Danh tính 5 bị can trong vụ án tại dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, cơ sở 2
Liên quan đến sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố 5 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Ban Quản lý Dự án y tế trọng điểm và một giám đốc doanh nghiệp do sai phạm, gây thiệt hại 80 tỉ đồng, lãng phí gần 770 tỉ đồng ngân sách Nhà nước.
Chiều 7/7, tại buổi họp báo thông báo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Công an, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho biết, căn cứ kết quả điều tra, ngày 2/6, C03 đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. Vụ án xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam (cũ).

Đại diện lãnh đạo Cục C03, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng thông tin tại buổi họp báo.
Theo đó, danh tính các bị can gồm: Nguyễn Chiến Thắng (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án y tế trọng điểm); Nguyễn Hữu Tuấn và Nguyễn Kim Trung (nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án y tế trọng điểm); Trần Văn Sinh (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật dự toán, Ban Quản lý Dự án) và Đào Xuân Sinh (Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn, đầu tư và xây dựng SHT).
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, các bị can đã gây ra thiệt hại khoảng 80 tỉ đồng và gây lãng phí gần 770 tỉ đồng trong quá trình triển khai 2 dự án y tế quan trọng nói trên.
Trước đó, tháng 3/2025, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức. Theo đó, tổng số tiền bị lãng phí được xác định lên tới trên 1.253 tỉ đồng.
Theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, 2 dự án bệnh viện trọng điểm này có vai trò giảm tải cho tuyến trên, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và lân cận. Tuy nhiên, quá trình triển khai kéo dài quá mức, trải qua 2 lần gia hạn vào cuối năm 2020 và 2024, nhưng dự án vẫn không đạt được mục tiêu đề ra.
Quá trình thanh tra cho thấy, hàng loạt vi phạm xảy ra trong các khâu từ đấu thầu, thiết kế, thi công đến sử dụng vốn đầu tư công. Đáng chú ý, việc điều chỉnh thiết kế móng cọc từ khoan nhồi sang ép cọc bê tông do Ban Quản lý Dự án y tế trọng điểm đề xuất và được Bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó phê duyệt là không đúng quy định pháp luật, dẫn tới chi phí phát sinh và làm kéo dài thời gian thi công.
Cụ thể, chi phí thực tế tăng so với phương án ban đầu nhưng chưa được điều chỉnh thiết kế cơ sở theo đúng trình tự pháp lý, gây ra lãng phí và có dấu hiệu thiệt hại hơn 20,7 tỉ đồng. Việc dừng thi công từ tháng 1/2021, khiến dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ, đồng thời làm phát sinh thêm nhiều loại chi phí khác như bảo vệ công trình, chi phí quản lý, tiền điện, bảo lãnh ngân hàng…
Ngoài ra, một số hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp do để lâu chưa đưa vào sử dụng, dẫn đến phát sinh thêm chi phí sửa chữa và khắc phục trước khi nghiệm thu. Theo ước tính của Thanh tra Chính phủ, đến hết năm 2024, số tiền bị lãng phí, phát sinh không cần thiết lên tới khoảng 253,6 tỉ đồng.
Hiện, vụ án đang tiếp tục được C03 điều tra, làm rõ hành vi sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.