Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu mới
Nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển, bứt phá nền kinh tế-xã hội, nhất là trong giai đoạn tới khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Vì vậy, ngành giáo dục xác định tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện bằng những giải pháp đúng, trúng, hiệu quả với những mục tiêu cao hơn, phát triển tốc độ nhanh hơn và các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, luôn được chú trọng. Năm 2024, trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ, để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực những ngành mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 43/CTTTg ngày 4/12/2024 về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi; trong đó, tập trung vào các ngành như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Chuỗi khối (Blockchain)...
Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và triển khai các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, hình thành liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ.
Cùng với các chủ trương, định hướng lớn, ngành giáo dục cũng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học như:
Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI; tổng kết và trao giải thưởng khoa học-công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên với số lượng, chất lượng các công trình nghiên cứu được nâng cao, có tính ứng dụng trong đời sống, phù hợp lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu...; thành lập các hội đồng tư vấn khối ngành để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực và nhóm ngành của giáo dục đại học, phát triển mô hình trường đại học xuất sắc, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội bảo đảm nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cũng được chú trọng.
Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cử gần 900 người đi học đại học, sau đại học, thực tập ở nước ngoài theo các chương trình học bổng hiệp định tại 9 nước; cử 130 giảng viên đi học tiến sĩ ở 21 nước và tiếp nhận 764 người tốt nghiệp về nước công tác.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quản lý trực tiếp gần 5.000 (trong tổng số khoảng 200.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài). Các du học sinh được cử đi học theo các đề án, chương trình học bổng hiệp định tại các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà Việt Nam có nhu cầu như: Bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, y-dược, nghệ thuật... Năm qua, gần 3.000 chuyên gia người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật ở Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với giải pháp được toàn ngành tích cực triển khai, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt. Tính đến hết năm 2024, cả nước có 1.585 chương trình đào tạo đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 639 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài; có 196 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 12 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ngoài của HCERES, AUN-QA, FIBAA, QAA. Theo các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học quốc tế, Việt Nam có 17 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của Quacquarelli Symonds - QS (trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 200); có 9 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới (trong đó có 4 cơ sở nằm trong tốp 1.000) và 13 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Tổ chức Times Higher Education -THE.
ĐỔI MỚI VỚI QUY MÔ, TỐC ĐỘ, CHẤT LƯỢNG CAO HƠN
Những mục tiêu, yêu cầu mới cho phát triển đất nước là thử thách lớn, yêu cầu cao đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực vượt bậc mà toàn ngành giáo dục trong năm 2025 và những năm tiếp theo cần đổi mới với tốc độ, quy mô, chất lượng cao hơn, tạo những bước đột phá trong giáo dục đại học. Ngành giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các ngành mới như: Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn,...
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai Nghị quyết số 57-NQ/ TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, toàn ngành tập trung các giải pháp xây dựng đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học đổi mới về năng lực, đạt trình độ các nước tiên tiến; trong đó có đội ngũ các chuyên gia đầu ngành đạt mặt bằng và đủ năng lực hoạt động trong môi trường quốc tế.
Ngành giáo dục cũng chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia, đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ và kỹ thuật mới về trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, năng lượng mới, công nghệ sinh học… đáp ứng nhu cầu nhân lực khoảng 5-10 năm tới.
Ngành giáo dục sẽ nghiên cứu, kiến nghị hiệu chỉnh cơ chế chính sách phù hợp yêu cầu mới, trong đó, nghiên cứu đề xuất làm mới Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học một cách mạnh mẽ để tạo căn cứ pháp lý cho các trường đại học năng động, sáng tạo hơn trong nâng cao chất lượng…
Việc tăng cường hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhất là hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu cũng như đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục, tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển giáo dục đại học cũng được chú trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo tinh thần Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục cũng đang trình Chính phủ Đề án phát triển kỹ năng cho người học từ phổ thông đến đại học; Đề án về đào tạo các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mới, công nghệ mũi nhọn để thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn,…