Dân làng sơ tán tại biên giới Thái Lan - Campuchia mong mỏi về nhà trước thềm hòa đàm
Trong khi các nhà lãnh đạo Thái Lan và Campuchia chuẩn bị gặp nhau tại Malaysia để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột biên giới, hàng nghìn người dân sống dọc biên giới hai nước vẫn đang chờ đợi trong các trung tâm sơ tán, với hy vọng sớm được trở về nhà.

Người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột biên giới sơ tán tới điểm tị nạn ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan ngày 25/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Một buổi sáng tháng 7, cụ bà Samrouy Duangsawai, 67 tuổi, đang chuẩn bị bữa sáng thì một loạt tiếng nổ từ pháo kích bất ngờ vang lên gần ngôi làng của bà ở tỉnh Surin, Thái Lan. Những quả đạn pháo bắn từ phía Campuchia đã đánh trúng làng kế bên, chỉ cách nhà bà vài trăm mét.
Không kịp chuẩn bị gì, bà cùng hai cháu nhỏ được lệnh sơ tán khẩn cấp. "Tôi bị sốc đến mức không biết lúc đó là mấy giờ", báo StraitsTimes dẫn lời kể của bà Samrouy khi bà đang trú tại một trung tâm sơ tán đặt trong khuôn viên Đại học Surindra Rajabhat, nơi hiện đang đón tiếp hơn 3.000 người kể từ khi giao tranh bùng phát hôm 24/7.
Cuộc xung đột khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 200.000 người phải sơ tán ở cả hai phía biên giới. Các khu vực như huyện Kap Choeng, Phanom Dong Rak và Khun Han hiện trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Ông Narin Wongpitak, Chủ tịch huyện Khun Han thuộc tỉnh Sisaket, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng làm mọi điều có thể để đảm bảo an toàn cho người dân.”
Tại huyện Kap Choeng, người dân đã buộc phải sơ tán lần thứ hai vào ngày 26/7, do khu sơ tán ban đầu ở một trường học địa phương được cho là nằm trong vùng nguy hiểm. Họ hiện trú ẩn tạm thời trong một ngôi chùa.
Không giống một số làng khác, toàn bộ dân cư làng của anh Chakkrit Khamnuan, 25 tuổi, một người bán rau ở Kap Choeng, đều đã sơ tán vì khu vực này nằm gần một căn cứ quân sự Thái Lan - mục tiêu dễ bị tấn công. Anh Chakkrit cho biết anh thường bán rau tại một khu chợ xuyên biên giới lớn, nơi phụ thuộc vào thương nhân từ cả hai nước, và việc kinh doanh tại khu chợ đã bị ảnh hưởng trong nhiều tháng khi căng thẳng gia tăng.

Người dân sơ tán do xung đột biên giới tại tỉnh Surin, Thái Lan ngày 24/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Các cuộc diễn tập sơ tán và họp giao ban định kỳ được triển khai từ sau vụ xung đột năm 2011 đã giúp người dân chuẩn bị tốt hơn. Một vụ bùng phát tương tự ở biên giới năm 2011 đã dẫn tới tình trạng hoảng loạn và ùn ứ sơ tán. Bà Suwannee Yuenyong, 45 tuổi, một tình nguyện viên y tế cộng đồng tại Phanom Dong Rak cho biết: “Chúng tôi được huấn luyện rằng phụ nữ, trẻ em và người già sẽ được đưa tới các trung tâm sơ tán ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm. Những người đàn ông khỏe mạnh sẽ ở lại chăm sóc vật nuôi và bảo vệ tài sản.”
Bà cho biết thêm, nếu tình hình trở nên tồi tệ, các boongke tạm thời làm bằng ống bê tông được chuẩn bị để trú ẩn. Dù cảm thấy an toàn tại trung tâm sơ tán cùng ba con, bà vẫn lo lắng cho chồng mình - một trong số khoảng 30 người đàn ông trong làng tình nguyện ở lại.
Giữa lúc tình hình căng thẳng, tối 27/7, Malaysia tuyên bố Thái Lan và Campuchia đã đồng ý để Kuala Lumpur làm trung gian cho cuộc đàm phán.
Cuộc tham vấn đặc biệt tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia được tổ chức vào ngày 28/7 nhằm tìm kiếm khả năng đạt được hòa bình tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan.
Trên trang mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Hun Manet cho biết Malaysia là nước chủ nhà tổ chức cuộc họp đặc biệt với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2025, với Mỹ đóng vai trò là đồng tổ chức, cùng sự tham gia của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Campuchia nêu rõ rằng mục đích của cuộc họp là đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, điều vốn được Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng và được cả Thủ tướng Campuchia và Thái Lan đồng ý.
Về phía Thái Lan, theo thông báo trên trang web của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, phái đoàn tham dự do quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai dẫn đầu, cùng sự tham gia của các quan chức cấp cao như Bộ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng Quốc phòng và Chánh Văn phòng Thủ tướng, cùng thành viên nhóm công tác đặc biệt phụ trách tình hình biên giới Thái Lan–Campuchia.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn và Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa. Ông Rubio kêu gọi hai bên ngay lập tức giảm leo thang căng thẳng và đồng ý ngừng bắn trong bối cảnh căng thẳng biên giới hiện nay. Ngoại trưởng Rubio đã nhấn mạnh mong muốn của Tổng thống Donald Trump về một giải pháp hòa bình, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để ngăn chặn leo thang hơn nữa.