Hành trình gìn giữ bản sắc và vươn tầm thế giới
Ngày 20.5, tại xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Hội Chè Thái Nguyên phối hợp với HTX Chè Hảo Đạt tổ chức Diễn đàn 'Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà'.

Phần thảo luận mở, đại biểu và diễn giả đã đóng góp ý kiến về bảo tồn di sản chè, xây dựng thương hiệu và phát triển ngành chè bền vững
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hành trình Trà Việt - Văn hóa và di sản, thuộc Dự án Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt Nam. Được tổ chức nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Trà thế giới (21.5.2020 - 21.5.2025), sự kiện nhằm tôn vinh di sản chè Thái Nguyên, thúc đẩy du lịch văn hóa và định hướng phát triển bền vững cho ngành chè Việt Nam.
Diễn đàn không chỉ là cầu nối giữa nghiên cứu học thuật và thực tiễn mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh Thái Nguyên như trung tâm văn hóa trà của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Từ di sản chè Tân Cương đến thương hiệu chè Việt toàn cầu
Từ thời nhà Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí” (1848-1883) đã ghi nhận chè Nam ở huyện Phú Lương có “vị ngon hơn chè các nơi khác”.
Đến đầu thế kỷ XX, chè Tân Cương được người Pháp đưa vào trồng quy mô lớn, tiêu chuẩn hóa và xuất khẩu, khẳng định vị thế với hương thơm cốm, vị chát dịu và hậu ngọt sâu lắng.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội cho biết: “Diễn đàn hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại hành trình 100 năm đầy tự hào, thảo luận về giá trị văn hóa, kinh tế và định hướng phát triển bền vững cho chè Thái Nguyên”.
“Từ những đồi chè xanh mướt đến thương hiệu chè Thái Nguyên vang danh quốc tế, các chia sẻ của chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo và nghệ nhân giúp Thái Nguyên tìm kiếm giải pháp để bảo tồn di sản, phát triển du lịch văn hóa trà, nâng tầm thương hiệu và đưa chè Thái Nguyên vươn xa trên thị trường toàn cầu”, ông Đỗ Ngọc Văn nhấn mạnh.

Các trà nương trình diễn nghệ thuật pha trà
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Với danh hiệu “đệ nhất danh trà”, chè Thái Nguyên không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn bó sâu sắc với cuộc sống và tâm hồn của người dân Thái Nguyên”.
“Kỷ niệm Ngày Chè Thế giới hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh người làm chè, gìn giữ truyền thống trăm năm, đồng thời đưa ra định hướng mới để chè Thái Nguyên tiếp tục phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập”.
Để phát triển du lịch từ cây chè không đơn thuần chỉ nằm ở chỗ khai thác, xây dựng điểm thăm quan tại chỗ mà cần biến các sản phẩm từ cây chè để phục vụ du lịch mang lại hiệu quả thiết thực.
Từ đó, giúp phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Các tiết mục dân ca Thái Nguyên được trình bày tại Diễn đàn
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên thừa nhận, hiện nay cây chè, vùng chè, văn hóa chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa thực sự phát huy hết giá trị để phục vụ du lịch.
Các tour, tuyến được xây dựng, tổ chức gắn với những vùng chè mới chỉ dừng lại là những điểm dừng chân tự phát dành cho khách chụp ảnh mà chưa có đầu tư các dịch vụ du lịch, hoạt động thăm quan nhà máy sản xuất, thưởng thức và mua sản phẩm.
Trong thời gian tới, để khai thác tốt cây chè phục vụ cho du lịch cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp sản xuất chè trong việc tạo lập, phát triển, giữ vững nhãn hiệu “chè Thái” cho sản phẩm chè của toàn tỉnh cũng như việc thiết lập các cơ chế bảo hộ, xây dựng cơ sở pháp lý trong kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo để cung cấp cho thị trường.
Tầm nhìn và cam kết phát hiện thương hiệu chè Thái Nguyên
Diễn đàn không chỉ là dịp kỷ niệm mà còn là bước khởi đầu cho chiến lược dài hạn nhằm nâng tầm chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế.
