Đằng sau câu chuyện dầu giá rẻ mà Trung Quốc mua từ Iran và Nga
Trung Quốc được hưởng lợi khi tiếp cận được nguồn cung dầu giá rẻ. Điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, trong khi giảm thiểu rủi ro về mặt ngoại giao.

Hình minh họa
Năm 2019, khi đến Trung Quốc, nhà phân tích Ken Silverstein có dịp gặp gỡ một số quan chức Bộ Ngoại giao nước này. Họ khẳng định rằng không có chủ đề nào bị coi là nhạy cảm, hay cấm kỵ trong trao đổi. Trong cuộc trò chuyện, khi được hỏi về quan hệ Trung - Nhật, các quan chức cho biết quan hệ giữa hai nước “rất tốt đẹp” và nhấn mạnh rằng, thương mại song phương đang mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Cách phản ứng này phần nào phản ánh phong cách ngoại giao của Trung Quốc: Điềm tĩnh, thực dụng và ưu tiên tính ổn định. Bắc Kinh tập trung vào tăng trưởng kinh tế, hạn chế đối đầu và thường tránh can dự sâu vào các vấn đề quốc tế. Cách tiếp cận đó cũng được thể hiện trong quan hệ với Iran và Nga - những đối tác đang chịu trừng phạt từ phương Tây - dù Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ tài chính chặt chẽ với các nước phát triển.
Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc được hưởng lợi khi tiếp cận được nguồn cung dầu giá rẻ. Điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, trong khi giảm thiểu rủi ro về mặt ngoại giao.
Với Iran, hợp tác dầu mỏ mang tính chiến lược khi quốc gia này đang bị cô lập trên trường quốc tế. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi vận tải biển Vortexa, trong tháng 6/2025, Trung Quốc nhập khẩu kỷ lục 1,8 triệu thùng dầu/ngày từ Iran - chiếm khoảng 12-15% tổng lượng dầu nhập khẩu mỗi ngày của nước này. Gần như toàn bộ dầu xuất khẩu của Iran hiện đều được chuyển tới Trung Quốc.
Theo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Tel Aviv, “các lệnh trừng phạt khiến Iran không còn lựa chọn nào khác ngoài Trung Quốc, và Trung Quốc đang tận dụng cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng thông qua thương mại và dầu mỏ giá rẻ”.
Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn tỏ ra thận trọng. Trong căng thẳng gần đây giữa Iran và Israel, phản ứng của Trung Quốc khá dè dặt. Nước này có quan hệ chính thức với Israel - chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Năm 2023, hai bên đã ký kết thỏa thuận thương mại song phương trị giá 18 tỷ USD.
So với Iran, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga rộng hơn nhiều và được thể hiện một cách công khai hơn. Tháng 5/2025, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin tái khẳng định quan hệ đối tác “không giới hạn”, đồng thời công bố 20 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, tài chính và hạ tầng. Cả hai cùng xem đây là cách để đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây. Và như thường lệ, kinh tế vẫn là tâm điểm.
Trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt vì xung đột ở Ukraine, Nga hiện cung cấp tới 19% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc - với mức giá ưu đãi lớn. Nhờ đó, Bắc Kinh tiết kiệm được hàng tỷ USD mỗi năm.
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt khoảng 240 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn, nếu so với thương mại giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (785 tỷ USD), hay với Mỹ (575 tỷ USD). Nói cách khác, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào phương Tây nhiều hơn Nga rất nhiều.
Ước tính, mỗi năm Trung Quốc tiết kiệm khoảng 8 tỷ USD nhờ dầu giá rẻ từ Nga, cộng thêm 7 tỷ USD từ dầu thô Iran - tổng cộng khoảng 15 tỷ USD. Đây là một con số đáng kể, nhưng nếu so với những rủi ro tiềm ẩn, bức tranh tổng thể có thể sẽ khác.
Giả sử phương Tây phản ứng bằng cách cắt giảm chỉ 1% thương mại với Trung Quốc, vì cho rằng Bắc Kinh đang “ủng hộ” Nga, hoặc Iran, thiệt hại mà Trung Quốc phải gánh sẽ lên tới 13,6 tỷ USD mỗi năm. Nếu mức cắt giảm là 5%, con số đó sẽ vọt lên 68 tỷ USD - cao hơn rất nhiều so với khoản tiết kiệm từ dầu giá rẻ.
Theo các báo cáo của tổ chức Jamestown Foundation (trụ sở tại Washington), thương mại với Trung Quốc đang giúp Iran và Nga trụ vững trước các lệnh trừng phạt. Iran có thể tiếp tục chế tạo máy bay không người lái, trong khi Nga có thêm nguồn lực để duy trì ngân sách. Điều này làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây.
Vậy tại sao phương Tây chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp với Trung Quốc? Bởi vì làm vậy có thể dẫn tới phản ứng trả đũa từ Bắc Kinh, đồng thời đẩy giá dầu toàn cầu tăng mạnh. Nói cách khác, trừng phạt Trung Quốc có thể khiến phương Tây tự đẩy mình vào thế bất lợi về kinh tế. Đó là lý do đến giờ, phương Tây vẫn chọn cách “nhắm mắt làm ngơ”.
Trung Quốc đã vươn lên thành cường quốc toàn cầu, đưa hàng triệu người thoát nghèo và mở rộng quan hệ thương mại khắp thế giới. Nhưng để duy trì đà tăng trưởng này, Bắc Kinh vẫn cần nguồn năng lượng giá rẻ. Đó là lý do nước này sẵn sàng mua dầu giá thấp từ Iran và Nga, trong khi vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với phương Tây.