Đảng viên trẻ - Điểm tựa cho bản làng người Mông
Bà Ma Thị Mận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm cho biết, toàn huyện phát triển hơn 200 đảng viên người dân tộc Mông và chiếm hơn một nửa là đảng viên trẻ.
Huyện Pác Nặm là huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, cũng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm đa số. Trong nỗ lực nâng cao đời sống kinh tế xã hội của nhân dân, những năm qua, cấp ủy chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng tại các thôn, bản vùng cao, tạo điểm tựa vững chắc cùng bà con xây dựng bản làng.
Thôn Tân Hợi (thuộc xã An Thắng, huyện Pác Nặm) có hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Mông cùng sinh sống và có đến quá nửa thuộc diện hộ nghèo. Đất ruộng cấy lúa ít nên người dân chủ yếu sống bằng canh tác đỗ, ngô. Bù lại, thôn có diện tích đất đồi rộng phù hợp trồng cỏ nuôi trâu bò. Lợi thế là vậy nhưng việc phát triển chăn nuôi gia súc của người dân nơi đây lại chưa phát triển.
Với mong muốn giúp bà con trong thôn có đầu ra ổn định cho đàn gia súc cũng như giúp người dân tận dụng lợi thế sẵn có, năm 2022, anh Lý Văn Sự, Bí thư chi bộ thôn Tân Hợi đã thành lập hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng. Với số vốn ban đầu là 850 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, anh Sự đã mạnh dạn triển khai dự án liên kết nuôi trâu sinh sản tại thôn. Tham gia vào chuỗi liên kết, 14 hộ dân ở thôn Tân Hợi đã được hợp tác xã hỗ trợ về giống, thức ăn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Anh Sự cho biết, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đàn trâu của các hộ phát triển tốt, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trong thôn.
“Trâu bò cho bà con, nhưng hợp tác xã đứng ra quản lý để số lượng nó tăng lên, để sau 10 năm thay đổi đời sống của bà con nhân dân. Hiện tại HTX đã cấp được 28 con cho các hộ dân, đã đẻ được 7 con, vừa rồi tôi kiểm tra chuẩn bị đẻ 6 con, như vậy phát triển rất tốt, bà con rất là tin tưởng, vừa là bí thư chi bộ, vừa là HTX, bà con rất tin tưởng bản thân làm, tạo ra phương hướng để bà con đi lên”- anh Lý Văn Sự nói.
Anh Lý Văn Hàng, thành viên tham gia dự án cho biết, trước đây, gia đình chỉ nuôi một đến hai con trâu, hiệu quả kinh tế không cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, gia đình anh được hỗ trợ 2 con giống và anh cũng đầu tư mua thêm 3 con. Sau một thời gian chăm sóc, đàn trâu phát triển tốt và đã có thêm 3 con nghé.
“Trước đây chăn nuôi ít, bây giờ thực hiện theo bí thư tuyên truyền. Lúc có dịch bệnh hay thiếu vốn, bí thư giúp người dân vay vốn. Quá trình có dịch bệnh hỗ trợ người dân mua thuốc để tiêm. Người dân rất tin tưởng Bí thư chi bộ, đã nhiệt tình tuyên truyền cho bà con để bà con có thêm việc làm, hỗ trợ cho gia đình”- Anh Lý Văn Hoàng nói.
Từ nhiều năm qua, căn nhà gỗ ở cuối Bản Nghè, xã Cổ Linh trở thành lớp học khèn Mông do ông Hoàng Minh Tân tổ chức. Mùa Xuân này bước sang tuổi 84 nhưng ông Tân vẫn hết lòng với công việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Với tâm niệm là đảng viên, càng phải có ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn văn hóa của dân tộc nên hơn 10 năm qua, ông Tân đã kiên trì truyền dạy các thế hệ trẻ trong xã tất cả những điệu khèn ông biết. Ông cũng là một trong những người tham gia phục hồi lại lễ “Gầu tào” của người Mông địa phương.
“Các lớp người như tôi biết, nhưng người ta bỏ hết rồi, nên tôi bắt buộc sao cho các em, các cháu phải làm thế nào để học để biết cái khèn này để giữ gìn, để sau các cháu dạy cho hệ sau. Nên mình phải mở lớp để mà học cho các cháu. Mong muốn các cháu sẽ học được những kiến thức của tôi để sau tôi mất đi thì họ còn truyền được cho các com cháu sau này”- ông Hoàng Minh Tân kể lại.
Xác định được tầm quan trọng của đội ngũ đảng viên người Mông trong việc xây dựng Đảng, huyện Pác Nặm đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng cũng như phát triển đảng viên. Anh Hoàng Văn Khyà, Bí thư chi bộ Thôn Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm cho biết, tại các thôn, bản vùng cao, đảng viên người Mông đã trở thành "hạt nhân" xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, là cánh tay nối dài của chính quyền với nhân dân..
Anh Hoàng Văn Khyà cho hay, bản thân là Bí thư Chi bộ nên thường xuyên quan tâm, tuyên truyền cho bà con dù có làm công việc gì, theo tôn giáo hay không theo tôn giáo cũng đều phải chấp hành đường lối chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của nhà nước. Nếu có chương trình nào đó của nhà nước phải tham gia đầy đủ như làm đường nông thôn mới: "Lúc đầu bà con cũng không hiểu và có phản đối, sau tuyên truyền bà con đã nghe, làm theo”.
Bà Ma Thị Mận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm cho biết, toàn huyện phát triển hơn 200 đảng viên người dân tộc Mông và chiếm hơn một nửa là đảng viên trẻ. Đảng viên người Mông ở các thôn, bản vùng cao giữ vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, tuyên truyền người dân không theo các tổ chức bất hợp pháp, xóa bỏ các hủ tục, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, có nhiều cán bộ được học tập, đào tạo bài bản, gương mẫu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Chính những đảng viên người Mông trở thành người đồng hành, hướng dẫn cho bà con nhân dân, cho quần chúng người Mông khác để có giải pháp tốt hơn trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo”.
Các bản làng người Mông ở Pác Nặm hiện đã cơ bản có đường bê tông, có nước sạch, điện lưới quốc gia… đời sống, kinh tế đã phát triển vượt bậc nhờ phát huy thế mạnh trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực với vai trò quan trọng của những đảng viên người dân tộc thiểu số tại mỗi bản làng. Họ là những hạt nhân tiên phong, nòng cốt và cũng là điểm tựa để người dân cùng đoàn kết, xây dựng bản làng ngày một đổi mới, phát triển.
z
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dang-vien-tre-diem-tua-cho-ban-lang-nguoi-mong-post1151719.vov