Đánh thức tiềm năng sở hữu trí tuệ của HTX ở Sơn La

Sơn La, mảnh đất giàu tiềm năng nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng như xoài, cà phê, chè, sơn tra... đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, một 'vùng trũng' đang tồn tại và kìm hãm sự bứt phá của các HTX Sơn La, đó chính là vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) và việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ này.

Trong khi tiềm năng về các sản phẩm mang đậm dấu ấn địa phương và quy trình sản xuất độc đáo là vô cùng lớn, thực tế cho thấy, SHTT vẫn chưa được nhìn nhận và khai thác một cách hiệu quả. Nhiều HTX vẫn đang "ngủ quên" trên những "mỏ vàng" trí tuệ, bỏ lỡ cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.

Thực trạng đáng lo ngại

Khảo sát thực tế cho thấy, nhận thức về SHTT của phần lớn các HTX tại Sơn La còn rất hạn chế. Nhiều HTX chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng của mình. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm dễ bị làm giả, nhái thương hiệu, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho cả HTX và người nông dân.

Chẳng hạn như dù có sản phẩm xoài Yên Châu chất lượng, nhiều HTX vẫn chỉ dừng lại ở việc bán quả tươi mà chưa nghĩ đến việc chế biến thành các sản phẩm như xoài sấy, nước ép xoài, mứt xoài chất lượng cao và đăng ký sở hữu trí tuệ mang thương hiệu riêng.

Hay một số HTX dệt thổ cẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực này thường sở hữu những bí quyết nghề, kiểu dáng sản phẩm mang tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, việc bảo vệ kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng sao chép mẫu mã, làm hàng giả, hàng nhái diễn ra khá phổ biến, gây thiệt hại không nhỏ cho các HTX.

HTX đồ gỗ gia đình On (Sơn La) tự tin cạnh tranh trên thị trường nhờ đăng ký SHTT.

HTX đồ gỗ gia đình On (Sơn La) tự tin cạnh tranh trên thị trường nhờ đăng ký SHTT.

Cũng có một số HTX nông nghiệp hữu cơ cung cấp dịch vụ đặc thù, có quy trình làm việc hoặc phương pháp độc đáo như nghiên cứu ra quy trình làm phân hữu cơ tối ưu, phương pháp tiêu diệt sâu bọ bằng nguyên liệu tự nhiên độc đáo... Tuy nhiên, việc bảo vệ những "bí quyết" dịch vụ này dưới hình thức sáng chế hoặc bí mật kinh doanh thường chưa được HTX chú trọng.

Là một đơn vị đã đăng ký sở hữu trí tuệ, anh Đặng Ngọc Trung, Giám đốc HTX đồ gỗ gia đình On (Sơn La), cho biết có thể nhiều HTX đang thiếu kiến thức về các hình thức thương mại hóa SHTT đa dạng, từ việc cấp phép sử dụng nhãn hiệu, chuyển giao công nghệ, đến việc xây dựng thương hiệu mạnh và phát triển các sản phẩm phái sinh có giá trị cao.

Chẳng hạn HTX đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho một sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ rồi thì có thể phát triển các sản phẩm mới có hình dáng, thiết kế tương tự hoặc lấy cảm hứng từ kiểu dáng đã được bảo hộ. Ngay một mẫu đồ nội thất độc đáo có thể được phát triển thành nhiều biến thể về kích thước, chất liệu khác nhau.

Bên cạnh đó, hạn chế về năng lực và nguồn lực cũng là một rào cản lớn. Việc xây dựng chiến lược thương mại hóa SHTT hiệu quả đòi hỏi HTX phải có đội ngũ nhân sự có chuyên môn về marketing, luật pháp, tài chính và quản lý SHTT. Đây lại là một điểm yếu cố hữu của nhiều HTX ở Sơn La, đặc biệt là các HTX có quy mô nhỏ và nguồn lực tài chính hạn chế. Chi phí cho việc nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, bảo vệ quyền SHTT và triển khai các hoạt động thương mại hóa có thể vượt quá khả năng chi trả của nhiều HTX.

Hệ lụy không nhỏ

Việc một số HTX Sơn La chưa chú trọng đến SHTT và thương mại hóa đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ.

Điều đầu tiên đó là sản phẩm nông sản của Sơn La dù có chất lượng tốt, nhưng do thiếu thương hiệu và bảo hộ SHTT nên thường bị bán với giá thấp, lợi nhuận thu về cho người nông dân và HTX không cao. Trong khi trên thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, các sản phẩm không có thương hiệu và không được bảo hộ dễ bị các sản phẩm khác lấn át.

