Dám nghĩ, dám làm, giúp quê hương giảm nghèo

Tại Quảng Hòa, từ nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế của Nhà nước, nhiều người đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, không những làm giàu cho gia đình mà còn giúp nhiều lao động thuộc hộ nghèo có việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Đinh Phan Tuân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), cho biết nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người nghèo, cận nghèo ở huyện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo đa chiều.

Cụ thể, năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã cho 3.752 lượt hộ vay vốn, giúp giải quyết việc làm cho 1.727 lao động; cùng đó hỗ trợ xây dựng 1.032 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 98 hộ hỗ trợ làm nhà ở.

"Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quảng Hòa từ 20,59% năm 2022 xuống còn 13,43% năm 2023", ông Tuân cho biết.

Thực tế ở Quảng Hòa, từ nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ việc làm, sinh kế của Nhà nước, nhiều người đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, không những làm giàu cho hộ gia đình mà còn giúp nhiều lao động nông thôn thuộc hộ nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, từ đó giúp đổi thay diện mạo quê hương.

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc được quan tâm chăm lo giảm nghèo.

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc được quan tâm chăm lo giảm nghèo.

Ông Phùng Văn Chì, xóm Quốc Tuấn, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, là một trong số đó. Cách đây 2 năm, ông Chì đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô, lúa sang đầu tư vào mô hình trồng su su và bí xanh với diện tích khoảng 2.000m2.

Mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, đầu tư giàn lưới thép và cột bê tông bền chắc, một năm cho thu hoạch 2 vụ, năng suất trung bình mỗi vụ 30 tấn/ha. Ngoài ra, ông còn trồng thêm 0,3 hecta khoai lang; 0,4 hecta Ngô hạt; 0,1 hecta rau xanh các loại. Người đàn ông này còn kết hợp nuôi mỗi năm 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa 40 con.

Mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt của ông đem lại nguồn thu nhập hằng năm trên 370 triệu đồng. Đặc biệt, từ khi ông áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thâm canh tăng vụ, hiệu quả kinh tế của mô hình càng tăng hơn nữa.

Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, giảm nghèo bền vững, mô hình của ông Chì đồng thời tạo còn việc làm cho 5 lao động sử dụng trong thời vụ chính với mức thu nhập 400.000 đồng/ngày công.

Nhận thấy trồng su su và bí xanh cho giá trị kinh tế cao hơn trồng các loại cây trồng khác, với vai trò là Bí thư Chi bộ xóm kiêm Chi hội Trưởng Hội Nông dân, ông Chì đã vận động các hộ gia đình trong xóm thành lập Tổ hợp tác trồng su su Quốc Tuấn. Tổng diện tích của Tổ hợp tác là 2 hecta.

Hiện, trong xóm Quốc Tuấn nơi ông sinh sống, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình nhờ đó có điều kiện sửa sang nhà cửa, các công trình nước sạch, nhà vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, đầu tư cho giáo dục...

Cũng tại huyện Quảng Hòa, xã Cai Bộ có mô hình sản xuất miến dong và bột dong, cung cấp cây giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Cai Bộ ở xóm Kim Bảng.

Từ số vốn đầu tư ban đầu 900 triệu đồng, cơ sở này từ 2 năm nay đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị để chế biến, sản xuất miến và bột dong. Để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, Hợp tác xã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng đầu tư giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật cho 50 hộ nông dân trồng cây dong riềng với diện tích khoảng 15 hecta.

Bà con xã Cai Bộ, trong đó có nhiều hộ nghèo, cận nghèo, được vận động mở rộng diện tích trồng cây dong riềng bởi loại cây này có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Đến năm 2024, xã có khoảng 20 hecta, hằng năm cho sản lượng khoảng 140 tấn. Hợp tác xã cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn xã và thu mua củ dong từ các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, sản phẩm miến dong Cai Bộ được đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Thu nhập của Hợp tác xã từ miến dong là 200 triệu/năm, bột dong khoảng 300 triệu/năm. Mô hình sản xuất miến dong và bột dong đã tạo việc làm theo thời vụ cho khoảng 20 lao động, thu nhập bình quân từ 6-7 triệu/người/tháng. Cũng như mô hình của ông Chì, việc người lao động nông thôn vùng nghèo khó được tăng thêm thu nhập ổn định đã góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Phát triển làng nghề truyền thống cũng là hướng đi giảm nghèo đa chiều, bền vững mà huyện Quảng Hòa hướng tới. Hiện địa phương này có 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận với tổng doanh thu ước đạt hơn 30 tỷ đồng/năm, gồm: làng nghề rèn Phúc Sen, làng nghề hương Phia Thắp (nay là xóm Đoàn Kết), làng nghề giấy bản Quốc Dân; làng nghề làm đường phên Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận; làng nghề làm nón lá Hoàng Diệu, xóm Hoàng Diệu và làng nghề làm ngói đất nung Lũng Rì, xóm Lũng Rì, xã Tự Do.

Các làng nghề truyền thống góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 3.000 lao động nông thôn.

Trong đó, làng nghề hương Phia Thắp hiện có 52/53 hộ duy trì nghề, tạo việc làm ổn định cho 120 lao động; thu nhập bình quân đầu người khoảng 41 triệu đồng/người/năm. Các nghệ nhân làm hương còn biểu diễn cho khách du lịch đến trải nghiệm, tham quan làng nghề, thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước trên 2.000 lượt khách/năm.

Những nỗ lực, cố gắng của các tập thể, cá nhân, hộ gia đình dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo trong lao động sản xuất ở Quảng Hòa không chỉ giúp phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương mà còn cùng với Nhà nước tạo việc làm ổn định cho người nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo đa chiều, bền vững, giải quyết an sinh xã hội.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dam-nghi-dam-lam-giup-que-huong-giam-ngheo-2321488.html