Đậm đà hương vị đất trời
Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Nùng ở huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang) có một món ăn độc đáo, đó là đặc sản xôi ba màu và xôi ngũ sắc. Đây không chỉ đơn thuần là món ăn ngon, đẹp mắt, hấp dẫn mà còn là một trong những vật phẩm chính để người dân dâng cúng tổ tiên vào mỗi dịp lễ Tết hằng năm.
Đặc sản xôi ba màu
Xôi ba màu thường được người Nùng nấu và dâng cúng tổ tiên vào mỗi dịp lễ Tết, nhất là Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Để nấu được xôi ba màu thơm, ngon, dẻo, người Nùng đã thực hiện quy trình rất công phu và cẩn thận. Trước tiên phải chọn gạo nếp tốt, đó là gạo nếp nương đẹp, hạt mẩy đều không lẫn gạo tẻ, đồ xôi mới dẻo ngon. Tiếp đó, lựa chọn các sản phẩm từ tự nhiên như quả gấc hoặc lá cẩm, lá cây sau sau, củ nghệ già để tạo ra ba màu khác nhau gồm: Đỏ, đen, vàng.
Trước khi nấu, vo sạch gạo nếp. Rửa sạch các loại lá cây sau sau, lá cẩm, bổ quả gấc lấy lòng đỏ, nghệ tươi rửa sạch, bỏ vỏ, giã nhuyễn. Để tạo từng loại màu thì cách chế biến cũng khác nhau, người dân hái những loại cây này, rửa sạch, nấu chín, lọc lấy phần nước, ngâm với gạo để có được gạo màu đỏ, đen và vàng. Quá trình đồ xôi bằng chõ cũng phải tiến hành thật cẩn thận sao cho gạo chín đều, không bị nhão ở đáy, khi chõ xôi lên hơi, mùi thơm tỏa ra là xôi chín. Sau khi xôi chín, có thể để ba màu xôi riêng lẻ hoặc cũng có thể đổ ra mâm trộn đều với nhau thành xôi ba màu.
Mang nhiều ý nghĩa nhân văn
So với xôi ba màu thì xôi ngũ sắc ở Lục Ngạn xuất hiện chậm hơn, có thể được coi là sự phát triển từ xôi ba màu. Đây là món xôi có đủ 5 màu gồm: Đỏ, vàng, xanh, đen, trắng, tượng trưng cho triết lý âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Cách làm xôi ngũ sắc cũng giống như xôi ba màu nhưng cần thêm hai màu xanh và trắng được bà con lấy nguyên liệu từ lá gừng, lá cây cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng. Nếu muốn có màu xanh lam thì lấy nguyên liệu từ cây cơm đen, trộn với tro cây vừng hoặc tro rơm nếp. Còn màu trắng chỉ cần chọn gạo nếp ngon đồ thành xôi.
Với màu sắc hấp dẫn, hương vị đặc trưng của gạo nếp cùng các loại lá rừng tự nhiên, tạo cho xôi ngũ sắc có những dư vị thật độc đáo và khác lạ. Điều đặc biệt nữa là xôi ngũ sắc không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là tinh hoa văn hóa dân tộc, hội tụ hương vị của đất trời quê hương mà thành. Theo quan niệm của người dân tộc, năm màu trong xôi tương ứng với “ngũ hành” có sự tương sinh, tương khắc. Màu đỏ tượng trưng cho hỏa, cho khát vọng sống, cho những ước mơ; đen là màu của thủy, mang lại nguồn năng lượng mạnh mẽ; trắng là màu của kim, tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung; vàng là màu của thổ, tượng trưng cho sự no ấm và phồn thịnh; xanh hay tím tượng trưng cho mộc, cho đất đai trù phú, màu của bầu trời xanh bao la.
Ngoài dịp Tết, xôi ngũ sắc còn là món ăn truyền thống vào các dịp cúng giỗ, cưới hỏi, vào nhà mới và các ngày trong năm. Cách trình bày 5 màu xôi trên một mâm có hình cánh hoa còn thể hiện tình yêu thương, lòng tôn kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Tuy là một món ăn bình dân nhưng xôi ba màu cũng như xôi ngũ sắc, với sự kết hợp đa dạng, tinh tế của nhiều loại cây, củ, quả, đã thể hiện nhiều giá trị tinh tế trong văn hóa ẩm thực của người dân Lục Ngạn.
Bài, ảnh: Đức Thọ
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/398118/da-m-da-huong-vi-dat-troi.html