'Đánh thức' nghề phụ ở nông thôn
Bởi thu nhập từ nghề nông vừa thấp lại bấp bênh, nên phong trào du nhập nghề tiểu thủ công nghiệp như đan lát, thêu ren, làm mi giả... để tranh thủ thời gian nông nhàn, nâng cao thu nhập đã trở nên phổ biến ở nhiều địa bàn nông thôn. Qua thời gian, những nghề phụ ấy đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nghề mây giang xiên là nghề phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân xã Thiệu Long (Thiệu Hóa).
Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 36 nghề, 118 làng nghề, hơn 100 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, đạt các tiêu chí theo quy định. Bên cạnh một số làng nghề như: nghề mộc xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa); sản xuất đồ đồng xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa); sản xuất cói mỹ nghệ huyện Nga Sơn... tạo ra các sản phẩm có “thương hiệu”, được thị trường ưa chuộng và có thể xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài, để tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ và nhân lực địa phương, nhiều mô hình du nhập nghề phụ tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần tích cực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện.
Trước đây, người dân xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) chủ yếu sản xuất nông nghiệp, song điều kiện canh tác khó khăn, chưa có nghề phụ nên lao động dư thừa nhiều, nhất là vào thời gian nông nhàn. Chính vì vậy, khoảng năm 2000, nghề mây giang xiên đã được du nhập về địa phương, trở thành nghề phụ góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Bà Nguyễn Thị Mỳ, thôn Phú Hưng - người góp công đưa nghề mây giang xiên về xã Thiệu Long, cho biết: “Xuất phát từ điều kiện kinh tế của gia đình mình và các hộ dân xung quanh còn khó khăn, trong khi trên địa bàn sẵn nguồn nguyên liệu tre, nứa phù hợp với nghề đan mây giang xiên nên tôi mạnh dạn đi học tập và mang nghề về địa phương, hướng dẫn mọi người cùng làm”.
Mặc dù có nhiều triển vọng phát triển, song khi mới du nhập về địa phương, cơ sở sản xuất của bà Mỳ ở mức nhỏ lẻ, không nhiều lao động tham gia nên việc duy trì nghề gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước. Đã có thời gian tưởng chừng như nghề không thể trụ vững tại địa phương. Tuy nhiên, với sự kiên trì, sáng tạo của mình, bà Mỳ vẫn kiên trì tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự nỗ lực đó, năm 2006, nghề mây giang xiên đã được “đánh thức” khi có nhiều đối tác ký hợp đồng sản xuất sản phẩm để xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Mỳ đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và du nhập thêm nghề mây song, mây cói, mây nhựa xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản... “Khi nhận thấy nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân và có xu hướng phát triển tốt, cơ sở Mỳ Quảng của tôi đã đấu mối với UBND xã, tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho người dân trong xã và một số địa phương lân cận. Những người dân theo lớp học nghề đều được bảo đảm việc làm sau khi học. Điều này đã khơi gợi tâm huyết, nỗ lực theo nghề của các học viên. Từ nguy cơ chết yểu sau khi du nhập, đến nay, nghề mây giang xiên đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động, thu nhập đạt 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân” - bà Mỳ chia sẻ.
Tuy là nghề phụ có từ lâu đời, song câu chuyện về nghề sản xuất nón lá Trường Giang (Nông Cống) cũng đầy thăng trầm. Để có sự phát triển như ngày nay, nghề nón lá đã, đang nhận được sự “trợ lực” tích cực từ phía chính quyền địa phương và nỗ lực lớn của những người làm nghề. Về làng nghề làm nón lá Trường Giang, xã Trường Giang, chúng tôi được hòa vào bầu không khí lao động nhộn nhịp. Tranh thủ thời gian nông nhàn, người dân địa phương đang háo hức, thoăn thoắt uốn lượn từng mũi kim để tạo nên những sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi một chiếc nón làm ra đều được thực hiện bằng tâm huyết, sự tỉ mẩn và khéo léo của những người thợ làm nghề. Cũng bởi vậy, nên dù đã “bén duyên” với nghề làm nón từ tấm bé, nhưng đến nay khi tuổi đã nhiều nhưng bà Ngô Thị Lý, thôn Trường Thành trong xã vẫn dành trọn tâm huyết cho nghề.
Bà Lý cho biết: "Nghề làm nón nơi đây không ai nhớ rõ đã có từ khi nào, chỉ biết sinh ra là đã có nghề. Với những người làm nghề thì đây không chỉ là công việc kiếm sống mà còn là nghề gia truyền được lưu giữ từ nhiều thế hệ”. Đã có thời gian, nghề làm nón đã mai một, người dân không còn mặn mà thậm chí quay lưng lại với nghề. Song, UBND xã Trường Giang đã tập trung tuyên truyền, động viên Nhân dân tiếp tục đầu tư duy trì và phát triển nghề làm nón truyền thống. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, ngành để mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nón lá, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đến nay, nghề nón lá Trường Giang tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động của 900 hộ dân, mang lại doanh thu bình quân khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đồng thời, nghề còn được nhân rộng sang các xã Trường Trung, Trường Sơn...
Trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm tổ chức, cá nhân du nhập nghề mới với mong nguồn truyền thêm nghề phụ để người dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, không phải nghề phụ nào được du nhập về cũng phù hợp với nhu cầu, trình độ sản xuất của người dân và có sự phát triển bền vững. Do đó, với những nghề phù hợp, có triển vọng phát triển, các địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện để cơ sở đào tạo nghề, thu hút lao động. Đồng thời, hỗ trợ chủ cơ sở tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ sản xuất và cân đối nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống nước thải... Cùng với đó, để vực dậy các nghề truyền thống và tạo động lực cho các nghề phát triển, các địa phương đã quan tâm xây dựng “thương hiệu” cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/danh-thuc-nghe-phu-o-nong-thon/188597.htm