Đảng đối lập đòi luận tội tổng thống Hàn Quốc: Khả năng và hệ lụy
Các nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập lên kế hoạch bỏ phiếu tại Quốc hội (do đảng này kiểm soát) để luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol vào 19h ngày 7/12. Nếu ông bị luận tội dẫn đến 'ngã ngựa' sớm 2 năm trước khi hết nhiệm kỳ thì hệ lụy không chỉ liên quan Hàn Quốc.
Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada và một số nước khác đã khuyến cáo công dân tránh các cuộc biểu tình sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật đêm 3/12, rạng sáng 4/12 dẫn tới nhiều cuộc biểu tình và 6 đảng đối lập đề xuất luận tội tổng thống. Quyết định luận tội cần giành được 2/3 số phiếu bầu của Quốc hội 300 ghế để được thông qua. Đảng Dân chủ và các đảng nhỏ khác có 192 ghế, chỉ thiếu 8 phiếu để đủ điều kiện luận tội tổng thống. Trong khi đó, cảnh sát Hàn Quốc mở cuộc điều tra về cáo buộc Tổng thống Yoon phạm tội phản quốc khi ban bố thiết quân luật.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 5/12, một chuyên gia Hàn Quốc nhận định: “Khả năng Tổng thống Yoon Suk-yeol bị luận tội hoặc buộc phải từ chức phụ thuộc vào tính hợp pháp của hành động của ông, phản ứng của các đối thủ chính trị và sự ủng hộ của công chúng. Với truyền thống dân chủ mạnh mẽ, người dân Hàn Quốc sẽ không dễ dàng chấp nhận bất kỳ động thái nào bị xem là vi phạm quyền tự do và dân chủ, nhưng với việc Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun nhận trách nhiệm vụ thiết quân luật và từ chức thì khả năng ông Yoon “ngã ngựa” trong thời gian tới là thấp”.
Nhưng nếu Hàn Quốc không may rơi vào khủng hoảng chính trị (đề xuất luận tội được thông qua, Tổng thống Yoon bị đình chỉ trong khi chờ quyết định của Tòa án Hiến pháp, tòa án ra phán quyết bất lợi cho ông…), Việt Nam nên chủ động và linh hoạt ứng phó, cụ thể là duy trì sự ổn định trong quan hệ song phương, bảo vệ quyền lợi của người dân và tận dụng các cơ hội chiến lược, vị chuyên gia nói.
Tác động của việc thiết quân luật
Việc ban bố thiết quân luật là một biện pháp cực đoan nhưng được Hiến pháp Hàn Quốc cho phép trong các tình huống khẩn cấp như chiến tranh, nổi loạn hoặc bất ổn diện rộng. Hiến pháp Hàn Quốc và Luật Thiết quân luật cho phép áp dụng trong các tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không có lý do chính đáng, điều này có thể bị coi là lạm quyền.
Một tuyên bố thiết quân luật đột ngột và thiếu minh bạch sẽ bị nhiều người dân và các đảng đối lập phản đối mạnh mẽ. Người dân Hàn Quốc có truyền thống đấu tranh quyết liệt chống lại các hành động được coi là chuyên quyền, như đã thấy trong các cuộc biểu tình dẫn đến việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017.
Vị chuyên gia giải thích, kinh nghiệm trong quá khứ với các chế độ độc tài áp dụng thiết quân luật khiến người dân Hàn Quốc rất cảnh giác. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền quay lại các biện pháp chuyên chế có thể châm ngòi cho làn sóng phản kháng diện rộng. Theo ông, Hàn Quốc được xem là một nền dân chủ ổn định, nên việc áp dụng các biện pháp độc đoán có thể làm tổn hại hình ảnh quốc gia và gây áp lực lên các mối quan hệ đồng minh, đặc biệt là với Mỹ - quốc gia coi trọng các giá trị dân chủ.
“Việc Hàn Quốc áp dụng thiết quân luật rồi các sự kiện có khả năng xảy ra sau đó như luận tội, từ chức, bầu cử sớm… gây lo ngại ở Đông Á, đặc biệt là khi căng thẳng với Triều Tiên vẫn đang leo thang. Bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào ở Seoul cũng có thể tạo cơ hội cho Bình Nhưỡng hoặc làm phức tạp thêm các thỏa thuận an ninh với Washington và Tokyo”, vị chuyên gia nhận định.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun lên tiếng chịu trách nhiệm hoàn toàn, xin từ chức (và đã được Tổng thống phê chuẩn) nhiều khả năng sẽ làm dịu tình hình, nhưng cũng có thể sẽ làm tăng bất ổn. “Hành động từ chức trong bối cảnh khủng hoảng có thể làm suy giảm lòng tin của người dân vào khả năng điều hành của chính phủ”, vị chuyên gia nói. Việc bổ nhiệm Đại sứ Hàn Quốc tại Ảrập Xêút, ông Choi Byung-hyuk, làm bộ trưởng quốc phòng giữa lúc nước sôi lửa bỏng có thể sẽ gây tranh cãi. Ông được thăng hàm tướng bốn sao vào tháng 4/2019 và giữ chức Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp Hàn Quốc-Mỹ đến tháng 9/2020. Tháng 12/2023, ông Choi được Tổng thống Yoon bổ nhiệm làm đại sứ tại Ảrập Xêút. “Phe đối lập có thể cho rằng, việc bổ nhiệm lần này là một nỗ lực củng cố quyền lực”, vị chuyên gia dự đoán.
Khả năng luận tội tổng thống
Luận tội là một quá trình pháp lý và chính trị đòi hỏi sự đồng thuận lớn từ các đảng đối lập và sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng. Nếu việc ban bố thiết quân luật bị coi là vi hiến hoặc mang động cơ chính trị, điều này có thể trở thành cơ sở cho việc luận tội. Sử dụng thiết quân luật một cách tùy tiện có thể bị coi là làm xói mòn nền dân chủ. “Nếu hành động này (ban bố thiết quân luật) được xem là nhằm chế áp các lực lượng đối lập hoặc củng cố quyền lực, Tổng thống Yoon có thể bị buộc tội lạm quyền”, vị chuyên gia nhận định.
Luận tội cần sự chấp thuận của 2/3 số thành viên Quốc hội trước khi chuyển lên Tòa án Hiến pháp để xem xét. Với việc đảng Sức mạnh quốc dân của ông Yoon chiếm thiểu số trong Quốc hội (chiếm 108/300 ghế), các đảng đối lập như đảng Dân chủ có thể dẫn đầu quá trình này. Thành công của việc luận tội phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của người dân. Lịch sử gần đây của Hàn Quốc cho thấy sức mạnh của các cuộc biểu tình quần chúng trong việc định hình các kết quả chính trị.
Hậu quả của việc từ chức hoặc bị phế truất
Theo vị chuyên gia Hàn Quốc, nếu Tổng thống Yoon Suk-yeol bị luận tội hoặc buộc phải từ chức, điều này có thể tạo ra khoảng trống quyền lực và bất ổn chính trị nghiêm trọng. Các chính sách của chính quyền hiện tại có thể bị đảo ngược hoặc đình chỉ bởi người kế nhiệm. Hiến pháp Hàn Quốc quy định phải tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày nếu tổng thống từ chức hoặc bị phế truất, dẫn đến cạnh tranh chính trị gay gắt và bất ổn. “Sự bất ổn chính trị có thể làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư và gây căng thẳng với các đồng minh quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, trong bối cảnh khu vực đang cần sự lãnh đạo mạnh mẽ”, ông nhận định.