Đạo diễn ngoại trên sàn diễn Việt: Mở lối cho hội nhập và sáng tạo

Không chỉ mang đến tư duy dàn dựng mới, đội ngũ đạo diễn quốc tế còn đang góp phần mở rộng biên độ sáng tạo cho sân khấu Việt

Trong bối cảnh sân khấu Việt Nam đang nỗ lực tái cấu trúc và tìm hướng đi mới để tiếp cận khán giả hiện đại, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các đạo diễn nước ngoài tại Việt Nam không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà dần định hình một xu hướng đáng quan tâm.

Từ hợp tác nhỏ đến chiến lược dài hạn

Sân khấu Eclipse những ngày qua thu hút đông khán giả đến với vở kịch hình thể "Tình yêu Stockholm" - được công diễn tại Cua Studio (1 Trương Đình Hợi, phường 18, quận 4, TP HCM). Cả hai phiên bản tiếng Anh và Việt còn tiếp tục trình diễn từ ngày 23-5 đến 15-6. Vở kéo dài 90 phút, đưa khán giả bước vào hành trình đầy ám ảnh của hai nhân vật: Kim (MeA Minh Anh) và Jake (Nam Trần) - hai con người yêu nhau say đắm, đắm chìm trong đam mê, nhưng đồng thời cũng mắc kẹt trong những tổn thương do ghen tuông.

Diễn viên MeA Minh Anh và Nam Trần trong vở nhạc kịch “Tình yêu Stockholm” do John Andrew Cunnington dàn dựng

Diễn viên MeA Minh Anh và Nam Trần trong vở nhạc kịch “Tình yêu Stockholm” do John Andrew Cunnington dàn dựng

Dưới bàn tay của đạo diễn John Andrew Cunnington - người đồng thời đảm nhận vai trò thiết kế sân khấu - và dựa trên kịch bản của tác giả Bryony Lavery, "Tình yêu Stockholm" không dùng lời thoại để kể chuyện như kịch truyền thống. Thay vào đó, mọi cảm xúc - từ đam mê, ngọt ngào đến giằng xé, ngột ngạt - được thể hiện bằng chuyển động cơ thể, ánh sáng, âm nhạc và khoảng lặng.

Chỉ trong vài năm gần đây, khán giả Việt đã liên tục được thưởng thức các vở diễn có sự tham gia của đạo diễn đến từ Nhật Bản, Pháp, Singapore, Áo, Anh… Từ "Cậu Vanya", "Hedda Gabler", "Macbeth" cho đến "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Tấm Cám", "Truyện Kiều", những tác phẩm kinh điển được làm mới bằng góc nhìn xuyên văn hóa, đồng thời tiếp thêm sức sống cho sân khấu trong nước.

Đặc biệt, các trung tâm văn hóa quốc tế như Viện Goethe, Đại sứ quán Na Uy, Viện Pháp tại Việt Nam hay tổ chức ASEA-UNINET… đã đóng vai trò đầu mối quan trọng, tạo cầu nối nghệ thuật xuyên quốc gia. Tại TP HCM, vở "Cặp đôi kỳ lạ" tại trường ISHCMC hay trước đó là tác phẩm "Nỗi đau nhân loại" của đạo diễn Anh Shaun Mac Loughlin là những ví dụ điển hình.

NSND Hồng Vân chia sẻ: "Đạo diễn nước ngoài không làm thay nghệ sĩ Việt, mà buộc chúng tôi phải bước ra khỏi vùng an toàn. Đó là điều đáng quý. Họ không chỉ dàn dựng mà còn khơi gợi cách nghĩ mới về nhân vật, về không gian biểu diễn và thẩm mỹ hiện đại."

NSND Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Kịch TP HCM - thẳng thắn nhìn nhận: "Điều chúng tôi học được là tư duy làm nghề. Sân khấu TP HCM cần thêm nhiều cơ hội như vậy để nghệ sĩ trẻ được "tắm mình" trong môi trường chuyên nghiệp thực thụ".

