IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do thuế quan của Mỹ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sau khi Mỹ áp mức thuế quan cao chưa từng có trong 100 năm qua đối với hầu hết các đối tác thương mại.

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do thuế quan của Mỹ

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do thuế quan của Mỹ

Chỉ trong vòng 10 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế phổ quát và gia tăng thuế suất (hiện đang tạm hoãn) với nhiều quốc gia, IMF đã nhanh chóng cập nhật dự báo kinh tế toàn cầu.

Theo đó, tăng trưởng toàn cầu năm 2025 được điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 2,8%, trong khi tăng trưởng năm 2026 giảm 0,3 điểm xuống còn 3%, so với mức 3,3% của cả hai năm trong dự báo tháng 1.

Lạm phát toàn cầu cũng được điều chỉnh tăng, phản ánh tác động của các hàng rào thuế quan. Cụ thể, IMF dự báo lạm phát sẽ đạt 4,3% trong năm 2025 và 3,6% trong năm 2026, cao hơn đáng kể so với kỳ vọng trước đó, đặc biệt là tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, nhận định: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, khi hệ thống kinh tế toàn cầu vận hành suốt 80 năm qua đang được thiết lập lại”.

Đồng thời ông cảnh báo, rằng căng thẳng thương mại leo thang và sự bất định chính sách ở mức “cực kỳ cao” sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế toàn cầu.

“Ảnh hưởng là toàn diện, từ Mỹ, khu vực đồng euro, Trung Quốc cho tới các khu vực khác trên thế giới”, ông nói với Reuters.

Nếu xung đột thương mại tiếp tục leo thang, tình trạng bất định sẽ gia tăng, thị trường tài chính biến động mạnh hơn và các điều kiện tài chính bị siết chặt, qua đó kéo giảm thêm triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Mặc dù nhu cầu đối với đồng USD đã giảm do triển vọng tăng trưởng yếu, nhưng các điều chỉnh trên thị trường tiền tệ vẫn diễn ra trật tự.

“Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu hoảng loạn hay dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường. Chúng tôi chưa lo ngại về khả năng chống chịu của hệ thống tiền tệ quốc tế ở thời điểm hiện tại. Để điều đó bị lung lay cần phải có một cú sốc lớn hơn rất nhiều”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, triển vọng trung hạn của kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng 5 năm ở mức 3,2%, thấp hơn đáng kể so với trung bình 3,7% trong giai đoạn 2000-2019. Cải cách cấu trúc sâu rộng được xem là điều kiện tiên quyết để cải thiện tình hình.

IMF cũng hạ mạnh dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2025 xuống 1,7%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với báo cáo tháng 1, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng của năm 2024. Sự phân mảnh ngày càng rõ nét của nền kinh tế thế giới đang khiến thương mại kém hiệu quả và chi phí tăng cao.

Theo ông Gourinchas, việc khôi phục tính minh bạch và khả năng dự báo cho hệ thống thương mại toàn cầu là “cực kỳ cần thiết”.

Tăng trưởng của Mỹ giảm, lạm phát tăng

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống còn 1,8% trong năm 2025, giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, đồng thời thấp hơn đáng kể mức 2,8% của năm 2024. Dự báo cho năm 2026 cũng bị hạ 0,4 điểm phần trăm, còn 1,7%.

Tổ chức này không dự báo suy thoái xảy ra tại Mỹ, song xác suất đã tăng từ 25% lên 37%. Lạm phát tại Mỹ dự kiến sẽ đạt 3% trong năm 2025, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1, do tác động từ thuế và nhu cầu dịch vụ mạnh mẽ. Điều này buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hành động thận trọng hơn để giữ vững kỳ vọng lạm phát.

Bên cạnh đó, ông Gourinchas nhấn mạnh rằng sự độc lập của ngân hàng trung ương là yếu tố sống còn trong cuộc chiến chống lạm phát. Lo ngại gia tăng sau khi Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell, khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.

Canada, Mexico chịu tác động mạnh

IMF hạ dự báo tăng trưởng của Canada xuống còn 1,4% năm 2025 và 1,6% năm 2026, thay vì 2% như trước đó. Mexico bị đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực Bắc Mỹ, với tăng trưởng năm 2025 được điều chỉnh giảm mạnh xuống mức âm 0,3%, giảm 1,7 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1, trước khi phục hồi lên 1,4% trong năm 2026.

Châu Âu và châu Á suy yếu

Tăng trưởng của khu vực đồng euro được dự báo sẽ giảm xuống còn 0,8% năm 2025 và 1,2% năm 2026, giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo trước. Tây Ban Nha là điểm sáng duy nhất với mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2025, cao hơn 0,2 điểm phần trăm, nhờ dữ liệu tích cực.

Trong khi đó, tăng trưởng của Đức bị hạ xuống 0% trong năm 2025 - giảm 0,3 điểm phần trăm và 0,9% trong năm 2026 - giảm 0,2 điểm phần trăm, dù kỳ vọng nới lỏng tài khóa đang gia tăng sau thay đổi về giới hạn nợ công.

Kinh tế Anh được dự báo tăng trưởng 1,1% năm 2025 - giảm 0,5 điểm phần trăm và 1,4% năm 2026, do ảnh hưởng của thuế, lợi suất trái phiếu tăng và tiêu dùng cá nhân yếu.

Tại Nhật Bản, tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 0,6% năm 2025, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, do tác động trực tiếp từ các rào cản thương mại.

Với Trung Quốc, IMF hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 4% cho cả năm 2025 và 2026, lần lượt giảm 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 1. Tác động từ thuế quan đối với một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc được ước tính làm giảm tăng trưởng khoảng 1,3 điểm phần trăm trong năm 2025, tuy nhiên, nước này đang nỗ lực bù đắp bằng các chính sách tài khóa tích cực hơn.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/imf-ha-du-bao-tang-truong-toan-cau-do-thue-quan-cua-my-163191.html