Dân vận khéo, dựng xây biên cương vững mạnh
Giai đoạn 2021-2025, phong trào thi đua 'Dân vận khéo' và công tác xây dựng 'Đơn vị dân vận tốt' luôn được cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Cồn Roàng, BĐBP Quảng Bình triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ đó, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn biên giới.

Đồn Biên phòng Cồn Roàng thực hiện tốt mô hình “Tiết học biên cương” để giáo dục tinh thần yêu nước cho các cháu học sinh. Ảnh: Đức Tú
Nhiều giải pháp được triển khai hiệu quả
Đồn Biên phòng Cồn Roàng quản lý 8/18 bản của xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, với 334 hộ/1.437 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Ma Coong chiếm trên 93%. Trong giai đoạn 2021-2025, cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” là yếu tố quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng khối đoàn kết quân dân vững chắc, góp phần vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với tinh thần đó, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào một cách bài bản, hiệu quả, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”. Nội dung thực hiện phong trào được đưa vào các nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, 6 tháng, hằng năm. Cấp ủy xác định rõ mục tiêu, nội dung, thời gian, đối tượng và quy trình thực hiện; phân công cấp ủy viên phụ trách từng phần việc cụ thể nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Các tổ, đội công tác địa bàn được chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực tế, lựa chọn mô hình phù hợp để triển khai, đồng thời động viên các tập thể, cá nhân đăng ký tham gia xây dựng mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, đồng thời lan tỏa các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đơn vị và cộng đồng dân cư. Tuổi trẻ đơn vị phát huy tinh thần xung kích, chủ động triển khai mô hình “Ngày thứ Bảy về bản” với phương châm “Mỗi tuần một hoạt động thiết thực giúp dân”. Nội dung tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm như: Bảo vệ rừng, phát triển kinh tế, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...
Trung tá Nguyễn Khánh Toàn, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn cho biết: “Phát huy tinh thần xung kích trong thực hiện phong trào "Dân vận khéo", Chi đoàn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu cho từng đoàn viên - đảng viên trẻ, mỗi đồng chí phụ trách một hộ gia đình khó khăn, hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi cũng đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện như: "Thứ Bảy về bản", "Thanh niên tình nguyện"... để hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất, tặng quà, tạo thêm động lực để người dân vượt khó”.
Nhiều công trình, mô hình thiết thực
Tháng 8/2023, bà Y Tía (52 tuổi, trú tại bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch) vỡ òa trong niềm vui khi được hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố trị giá 100 triệu đồng từ Đồn Biên phòng Cồn Roàng, các cấp chính quyền và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình. Gia đình bà Y Tía thuộc diện đặc biệt khó khăn, bản thân bà bị mù, chồng bị bệnh nặng, không thể lao động sản xuất. Căn nhà tranh tre, vách nứa rộng chừng 15m² là nơi sinh sống chật chội của 3 thành viên trong gia đình. Thấu hiểu hoàn cảnh, Thiếu tá Trương Tấn Hợp, cán bộ vận động quần chúng phụ trách địa bàn đã tham mưu với chỉ huy đơn vị, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, nhà hảo tâm để giúp bà Y Tía có được nơi ở khang trang, ấm áp tình người.

Đảng viên phụ trách hộ gia đình hướng dẫn người dân chăm sóc vườn rau từ mô hình "Vườn rau sạch”. Ảnh: Đức Tú
Trong quá trình triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” giai đoạn 2021-2025, nhiều công trình, mô hình mang tính nhân văn sâu sắc đã ra đời, góp phần làm thay đổi diện mạo bản làng. Có thể kể đến các công trình như: “Ánh sáng vùng biên”, “Truyền thanh bản xa”, “Giếng nước Biên phòng”, “Tủ thuốc Biên phòng”...; các chương trình: “Nghĩa tình biên giới”, “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, “Thứ Bảy về bản” nhằm hỗ trợ các bản khó khăn.
Ông Đinh Két, Bí thư Chi bộ bản Cồn Roàng xúc động chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ từ Đồn Biên phòng Cồn Roàng và các nhà hảo tâm, bản mình có được công trình "Ánh sáng vùng biên", hệ thống nước sạch, rồi nhiều mô hình sinh kế. Nhờ đó mà cuộc sống người dân ngày càng đổi thay, không còn khốn khó như xưa”.
Từ nguồn lực của đơn vị và vận động xã hội hóa, đến nay, Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã xây dựng 13 công trình “Ánh sáng vùng biên” dài hơn 13km, với hơn 400 cột đèn năng lượng mặt trời; 10 công trình giếng khoan và nước tự chảy; 194 bóng đèn phục vụ sinh hoạt cho 94 hộ dân ở các bản Cồn Roàng, Coóc, Cu Tồn; lắp đặt 5 hệ thống năng lượng mặt trời tại 5 trường học; xây dựng 8 công trình “Truyền thanh bản xa”, làm mới 3 cổng chào..., tổng trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ và tặng 12 mô hình chăn nuôi lợn bản địa, ngan đen, gà bán chăn thả; 2 mô hình trồng rau; 8 mô hình nuôi ong với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.
Thiếu tá Nguyễn Sơn Bình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho biết, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Công tác dân vận phải "đi trước mở đường", củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dân vận khéo sẽ khơi dậy sức mạnh nội lực, tạo sự đồng thuận trong quần chúng để cùng nhau dựng xây quê hương giàu đẹp, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc”.