Đánh thức lợi thế kinh tế rừng: Bài 1: Rừng - Nguồn lực, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Hòa Bình

Có diện tích rừng lớn và độ che phủ cao, Hòa Bình được đánh giá là địa phương nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của rừng. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là tạo sinh kế vững chắc và tiến tới làm giàu cho người dân từ rừng.

Có diện tích rừng lớn và độ che phủ cao, Hòa Bình được đánh giá là địa phương nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của rừng. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là tạo sinh kế vững chắc và tiến tới làm giàu cho người dân từ rừng.

Lực lượng kiểm lâm huyện Lạc Sơn và tổ quần chúng bảo vệ rừng xã Yên Nghiệp tuần tra khu rừng phòng hộ trên địa bàn xã.

Lực lượng kiểm lâm huyện Lạc Sơn và tổ quần chúng bảo vệ rừng xã Yên Nghiệp tuần tra khu rừng phòng hộ trên địa bàn xã.

Với diện tích rừng trên 236.747 ha, độ che phủ rừng đạt 51,57%, rừng được coi là nguồn lực, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường tín chỉ cacbon được hình thành và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một xu thế tất yếu.

Nguồn tài nguyên rừng phong phú

Báo cáo hiện trạng rừng của UBND tỉnh cho thấy, tỉnh Hòa Bình được quy hoạch 293.797 ha đất lâm nghiệp, trong đó, đất rừng đặc dụng hơn 40.299 ha; đất rừng phòng hộ hơn 108.214 ha; đất rừng sản xuất hơn 145.283 ha. Toàn tỉnh có trên 141.606 ha rừng tự nhiên, trên 95.140 ha rừng trồng và trên 114.531 ha chưa thành rừng. Với diện tích rừng chiếm tỷ lệ hơn 50% diện tích tự nhiên của tỉnh, có thể khẳng định, rừng là một trong những nguồn tài nguyên quý giá, là yếu tố quan trọng nhất cấu thành sự cân bằng tự nhiên và là động lực cho phát triển bền vững của tỉnh.

Rừng Hòa Bình còn được đánh giá là rừng "giàu" khi có hệ động, thực vật đa dạng và có giá trị kinh tế lớn, với nhiều loại gỗ quý như dẻ, dổi, lim, sến, táu, chò chỉ, chò nâu, thông năm lá, pơ mu, lát chun, lát hoa và các loại trúc, tre, nứa, vầu, giang, luồng, bương, song, mây... Đặc biệt, rừng Hòa Bình có đặc điểm rừng nhiệt đới, đây là điều kiện lý tưởng cho nhiều loại dược liệu quý. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 loại cây thuốc, trong đó nhiều loại có giá trị kinh tế cao như quế, sa nhân, hoài sơn, thổ phục linh, sâm đại hành, hà thủ ô, ngũ gia bì, mã tiền...

Hiện nay, trong tỉnh hình thành 4 khu bảo tồn thiên nhiên gồm: Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Hang Kia - Pà Cò, Thượng Tiến và Phu Canh với tổng diện dích 35.812 ha, nhằm bảo tồn môi trường sống tự nhiên của quần thể sinh vật, bảo vệ đa dạng sinh học. Các khu bảo tồn thiên nhiên chủ yếu là rừng thường xanh trên núi đá vôi với hệ thảm thực vật phong phú. Ngoài chức năng bảo tồn và duy trì nguồn gen động thực vật quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học, các khu bảo tồn thiên nhiên với những cánh rừng nguyên sinh lâu đời còn có chức năng duy trì và phát triển hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, môi sinh, phục vụ sản xuất của nhân dân. Trong đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông có diện tích lớn nhất với 19.254 ha, có nhiều cánh rừng nguyên sinh trên núi đá vôi độ cao dưới 300 m, từ 300 - 700 m, trên 700 m và rừng tre, nứa. Ở đây còn 26 loài nguy cấp được liệt kê trong sách đỏ thế giới; 56 loài được xếp vào danh sách các loài nguy cấp của Việt Nam; có 2 loại đặc hữu là gấu và sơn dương…

Cùng với bảo vệ bền vững diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Hòa Bình cũng duy trì tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. Diện tích rừng sản xuất của toàn tỉnh trên 11.317 ha, trung bình hàng năm, tỉnh trồng mới trên 7.740 ha rừng. Trong đó, trên 95% rừng trồng được sử dụng các nguồn giống đảm bảo chất lượng. Tỉnh cũng quan tâm triển khai cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm khai thác tối đa hiệu quả kinh tế rừng.

Nhiều lợi thế phát huy giá trị đa dụng của rừng

Rừng Hòa Bình không chỉ là "lá phổi xanh" bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước, phòng chống thiên tai cho Thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận, mà có thể trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Nằm dưới những cánh rừng nguyên sinh lâu đời là hệ thống thác nước, hang động nguyên sơ với nhiều huyền thoại gắn với đời sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, "chủ nhân" của những cánh rừng hầu hết là bà con dân tộc thiểu số với nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ qua bao đời. Chính vì vậy, nơi đây sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch nếu được khai thác một cách hiệu quả.

Thực tế những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành nên một số cung đường tham quan, trải nghiệm rừng nguyên sinh, du lịch lòng hồ, khám phá hang động, thác nước. Điển hình tại huyện Đà Bắc, người dân bản Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng với các hoạt động hấp dẫn như trải nghiệm nghề nhuộm vải, ngâm chân lá thuốc và thăm những cây cổ thụ trên núi Biều. Tại huyện Mai Châu, năm 2024, UBND huyện đã phối hợp tổ chức giải Maratong Mai Châu nhằm khai thác nét văn hóa độc đáo của bản làng dân tộc Thái, Mông, những khu rừng già rậm rạp, ruộng bậc thang, những đoạn dốc dài cùng phong cảnh hùng vĩ...

Giá trị kinh tế của rừng càng được khẳng định khi thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam vận hành thử nghiệm năm 2025 và chính thức vào năm 2028. Bởi với độ che phủ rừng đạt trên 51%, Hòa Bình được coi là có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon rừng. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Tín chỉ carbon giúp tăng nguồn lực để tái đầu tư vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời mở ra cơ hội giúp người dân có sinh kế và cuộc sống bền vững gắn liền với rừng.

Với sự hội tụ tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, có thể khẳng định "rừng là vàng" nếu biết tận dụng và khai thác một cách hiệu quả. Nhận thức rõ điều đó, tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt triển khai các giải pháp đột phá nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh của rừng. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 về phát triển bền vững rừng sản xuất; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88-KH/UBND, ngày 23/4/2024 về thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(Còn nữa)

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/201051/danh-thuc-loi-the-kinh-te-rungbai-1-rung-nguon-luc,-loi-the-canh-tranh-cua-tinh-hoa-binh--.htm