Đánh thuế thu nhập hộ gia đình, cá nhân kinh doanh theo doanh thu có bất cập?
Nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn, nhưng vẫn phải chịu thuế trên toàn bộ doanh thu. Điều này dẫn đến trường hợp thu nhập thấp nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Mới đây, trong kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính, cử tri tỉnh Phú Thọ đã phản ánh một số bất cập trong việc tính thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, cử tri cho biết, có rất nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và các sản phẩm từ nông nghiệp (như sản xuất dăm gỗ, dăm tre…) chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn, nhưng vẫn phải chịu thuế trên toàn bộ doanh thu. Điều này dẫn đến hiện trạng một bộ phận kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực tế có thu nhập thấp nhưng lại phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thậm chí số thuế phải nộp được xác định khá lớn.
Do đó, cử tri đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát tổng kết việc thực hiện chính sách thuế nêu trên để báo cáo với Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN và sửa đổi bổ sung các văn bản hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền cho phù hợp thực tế, bảo đảm đúng tính chất của thuế TNCN là áp dụng với người có thu nhập cao.
Đồng thời, thể chế hóa chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và các sản phẩm từ nông nghiệp.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn về thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) đã quy định hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nộp thuế TNCN theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu theo từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh;
Hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế TNCN.
Quy định trên đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế của các hộ, cá nhân kinh doanh, tiết kiệm chi phí xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cải cách thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính cho rằng mặc dù quy định thu thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu, không tính trừ chi phí và các khoản giảm trừ tuy nhiên mức tỷ lệ được xây dựng đã tính toán phù hợp hoạt động kinh doanh của cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ như: Phân phối, cung cấp hàng hóa là 0,5%; Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 2% (Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp là 5%); Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 1,5%; Hoạt động kinh doanh khác là 1%.
Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ này đang thấp hơn tỷ lệ trên doanh thu hiện đang áp dụng đối với doanh nghiệp không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh (Phân phối và cung cấp hàng hóa là 1%; Dịch vụ là 5%; Xây dựng, vận tải và hoạt động khác là 2%...).
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Luật Thuế TNCN hiện hành (khoản 5 Điều 4) đã có quy định miễn thuế TNCN đối với “Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
Theo Bộ Tài chính, thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại.
Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.