Khi bỏ qua khâu đăng ký sở hữu trí tuệ, các HTX bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Và tài sản trí tuệ không được bảo hộ dễ bị các đối tượng khác sao chép, làm giả, gây ảnh hưởng đến uy tín và thị trường của HTX.

Do đó, để giải quyết những khó khăn này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Liên minh HTX tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức về SHTT cho các tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh, HTX trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là vào tháng 4/2025, lớp tập huấn về SHTT đã được diễn ra nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản, chuyên sâu cho HTX, người dân về SHTT.

Ngoài ra, một số HTX như HTX đồ gỗ gia đình On (Sơn La), HTX Tiến Hưng… cũng đã có sự chủ động trong việc tham gia các lớp đào tạo, hội thảo của các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp hoặc các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về SHTT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành viên.

Xoài Yên Châu chủ yếu được bán tươi.

Xoài Yên Châu chủ yếu được bán tươi.

Hay thông qua Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Sơn La cũng đã có các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các HTX trong việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT.

Chính vì những điều này mà dù gặp không ít khó khăn nhưng Sơn La vẫn có những điểm sáng đáng được ghi nhận về SHTT. Gần đây nhất, 5 sản phẩm là Dứa Sơn La, Thanh long Sơn La; Mắc ca Sơn La, Rượu Hang Chú và chè Tà Xùa Bắc Yên đã được bảo hộ, nâng tổng số sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ toàn tỉnh lên 32 sản phẩm. Trong đó, có một số sản phẩm của HTX.

Ông Lù A Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp A Châu (Bắc Yên) cho biết việc được cấp văn bằng bảo hộ đã khẳng định chất lượng sản phẩm và giúp người tiêu dùng phân biệt với những sản phẩm khác cùng loại. Thời gian tới, các thành viên cũng sẽ cố gắng giữ bản sắc và quy trình sản xuất đặc trưng qua phương thức sản xuất thủ công độc đáo, để các thương hiệu và hương vị chè của HTX sẽ giữ nguyên được những giá trị truyền thống.

Anh Đặng Ngọc Trung cho biết, một số kiểu thìa gỗ HTX làm ra được đăng ký SHTT nên các thành viên rất tự tin đưa ra thị trường và khó có những sản phẩm nào giống như sản phẩm của HTX. Chính vì những điều này, HTX cũng hoàn toàn yên tâm với chính sách bảo hành với người tiêu dùng.

"Đánh thức" tiềm năng SHTT cho HTX

Để khắc phục những khó khăn và giúp thêm nhiều HTX ở Sơn La đăng ký SHTT, đại diện một số HTX cho rằng, các ngành chức năng cần tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo chuyên sâu về SHTT và thương mại hóa cho cán bộ quản lý và thành viên các HTX.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các HTX tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý về SHTT với chi phí hợp lý hoặc được hỗ trợ. Tỉnh có thể thành lập các trung tâm tư vấn SHTT tại địa phương để hỗ trợ các HTX trong quá trình đăng ký và bảo vệ quyền. Hoặc Sơn La có thể xem xét xây dựng các quỹ hỗ trợ hoặc có chính sách ưu đãi về tài chính cho các HTX đăng ký bảo hộ SHTT, xây dựng thương hiệu và triển khai các hoạt động thương mại hóa.

Hiện, nhiều HTX cũng mong muốn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh.

Đặc biệt, nhiều HTX với nguồn lực và trình độ hạn chế nên rất muốn kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học để hỗ trợ các HTX nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm phái sinh có giá trị gia tăng cao dựa trên các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh cần có các chương trình, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ phát triển SHTT trong khu vực kinh tế tập thể, lồng ghép các hoạt động SHTT vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Rõ ràng, SHTT không còn là một khái niệm xa lạ mà đã trở thành một yếu tố then chốt trong việc nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đối với các HTX, việc "đánh thức" và khai thác hiệu quả tiềm năng SHTT không chỉ giúp tăng thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Sơn La trên thị trường trong nước và quốc tế.

Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức, sự đầu tư về nguồn lực và sự chung tay của cả cộng đồng, từ chính các HTX, các cơ quan quản lý nhà nước đến các tổ chức hỗ trợ. Chỉ khi đó, SHTT mới thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của các HTX ở Sơn La.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/danh-thuc-tiem-nang-so-huu-tri-tue-cua-htx-o-son-la-1106625.html