Những kỳ vọng và thách thức sau thỏa thuận thuế quan Mỹ-EU
Thỏa thuận thuế quan Mỹ-EU được cho là sẽ giúp chấm dứt tình trạng bế tắc thuế quan xuyên Đại Tây Dương cũng như ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn diện, song cũng đan xen nhiều thách thức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/7 thông báo, Mỹ và EU đã đạt được một thỏa thuận khung về thương mại sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, chấm dứt nhiều tháng căng thẳng thương mại giữa hai bên:
“Chúng ta có tin tốt. Chúng ta đã đạt được một thỏa thuận. Tôi tin rằng đó là một thỏa thuận tốt cho tất cả. Đây có lẽ là thỏa thuận lớn nhất từng đạt được, một thỏa thuận khổng lồ với rất nhiều quốc gia. EU đồng ý mua năng lượng từ Mỹ trị giá 750 tỷ USD, và đầu tư thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, bên cạnh các khoản đầu tư hiện tại. Tất cả các nước thành viên sẽ mở cửa thương mại với Mỹ với mức thuế bằng 0. Đó là một yếu tố rất lớn”, ông Trump cho biết.

Ông Trump công bố biểu thuế đối ứng mới ngày 2/4/2025 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận mức thuế 15% sẽ được áp dụng “trên diện rộng”, bao trùm phần lớn các lĩnh vực thương mại song phương: “Chúng ta đã có một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đó là một thỏa thuận lớn, một thỏa thuận cực kỳ quan trọng. Nó sẽ mang lại sự ổn định, khả năng dự đoán, điều này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp của chúng ta ở cả hai bờ Đại Tây Dương”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhanh chóng hoan nghênh thỏa thuận này trong bối cảnh EU dường như đã tránh được một cuộc chiến thương mại. Thủ tướng Đức Friedrich Merz hoan nghênh thỏa thuận mới, trích dẫn những lợi ích mà nó sẽ mang lại cho ngành công nghiệp ô tô của nước này. Các lãnh đạo chính phủ Italia, bao gồm Thủ tướng Giorgia Meloni đã ra tuyên bố cho biết, thỏa thuận này giúp tránh “xung đột trực tiếp giữa hai bờ Đại Tây Dương” và “đảm bảo sự ổn định” giữa Mỹ và EU.
Dù nhận được sự hoan nghênh rộng rãi từ các nhà lãnh đạo châu Âu, song vẫn có ý kiến bày tỏ sự thận trọng về những tác động kinh tế lâu dài. Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cho rằng việc không áp thuế vẫn là lựa chọn tốt nhất, dù thừa nhận đây là kết quả khả thi nhất trong bối cảnh hiện tại. Thủ tướng Ireland Micheál Martin đánh giá thỏa thuận giúp tăng tính minh bạch và khả năng dự báo cho quan hệ thương mại, song cũng cảnh báo rằng việc áp thuế mới có thể làm gia tăng chi phí và thách thức cho doanh nghiệp.
“Thành thật mà nói, mức thuế 15% đối với hầu hết các mặt hàng có vẻ như giống như một thỏa hiệp giữ thể diện cho cả hai bên. Nhưng khi nhìn vào khía cạnh kinh tế và so với thời điểm đầu năm, khi hầu như không có thuế quan, Liên minh châu Âu rõ ràng sẽ chịu thiệt từ thỏa thuận này. Liên minh châu Âu sẽ chứng kiến tác động kinh tế tiêu cực, mặc dù với mức thuế 15%, điều này sẽ không phải là dấu chấm hết cho nền kinh tế châu Âu”, chuyên gia kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ING bình luận.
Thời gian sẽ cho thấy liệu thỏa thuận Mỹ-EU có thực sự tạo ra một nền tảng bền vững cho thương mại song phương hay chỉ là một giải pháp tạm thời trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế phức tạp. Dẫu sao, việc hai bên tìm được tiếng nói chung đã phần nào xoa dịu những lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang, mang lại hy vọng về một tương lai hợp tác kinh tế ổn định hơn.