NSƯT Lê Ánh Tuyết của Nhà hát Tuổi trẻ, một đạo diễn từng tham gia hợp tác với các ê-kíp nước ngoài, cũng nhìn nhận: "Thế giới đã thay đổi cách làm sân khấu từ lâu, còn mình vẫn bị kẹt giữa lối cũ. Làm việc với đạo diễn nước ngoài là lúc biết mình đang thiếu gì, yếu gì. Chúng ta hội nhập nhưng vẫn giữ được cốt cách, tư tưởng truyền thống của sân khấu Việt".

Thách thức từ ngôn ngữ, văn hóa và tư duy tổ chức

Ghi nhận những tác động tích cực nhưng các nghệ sĩ cũng đề cập những khó khăn thực tế. Đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: "Giao lưu sân khấu trong kỷ nguyên mới là tín hiệu tốt nhưng muốn tiếp nhận thì nghệ sĩ Việt cũng phải có nền tảng, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ và kỹ năng phản biện".

Một vấn đề khác là thiếu hụt mô hình hỗ trợ lâu dài. NSND Hồng Vân chia sẻ: "Nhiều dự án chỉ diễn ra một lần do thiếu cơ chế hợp tác bền vững. Chúng ta cần chính sách để nuôi dưỡng các mô hình hợp tác quốc tế thay vì chỉ làm theo kiểu sự kiện. Tại TP HCM, 8 sân khấu xã hội hóa, chưa kể đến 5 sân khấu cải lương tư nhân đang hoạt động, rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng trong việc liên kết, mời gọi đạo diễn nước ngoài đến thành phố dàn dựng, giao lưu, hợp tác, từ đó làm mới diện mạo sàn diễn tại TP HCM".

Điểm đặc biệt của các dự án quốc tế là các đạo diễn nước ngoài cũng đang tìm thấy ở sân khấu Việt một nguồn chất liệu mới mẻ. Những giá trị dân gian, hình thức biểu đạt truyền thống và tâm lý khán giả châu Á chính là "mỏ vàng" để khai phá. Vở "Kim Vân Kiều" do đạo diễn Christophe Thiry thực hiện là minh chứng.

Với dàn nghệ sĩ Pháp trình diễn bằng "ngôn ngữ" opera và nhạc cụ dân tộc Việt, vở kịch trở thành một công trình nghệ thuật xuyên biên giới, giao thoa giữa Đông và Tây. Sự xuất hiện của các đạo diễn nước ngoài trên sân khấu Việt Nam không đơn thuần là một "trào lưu thời thượng", mà là một dấu hiệu cho thấy sân khấu nước ta đang thực sự bước vào quỹ đạo hội nhập. Những vở diễn thành công là bằng chứng rõ rệt: nghệ sĩ Việt có khả năng tiếp cận tư duy quốc tế và khán giả Việt sẵn sàng đón nhận những thể nghiệm nghệ thuật mới mẻ.

Điều còn lại là làm sao để những cuộc gặp gỡ ấy trở thành chiến lược dài hơi, sân khấu Việt vừa giữ vững bản sắc, vừa tự tin sánh vai trong đời sống sân khấu quốc tế.

NSƯT Lê Thiện nhận định việc các đạo diễn quốc tế lựa chọn Việt Nam để thể nghiệm những tác phẩm mới hay làm sống lại tác phẩm kinh điển bằng phong cách hiện đại là minh chứng cho tiềm năng sân khấu nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế. Đồng thời, nó cũng là một lời nhắc: nếu không chủ động hội nhập, sân khấu Việt sẽ đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu. "Cái thiếu lớn nhất ở TP HCM hiện nay là những mô hình hợp tác bài bản, có lộ trình lâu dài với quốc tế. Nghệ sĩ các sân khấu trong và ngoài công lập rất mong có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ để mời đạo diễn nước ngoài đến làm việc thường xuyên hơn" - NSƯT Lê Thiện mong mỏi.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dao-dien-ngoai-tren-san-dien-viet-mo-loi-cho-hoi-nhap-va-sang-tao-196250520205315649.htm