Thu ngân sách: Chuỗi 4 năm vượt dự toán

Năm 2024, thu ngân sách nhà nước về đích sớm gần 2 tháng, nối tiếp chuỗi 4 năm vượt dự toán; nhờ đó, tài chính quốc gia được củng cố, đáp ứng nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng. Đây cũng là giai đoạn ngân sách dành nguồn lực lớn khoảng 900 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch và tác động tiêu cực từ bên ngoài...

Các chuyên gia cho rằng thành quả thu ngân sách năm 2024 nhờ khả năng phục hồi nhanh của doanh nghiệp gắn với cải cách thu và điều hành thu - chi hợp lý. Năm 2025 cần tiếp tục chính sách hỗ trợ để nuôi dưỡng nguồn thu nhưng tập trung vào các động lực nền kinh tế thay vì dàn trải.

Năm 2024, nền kinh tế trong nước phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), đưa Việt Nam nằm trong số ít quốc gia đạt tốc độ tăng.

Tiếp đà vượt dự toán những năm trước đó, năm 2024, Bộ Tài chính hoàn thành mục tiêu thu cả năm ước đạt 2,025 triệu tỷ đồng, vượt 19,1% so dự toán (324,4 nghìn tỷ đồng), tăng 15,5% so thực hiện năm 2023; tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP. Từ đó, tạo nguồn lực mạnh mẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách đột xuất phát sinh, tăng chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.

BỐN NĂM VƯỢT DỰ TOÁN HƠN 1 TRIỆU TỶ ĐỒNG

Tính chung 4 năm từ 2021-2024, tổng số thu ngân sách vượt dự toán lên tới 1,096 triệu tỷ đồng. Trong đó, năm 2021, thu ngân sách nhà nước vượt 233 nghìn tỷ đồng so với dự toán (tương ứng 17,2%); năm 2022 thu vượt 407 nghìn tỷ đồng dự toán (28,8%). Năm 2023 nhiều khó khăn hơn, thu ngân sách nhà nước cán đích phút chót song vẫn vượt 132 nghìn tỷ đồng (8%). Trước đó, năm 2020, nhiệm vụ thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, hụt dự toán 1,9%, tương ứng thấp hơn 28 nghìn tỷ đồng so với mục tiêu đề ra do hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư, du lịch chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

"Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng của đất nước, nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức vai trò trách nhiệm của ngành trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, toàn ngành tài chính cần triển khai quyết liệt phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tài chính phải bám sát tình hình thực tế, phương châm hành động của Chính phủ để tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm".

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất theo quy định. Kết quả thực hiện ước tính đến hết tháng 12/2024, tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân ước khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024); trong đó, số miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 đạt kỷ lục khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2023-2024 giảm dần lưu lượng hỗ trợ, còn khoảng 200 nghìn tỷ đồng và 197,3 nghìn tỷ đồng.

Dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa miễn, giảm, gia hạn thuế trợ sức cho người dân và doanh nghiệp phục hồi, tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế, song phần nào cũng ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và cân đối ngân sách.

Nhằm tái cơ cấu nguồn thu ngân sách hướng tới hệ thống thu ngân sách nhà nước bền vững, hiệu quả và tạo thêm không gian tài khóa trong bối cảnh nhiều đại dự án giao thông đang và sắp triển khai thời gian tới, việc tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm và trọng điểm là rất cần thiết.

TĂNG THU TỪ LĨNH VỰC TIỀM NĂNG

Nguyên nhân thu ngân sách nhà nước đạt mức cao hơn dự kiến do sự phục hồi mạnh của nền kinh tế và trụ vững trước những biến động từ thị trường thế giới. Cùng với đó, những đổi mới, cải thiện của công tác quản lý rủi ro, thanh tra thuế và ngành tài chính đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa trong việc thu thuế và thành quả từ việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đồng loạt triển khai các giải pháp chống thất thu thuế, bù đắp các khoản hụt thu khi thực hiện các chính sách hỗ trợ, quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chống thất thu ở các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, còn nhiều rủi ro, nhất là đất đai, kinh doanh bất động sản, xăng dầu, vàng, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế.

Ở chiều ngược lại, tổng số chi ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2024 ước đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (680 nghìn tỷ đồng), thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 81,9% kế hoạch). Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến, trong đó điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thể chế, nhiều thủ tục rườm rà.

Cùng với đó, chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 và thực hiện chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

NĂM NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2025

Với kết quả thu, chi ngân sách nhà nước nêu trên, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2024, bội chi ngân sách nhà nước thực hiện khoảng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so dự toán nhờ giảm bội chi ngân sách địa phương.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động của ngành Tài chính mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhấn mạnh phải hoàn thành mục tiêu ngân sách mà Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Để đạt mục tiêu, ngành tài chính cần hoàn thành 5 nhiệm vụ.

Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo bước đột phá phát triển kinh tế.

Trong đó, tập trung hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 9 các dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một số luật khác sau hợp nhất, sáp nhập. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Hai là, quyết liệt trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thông qua việc làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, mở rộng cơ sở thuế, khai thác, đảm bảo thu đúng thu đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ để có thêm nguồn dành cho thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2025 chặt chẽ, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 so với năm 2024. Tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo nguồn lực cho quốc phòng an ninh, chi khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.

Ba là, điều hành hiệu quả chính sách tài khóa, tạo điều kiện tập trung thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nhà nước. Ngân sách nhà nước đóng vai trò là vốn mồi dẫn dắt thu hút các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển mạnh mẽ, đột phá, bền vững kinh tế - xã hội.

Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững, tăng cường quản lý giá cả; phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, bảo hiểm, nâng hạng thị trường chứng khoán.

Năm là, thực hiện có hiệu quả sắp xếp tinh gọn bộ máy theo kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sớm đưa bộ máy mới vào hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Kỳ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thu-ngan-sach-chuoi-4-nam-vuot-du-toan.htm