Đào tạo nghề kết hợp tạo việc làm cho lao động vùng cao

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, công tác đào tạo nghề và liên kết đào tạo, giải quyết việc làm ở huyện Nam Đông đã có những chuyển biến tích cực.

 Tư vấn đào tạo nghề cho thanh niên, người lao động ở Nam Đông

Tư vấn đào tạo nghề cho thanh niên, người lao động ở Nam Đông

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Nam Đông cho biết, với mong muốn tạo được nhiều việc làm cho người lao động vào các công ty may trên địa bàn tỉnh, như HBI, Phú Hòa An, Kimsora… và một số khác tự tạo việc làm tại nhà như nghề chăn nuôi lợn, gà…, trung tâm đã liên kết tổ chức các khóa đào tạo nghề cho người lao động. Vừa qua, trung tâm phối hợp với doanh nghiệp HBI ký cam kết trong việc xây dựng chương trình, sử dụng lao động sau đào tạo, tổ chức cho học viên tham gia đi thực tế, phỏng vấn tại doanh nghiệp...

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Nam Đông đã tổ chức mở 3 lớp đào tạo nghề; trong đó, 1 lớp nghề phi nông nghiệp (nghề may) và 2 lớp nghề nông nghiệp, gồm 60 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, đã đào tạo được 8 lớp với số lượng 158 học viên, gồm cả đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, với đối tượng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến trong năm 2024, toàn huyện đào tạo nghề cho khoảng 200 lao động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Đông, nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được nâng lên sau khi tham gia khóa đào tạo. Bước đầu người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong khâu chọn giống, chuồng trại, chăn nuôi, phòng trị bệnh cho vật nuôi, xuất hiện các mô hình gia trại. Những người học nghề may công nghiệp đã tham gia làm việc tại các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh, huyện và một số tự may ở nhà, tạo ra thu nhập và phục vụ cho việc may mặc trong gia đình của bà con.

Công tác đào tạo nghề cho người lao động ở Nam Đông vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Trần Văn Phúc, hiện Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nam Đông vẫn thiếu giáo viên cơ hữu. Định mức chi phí thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tự cân đối kinh phí của cơ sở đào tạo, gây khó khăn trong liên kết đào tạo, trong hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho một số nghề mới...

Tuy thuận lợi khi nhận thức của người lao động ngày càng thay đổi theo hướng tích cực, số lao động có nhu cầu học nghề tăng, song thực tế vẫn chưa thu hút nhiều việc làm vào các doanh nghiệp, mà chủ yếu là tự tạo việc làm sau đào tạo. Nguyên nhân một phần do số lượng và nhu cầu doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, trang trại, hợp tác xã trên địa bàn còn ít, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề còn thấp.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, Phòng LĐTB&XH huyện cùng chính quyền cơ sở, đơn vị đào tạo nghề tiếp tục điều tra, đánh giá nhu cầu cũng như ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong, ngoài huyện và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bài, ảnh: Minh Hoài

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/dao-tao-nghe-ket-hop-tao-viec-lam-cho-lao-dong-vung-cao-145260.html