Các đơn vị tổ chức sự kiện này như: Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên và UBND TP.Thái Nguyên cam kết: Hỗ trợ bảo vệ giống chè bản địa, gìn giữ nghệ thuật chế biến truyền thống và bảo vệ môi trường canh tác.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè sạch, khuyến khích hợp tác xã và doanh nghiệp đổi mới sản phẩm như trà xanh, trà ô long.
Xây dựng các tour trải nghiệm vùng chè Tân Cương, kết hợp với di sản văn hóa Thái Nguyên để thu hút du khách.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông và đối tác quốc tế để đưa chè Thái Nguyên đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu, và Bắc Mỹ.
Từ lâu đã được mệnh danh là “Thủ phủ của chè xanh Việt Nam”, Tân Cương có điều kiện tự nhiên ưu đãi, kỹ thuật chế biến tinh xảo cùng tình yêu nghề được truyền từ đời này sang đời khác.
Sứ mệnh phát triển thương hiệu chè Tân Cương là 1 hành trình vừa mang tính kế thừa vừa mang tính đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao vị thế của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đại biểu tìm hiểu văn hóa trà và thưởng thức trà tại Diễn đàn
Việc phát triển thương hiệu bắt đầu từ việc gìn giữ bản sắc riêng biệt, không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng và hương vị đặc trưng. Không để chè Tân Cương trở thành 1 loại chè đại trà.
Bên cạnh việc gìn giữ những giá trị truyền thống, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào canh tác, chế biến là điều tất yếu để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Các mô hình sản xuất chè sạch, chè hữu cơ đã và đang được triển khai rộng rãi, góp phần xây dựng thương hiệu chè Tân Cương đạt chuẩn trong nước và quốc tế.
Việc phát triển thương hiệu gắn liền với truy xuất nguồn gốc, bao bì chuyên nghiệp, QR code minh bạch thông tin giúp người dùng nhận diện và tin tưởng sản phẩm.
Ngoài ra, việc mở rộng thị trường, đưa chè Tân Cương ra thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như : Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ,…là một việc làm cần thiết.
Để làm được điều đó, các đơn vị sản xuất chè cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ chặt chẽ giữa các hộ dân, doanh nghiệp và nhà phân phối. Đầu tư quảng bá thương hiệu chuyên nghiệp qua hội chợ quốc tế, truyền thông số, du lịch trải nghiệm vùng chè
Hơn thế nữa, một thương hiệu mạnh phải tạo ra giá trị cho cộng đồng. Do đó, phát triển thương hiệu chè Tân Cương, phải đi đôi với việc cải thiện thu nhập cho người trồng chè; khuyến khích thế hệ trẻ gắn bó với nghề chè; giữ gìn cảnh quan sinh thái và môi trường cho vùng chè.
Phát triển thương hiệu chè Tân Cương không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là hành trình giữ gìn bản sắc, lan tỏa tinh hoa và viết tiếp câu chuyện tự hào của người Việt trên bản đồ trà thế giới.
Thái Nguyên - vùng đất đã gìn giữ và nâng niu “đệ nhất danh trà” suốt một thế kỷ qua, hôm nay đang viết tiếp hành trình mới: Hành trình đưa trà Việt lên bản đồ thế giới như một di sản sống động, một biểu tượng văn hóa có khả năng lan tỏa, kết nối và truyền cảm hứng cộng đồng.
Tại Phần thảo luận mở, đại biểu và người tham dự đã đóng góp ý kiến về bảo tồn di sản chè, xây dựng thương hiệu và phát triển ngành chè bền vững.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu đã tham quan vùng chè Tân Cương, tìm hiểu quy trình chế biến chè tại HTX chè Hảo Đạt và tham gia workshop thưởng trà do nghệ nhân hướng dẫn.
Các tiết mục dân ca Thái Nguyên và khu vực trưng bày sản phẩm chè, tài liệu lịch sử về chè mang đến trải nghiệm văn hóa phong phú.