầu ăn, rượu trắng để tạo vị thơm. Tiếp theo, người làm bánh tiến hành trộn gạo với gấc thịt, cứ 15 kg gạo nếp sẽ trộn với 1 kg gấc thịt, sau đó để 5 - 10 phút để hạt gạo ngấm đều màu thì gói bánh.
Đối với nhân bánh gồm có đường và thịt ba chỉ. Người làm bánh sử dụng đường phên nấu trên bếp lửa đến khi nào đường hóa lỏng, đỗ xanh đồ chín rồi tiến hành sên cùng đường, khi nào thấy hỗn hợp sệt lại là được, thông thường quá trình sên phải mất 180 phút. Tiếp đó người làm sẽ dùng lá dong để gói bánh, bánh phải gói thật chặt tay. Khi luộc cho bánh ngập nước, đun khoảng 12 - 15 tiếng trên bếp củi thì vớt ra. Những chiếc bánh chưng được gói vuông vắn với màu xanh ngắt của lá dong, màu cam đỏ bắt mắt của gạo nếp trộn với gấc, phần nhân bánh có vị ngọt nhẹ, tất cả đã tạo nên hương vị rất đặc trưng của món bánh chưng gấc mật.
Chính vì có màu sắc đẹp và hương vị thơm ngon, độc đáo nên bánh chưng gấc mật được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là vào dịp tết.
Bà Hoàng Thị Ngân, đường Tô Thị, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Gia đình tôi làm bánh chưng truyền thống để bán quanh năm, khoảng 5 năm trở lại đây, tôi làm thêm bánh chưng gấc mật để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Thông thường, gia đình tôi chỉ làm bánh chưng gấc mật khi khách hàng đặt trước. Theo đó, từ tháng 10 âm lịch hằng năm, gia đình tôi đã bắt đầu có đơn đặt hàng, trung bình mỗi năm, gia đình tôi cung ứng ra thị trường khoảng 300 chiếc bánh chưng gấc mật để phục vụ nhu cầu dịp tết.
Dẻo ngon, thơm hương vị gấc và đường phên, đó là những ấn tượng đầu tiên của khách hàng khi được thưởng thức món bánh gấc mật Lạng Sơn. Chị Trần Ngọc Bích, phường Gia Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội cho biết: Vào dịp tết năm ngoái, gia đình tôi có dịp lên thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Tại đây, tôi đã được ăn món bánh chưng gấc mật. Bánh có màu đỏ đẹp mắt, khi ăn có vị ngọt nhẹ của đường, vị mặn và béo ngậy của thịt, mùi vị rất đặc biệt. Do đó, năm nay tôi đã nhờ người thân ở thị trấn Thất Khê đặt mua giúp bánh chưng gấc mật để thưởng thức cũng như làm quà, đãi khách trong dịp tết.
Bánh chưng gấc mật với màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon đang được người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn trong dịp tết. Sản phẩm bánh chưng gấc mật không chỉ thể hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo, sáng tạo của người dân Lạng Sơn mà còn là món quà ý nghĩa đối với du khách khi có dịp đến tham quan, du lịch tại Lạng Sơn.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dam-da-banh-chung-gac-mat-lang-son-5036210.html