Đạo diễn Thu Hoài: 'Công nghệ không lấn át mà giúp văn hóa thêm tỏa sáng'
'Công nghệ nếu dùng đúng cách sẽ khiến văn hóa sống động hơn, chạm được đến trái tim nhiều tầng lớp khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ', đạo diễn Thu Hoài chia sẻ.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới"
Khi chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới" đánh dấu sự kiện thành lập tỉnh Bắc Ninh mới khép lại, đèn tắt, pháo tay vang lên, tổng đạo diễn Thu Hoài đã ôm mặt bật khóc. Chị cho biết mình khóc không phải vì thành công cá nhân mà bởi niềm tự hào. "Bữa tiệc nghệ thuật" này được ví như một "concert tỉnh", thu hút sự tham gia của 30.000 khán giả từ 2 điểm cầu truyền hình và tạo hiệu ứng lớn trên các nền tảng số sau đó.
PV Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Thu Hoài:
+ Chỉ có 2 tuần để chuẩn bị một chương trình nghệ thuật đồ sộ. Điều gì giúp chị vượt qua áp lực thời gian và thời tiết?
Đúng là một thử thách rất lớn. Chỉ 2 tuần để dựng một chương trình quy mô tỉnh, lại có yếu tố truyền hình trực tiếp ở 2 điểm cầu, tiếp sóng đến hàng chục đài. Nhưng tôi tin vào ekip của mình, toàn những người giỏi và hết mình. Tôi cũng hiểu rõ vùng đất này vì là người Bắc Ninh, tôi hiểu từng câu Quan họ, từng nếp sinh hoạt. Tôi hủy hết lịch công việc khác, dồn toàn lực, sống cùng nhân dân, cùng văn hóa Kinh Bắc, thấu cảm những giá trị riêng - chung.

Đạo diễn Thu Hoài trong buổi tổng duyệt chương trình
+ Chị nghĩ sao khi chương trình này được khán giả gọi là "concert tỉnh"?
Tôi thấy đó là một sự ghi nhận. "Concert tỉnh" là cách nói đầy trân trọng về một chương trình nghệ thuật mang tầm vóc, không đơn thuần là diễu hành, ca múa hội làng. Nó có kịch bản, có chiều sâu, có điểm chạm, có tính nghệ thuật cao và dám đầu tư. Tôi và ekip chấp nhận "bào chất xám", huy động gần 3.000 người chỉ để phục vụ một điều: Tạo ra sự kết nối cộng đồng, làm người dân tự hào về chính quê hương mình.
+ Làm nghệ thuật chính luận, dân tộc mà vẫn giữ được tính hấp dẫn là điều không dễ. Chị xử lý kịch bản thế nào?
Khó nhất là không để chương trình trở thành một "bản mô tả văn hóa liệt kê". Tôi chọn cách kể, không liệt kê. 3 chương của chương trình được kết nối như một dòng chảy, từ lịch sử, làng nghề, đến khát vọng tương lai. Tôi dùng nhiều hình thức kể chuyện, từ diễn xướng, âm nhạc, múa, múa bóng, đến ánh sáng tương tác. Mỗi chi tiết đều được tính toán để không bị rời rạc, mà ngược lại, gợi lên cảm xúc và sự gắn kết.
+ Phần âm nhạc trong chương trình được đánh giá rất cao. Chị đã phối hợp với nhạc sĩ Kiên Ninh ra sao?
Tôi gọi Kiên Ninh là "tri kỷ nghệ thuật". Anh ấy hiểu tôi cần gì và luôn làm tốt hơn mong đợi. Từ những mashup Quan họ, đến bài vè Đất trăm nghề, hay các sáng tác mới như Bắc Ninh tỏa sáng… đều là những điểm sáng về mặt âm nhạc. Âm nhạc trong chương trình không chỉ để nghe, mà để kể chuyện, để truyền tải tinh thần lịch sử, văn hóa và khát vọng. Tôi rất tự hào vì âm nhạc đã nâng cảm xúc cho toàn bộ chương trình.

