Đánh giá kỹ hiệu quả tài chính, chuẩn bị phương án, nguồn lực thực hiện
Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí đầu tư Dự án, song cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính, chuẩn bị các phương án, nguồn lực để bảo đảm thực hiện dự án hiệu quả, đúng tiến độ.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội):
Tuyến đường sắt lưỡng dụng, liên thông quốc tế
Tôi kỳ vọng việc đầu tư tuyến đường sắt này sẽ tạo sự kết nối, phát triển lan tỏa trên trục hành lang Bắc – Nam, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về giao thông, logistic; tạo sự kết nối xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường châu Âu, Trung Đông, Bắc Á.
Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn với đề xuất của Chính phủ, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách, còn hàng hóa chỉ là đa dụng trong trường hợp cần thiết. Trong khi đó, hệ thống đường sắt cũ (khổ 1 mét) nên không thể liên thông với hệ thống đường sắt quốc tế (1,43 mét). Do đó, tôi đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần nêu rõ đây là tuyến đường sắt lưỡng dụng, vừa vận tải hành khách và vận tải hàng hóa để liên thông quốc tế.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào thị phần đường sắt. Theo tính toán, thị phần đường sắt của Việt Nam khoảng 150 tỷ USD, có đủ khả năng chuyển giao công nghệ. Vì vậy, tôi đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội quy định theo hướng: đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam phải thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và chúng ta phải làm chủ trong quá trình đầu tư. Từ đó, chúng ta sẽ làm chủ trong việc đầu tư hệ thống đường sắt khác mà không cần mua sản phẩm sẵn có. Mua sản phẩm sẵn có rẻ hơn, chuyển giao công nghệ đắt hơn, nhưng đắt một lần, sẽ mãi bền vững về sau.
ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh):
Đầu tư dài hạn để chuyển giao công nghệ
Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là rất cần thiết không chỉ dưới góc độ kinh tế - xã hội mà còn cả góc độ quốc phòng - an ninh. Dự án có phạm vi đầu tư bắt đầu tại Hà Nội, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài của toàn tuyến hơn 1.500km và tuyến đường sắt này đi qua nhiều địa phương giáp biển. Với vận tốc thiết kế 350 km/h, thời gian di chuyển từ Bắc vào Nam bằng tuyến đường sắt này sẽ chỉ khoảng 5 - 5h30 phút. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, việc vận chuyển người, phương tiện, hàng hóa nhanh chóng có ý nghĩa rất quan trọng đối với bảo đảm quốc phòng - an ninh cho các địa phương ven biển từ Bắc vào Nam. Với những ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, tôi ủng hộ chủ trương đầu tư dự án này.
Về phương án thiết kế sơ bộ, dự kiến sẽ bố trí 23 ga hành khách, mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200 - 500ha; 5 ga hàng, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5ha. Trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các nhà ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện. Hệ thống sẽ xây dựng 5 depot tàu hàng và 4 depot phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu hàng; hệ thống thông tin, tín hiệu, điện và thẻ vé bảo đảm đồng bộ, hiện đại. Với phương án này, nếu chúng ta mở rộng ra nữa thì việc lựa chọn vị trí để xây dựng các depot tàu hàng, depot phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu hàng cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của 20 tỉnh, thành phố mà dự án đi qua.
Một điều hết sức quan trọng cần lưu ý là vấn đề phân bổ vốn cho các giai đoạn. Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thể hiện rõ về phân kỳ đầu tư, dự kiến số vốn cụ thể trong các giai đoạn. Với việc chia ra thành ba giai đoạn đầu tư từ 2027 - 2035, cần phải rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện các dự án xây dựng các tuyến metro và các dự án trọng điểm quốc gia khác, việc phân bổ vốn và thu hút vốn cần tính toán kỹ để có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi để bảo đảm thực hiện, tránh tình trạng kéo dài thời gian thực hiện và đội vốn.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn lực về nhân sự, kỹ thuật để vận hành và bảo trì sau khi tuyến đường sắt này hoàn thành và đi vào hoạt động. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực đó để đào tạo, huấn luyện, có trang bị kỹ thuật nhằm vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao. Chúng ta phải đầu tư ngay từ đầu, đầu tư dài hạn để chuyển giao công nghệ. Qua đầu tư dự án này, chúng ta có thể tiếp thu được công nghệ gì để làm chủ công nghệ gì để sử dụng được trong nước, giảm chi phí, phụ thuộc vào nước ngoài.
ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang):
Rà soát kỹ cơ chế, chính sách đặc biệt
Tôi cơ bản thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (Dự án) với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 767/TTr-CP của Chính phủ. Trong hồ sơ của dự án có một số nội dung cần được Chính phủ nghiên cứu làm rõ:
Thứ nhất, trong hồ sơ dự án xác định vốn để thực hiện chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ. Nhưng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ khi huy động phải hòa vào ngân sách trung ương, không phát hành dành riêng cho một dự án cụ thể. Do đó, nếu thực hiện dự án sẽ phải giảm chi ngân sách thường xuyên, chấp nhận bội chi tăng, như vậy ảnh hưởng đến việc huy động vốn vay nước ngoài.
Thứ hai, để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, dự án đề xuất 19 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội và 5 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Với những phân tích khoa học được đưa ra trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tôi cơ bản tán thành áp dụng các chính sách đặc biệt này. Song bên cạnh đó, cũng cần phải thấy, số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt của nước ta hiện chưa được bố trí hợp lý, nhất là trong các nhóm ngành nghề về công trình, thông tin, tín hiệu, đầu máy, toa xe… Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ về lĩnh vực đường sắt của chúng ta đang thiếu, tuy nhiên hồ sơ dự án chưa đề cập đến vấn đề này.
Thứ ba, dự án này sử dụng công nghệ hiện đại, lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Do đó, trong hồ sơ dự án đã đưa vào hạng mục nghiên cứu, tiếp nhận, phát triển khoa học công nghệ và xác định do trường, viện nghiên cứu trong nước thực hiện. Tuy nhiên, tại khoản 7, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết mới chỉ chú trọng đưa chính sách với tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ dự án và tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc dự án, chưa đề cập chính sách cho cán bộ khoa học, công nghệ, cũng như đội ngũ công nhân tham gia triển khai. Đồng thời, tại khoản 7, Điều 3 này cũng chưa quy định chính sách ưu đãi đặc biệt cho các tổ chức, cá nhân trong nước.
Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu bổ sung những cơ chế, chính sách đặc biệt nêu trên vào dự thảo Nghị quyết, cũng như có báo cáo giải trình làm rõ hơn phương án huy động vốn thực hiện Dự án.