Đánh giá kỹ nguyên nhân rút bảo hiểm xã hội một lần

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 2/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thống nhất với các điều khoản, điểm mới của dự án Luật. Đồng thời tập trung trao đổi về các nội dung còn gây tranh luận như việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, mức xử phạt đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc…

Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Nghiên cứu mức đóng BHXH phù hợp khi mở rộng đối tượng

Thảo luận về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh bao gồm cả phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh diện đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh.

“Theo quy định về mức đóng BHXH bắt buộc, đối với các đối tượng lao động thông thường, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%, tổng là 25%. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39, đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh phải đóng toàn bộ 25%. Do đó, cần đánh giá tác động xã hội của quy định này vì đổi tượng tác động lớn, nhiều đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, trong khi đây hoàn toàn có thể là đối tượng khuyến khích tham gia bảo hiểm tự nguyện, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh. Ảnh: Như Ý

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu, những người được hưởng thu nhập mang tính chất như tiền lương thì đều phải đưa vào đối tượng mua BHXH. Về đối tượng bảo tiền tự nguyện, trong nhiều năm qua, chúng ta mở rộng không được nhiều nhưng chính đối tượng này rất cần phải thu hút. Do đó có phương thức đóng góp linh hoạt cho họ, có thể đóng một lần, hoặc 2-3 năm một lần.

Đối với mức đóng BHXH, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng quy định hiện nay về mức đóng của người lao động là 8%, người sử dụng lao động 14 %, tổng cộng là hai phần trăm 22 % tiền lương không phải là con số nhỏ, đặc biệt đối với doanh nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu lại tỷ lệ đóng góp này theo hướng tỷ lệ đóng góp có thể giảm xuống để đối tượng tham gia bảo hiểm phủ rộng hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý

Đề xuất giảm lợi ích từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần

Đóng góp ý kiến về quy định rút BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) bày tỏ ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chúng ta không khuyến khích việc rút bảo hiểm một lần. Tất nhiên người ta đóng vào thì người ta có có quyền được rút ra, nhưng là hưởng phần 8% đã đóng nhưng phải trừ đi chi phí quản lý. Phần còn lại do doanh nghiệp đóng, người sử dụng lao động đóng thì sẽ đưa vào để trở thành quỹ trợ cấp hưu trí”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu giải pháp.

Đại biểu Lê Nhật Thành tham gia thảo luận

Đại biểu Lê Nhật Thành tham gia thảo luận

Xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, tại điểm B, khoản 2, Điều 5 quy định về các chế độ BHXH, đề nghị bổ sung "chế độ thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm". Vì theo điểm 1, mục III, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm, thì: "Bảo hiểm xã hội bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động...".

Điều 12 về trách nhiệm của người sử dụng lao động, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị bổ sung một khoản tại điều này, vì hiện nay chưa có chế tài đối với đơn vị sử dụng lao động trong việc thu hồi số tiền hưởng BHXH không đúng quy định của người lao động, cụ thể như sau: "7. Phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện thu hồi số tiền hưởng BHXH không đúng quy định của người lao động nộp về quỹ BHXH".

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc (Điều 37), tại khoản 2, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị quy định theo hướng cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thời gian từ 6 tháng lên 12 tháng trở lên vì khi ngừng sử dụng hóa đơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của người lao động.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/danh-gia-ky-nguyen-nhan-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan.html