Đánh thức Vĩnh Ô
Là vùng đất nơi thượng nguồn sông Bến Hải, nơi cái nghèo, sự lạc hậu và những hủ tục tưởng chừng như ăn sâu bén rễ trong từng nếp nhà, từng suy nghĩ của người dân xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Nhưng rồi, cùng với nhiều chương trình phát triển KT-XH khác, Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' được triển khai, Vĩnh Ô như được đánh thức, vươn mình xây dựng xã nông thôn mới.
Một buổi sinh hoạt của Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: T.A.M
Thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Ô có tới 97% dân số là đồng bào Vân Kiều sinh sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước đây, nơi đây từng biệt lập, với đường đất, cầu tre, tỉ lệ hộ nghèo chiếm phần lớn, trẻ em nghỉ học, phụ nữ sinh con sớm, người dân không quen tiếp cận chính sách, dự án. Nhưng qua từng bước đi bền bỉ, với quyết tâm không lùi bước, Vĩnh Ô đã viết nên câu chuyện đầy cảm hứng về quyết tâm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ những hủ tục, chăm lo tốt cho đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Từ năm 2022, Dự án 8 được triển khai tại địa bàn xã Vĩnh Ô với 7/7 thôn được hưởng lợi. Sau 3 năm, các cấp hội đã quyết tâm thực hiện nhiều nội dung, tiêu chí đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Với chỉ đạo sát sao của Hội LHPN huyện và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN huyện với UBND, Hội LHPN xã Vĩnh Ô, các cán bộ, hội viên phụ nữ và các thành phần liên quan tham gia thực hiện Dự án 8 đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc các nội dung dự án như: chọn mô hình tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Kết quả, hội đã thành lập được 7 mô hình tổ truyền thông cộng đồng tại 7 thôn; ra mắt 7 địa chỉ tin cậy cộng đồng và hỗ trợ trang thiết bị cho các mô hình đi vào hoạt động hiệu quả. Đồng thời, để nâng cao năng lực điều hành cho các thành viên, hội đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Thành viên của các mô hình cũng tham gia tích cực vào các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực do các cấp hội tổ chức. Bên cạnh đó, hội cũng đã phối hợp với Trường PTDTBT Tiểu học Vĩnh Ô ra mắt mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đây là một trong những nơi ươm mầm các “hạt giống” cho công tác tuyên truyền tại địa phương.
Để lắng nghe ý kiến của hội viên, phụ nữ, Hội LHPN xã đã tổ chức hội nghị đối thoại chính sách giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã và cán bộ, hội viên phụ nữ. Thông qua hội nghị, đã ghi nhận và tiếp thu nhiều ý kiến, quan điểm của người dân về những vấn đề bất cập còn tồn tại ở địa phương như: nạn tảo hôn, bạo lực gia đình...
Nói về hiệu quả việc triển khai Dự án 8 ở xã Vĩnh Ô, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồ Thị Thu bày tỏ: “Từ khi Dự án 8 được triển khai trên địa bàn xã Vĩnh Ô, Hội LHPN xã đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Hội LHPN cấp trên, cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương để thành lập và đi vào hoạt động các mô hình “Địa chỉ tin cậy”, “Tổ truyền thông cộng đồng”.
Từ công tác truyền thông, nắm bắt tình hình, vận động tại địa phương, ý thức của người dân dần có nhiều chuyển biến tích cực. Những hủ tục dần được ngăn chặn và đẩy lùi, nhiều phụ nữ chủ động vươn lên, xây dựng kinh tế gia đình. Đến cuối năm 2023, qua khảo sát, thu nhập bình quân của hội viên phụ nữ xã Vĩnh Ô đạt 37 triệu đồng/ người/năm. Số hội viên phụ nữ là chủ hộ nghèo giảm còn 10 hộ”.
Đồng thời, với sự nỗ lực của người dân trong việc đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu, đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày càng được cải thiện. Người dân nơi đây đã bắt đầu nói về bình đẳng giới, về không ép con gái lấy chồng sớm, về phụ nữ cũng biết làm kinh tế, biết nói lên tiếng nói của mình. Không chỉ dừng lại ở thay đổi nhận thức, người dân Vĩnh Ô bắt đầu biến điều đã “nghe” thành điều có thể “làm”.
Từ các lớp tập huấn kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, các kiến thức đã được người dân thực hành tạo nên những mô hình trồng rau sạch, chế biến măng bản địa, nuôi gà, dê, sản xuất lúa nếp than... Các phương thức sản xuất truyền thống dần được người dân đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng với những thay đổi trong thị trường hiện đại.
Đó là kết quả của hành trình thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở một xã DTTS ở vùng biên giới. Một hành trình nhiều gian khó nhưng đầy hy vọng và động lực để ngày 22/6/2024, Vĩnh Ô chính thức đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới trong niềm hân hoan của tập thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã.
Trở thành xã nông thôn mới, cũng đồng nghĩa với việc 4/7 thôn, bản của xã Vĩnh Ô không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ bởi Dự án 8. Tuy nhiên, những kết quả mà Dự án 8 mang sẽ là động lực, đòn bẩy để người dân ở những thôn bản tại Vĩnh Ô tiếp tục vươn mình trên hành trình dựng xây quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc, văn minh, tiến bộ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/danh-thuc-vinh-o-193625.htm