Ca sĩ Hòa Minzy trong chương trình
+ Một trong những điểm gây chú ý là phần biểu diễn của Hòa Minzy. Có vẻ đó là một pha liều lĩnh không nhỏ?
Phải nói là liều thật. Ban đầu Hòa Minzy xin rút vì lịch dày đặc. Nhưng tôi tin vào sự trở về của một người con quê hương. Và cuối cùng Hòa đã "về", biểu diễn ở cả 2 điểm cầu chỉ cách nhau mấy chục phút. Nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng an ninh, ekip hậu cần, mọi thứ đã thành công suôn sẻ. Đó là phần biểu diễn khiến tôi mất ăn mất ngủ nhất nhưng cũng đáng giá nhất. Khi mọi người ôm nhau khóc sau hậu trường, tôi biết mọi nỗ lực đã được đền đáp.
Mong tiếp tục đưa công nghệ kể chuyện văn hóa vùng miền
+ Chị là một trong số ít đạo diễn hiện nay dám đưa công nghệ trình diễn hiện đại như drone light show, 3D mapping, hologram… vào các chương trình nghệ thuật chính luận. Vì sao chị chọn con đường này?
Tôi luôn nghĩ, nếu chỉ làm nghệ thuật cho xong thì không cần "cháy" đến thế. Nhưng với tôi, mỗi chương trình là một thông điệp gửi gắm văn hóa. Công nghệ nếu dùng đúng cách sẽ khiến văn hóa sống động hơn, chạm được đến trái tim nhiều tầng lớp khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ. Ánh sáng, với tôi, là một ngôn ngữ nghệ thuật. Và tôi muốn ánh sáng kể thay những giấc mơ văn hóa của dân tộc.
+ Theo chị, công nghệ trình diễn đã nâng tầm chương trình "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới" như thế nào?
Lần đầu tiên ở Bắc Ninh, chúng tôi đưa drone light, 3D mapping, Hologram lên màn hình gần 500m2 ở 2 điểm cầu. Khán giả không chỉ được "xem" mà còn được "cảm" bằng thị giác và cảm xúc. Hình ảnh Kinh Dương Vương, Lý Thái Tổ, chùa Phật Tích, chùm vải thiều… hiện lên bằng ánh sáng giữa bầu trời đêm. Những khoảnh khắc đó khiến hàng vạn người vỡ òa. Đó là khi công nghệ thực sự phục vụ văn hóa, chứ không "trưng bày" đơn thuần.

Với đạo diễn Thu Hoài, ánh sáng là một ngôn ngữ của nghệ thuật
+ Sau thành công của chương trình này, chị có định mở rộng mô hình "concert văn hóa" ra các địa phương khác?
Chắc chắn rồi. Tôi muốn đi tiếp con đường đó, đưa công nghệ kể chuyện văn hóa vùng miền. Mỗi nơi có bản sắc riêng, nên mỗi chương trình phải có một "ngôn ngữ ánh sáng" riêng. Tôi mơ về một Tây Bắc bảng lảng trong ánh sương, một Tây Nguyên hùng vĩ như sử thi bằng ánh sáng, một miền Trung gió Lào được kể bằng những dải màu nghệ thuật. Miễn sao công nghệ không lấn át văn hóa, mà giúp văn hóa thêm tỏa sáng.
+ Với chị, điều gì là thước đo thành công của một chương trình văn hóa?
Là khi người dân thấy mình trong chương trình. Khi họ tự hào chia sẻ: "Đó là quê hương tôi!". Không phải kỹ thuật hay chiêu trò gì, mà chính là cảm xúc. Văn hóa không xa vời, văn hóa phải gần gũi. Và tôi sẽ tiếp tục kể chuyện văn hóa dân tộc bằng tất cả đam mê và lòng tự hào.
+ Xin cảm ơn chị!