Đắp bồi 'chất thép' cho chiến sĩ Trường Sa

Ở Trường Sa, thời tiết rất khắc nghiệt, 'nắng cháy da, mưa rát mặt', quanh năm bốn bề sóng vỗ, điều kiện sinh hoạt cũng không được đủ đầy như ở đất liền... Vậy nhưng, chúng tôi luôn bắt gặp hình ảnh những người chiến sĩ với tinh thần lạc quan, vững vàng, kiên trung bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên cụm đảo Đá Tây, cùng phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đọc sổ Tâm tình đồng đội để tìm hiểu về đời sống tinh thần của chiến sĩ.

Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên cụm đảo Đá Tây, cùng phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đọc sổ Tâm tình đồng đội để tìm hiểu về đời sống tinh thần của chiến sĩ.

Cầm trên tay quyển sổ Tâm tình đồng đội tại đảo Đá Tây A, tôi thực sự xúc động khi đọc những trang viết trải lòng của cán bộ, chiến sĩ khi lần đầu đến nhận nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trung úy Nguyễn Quang Trung, sinh năm 1992, viết: “Bồi hồi, xúc động, mong đợi xen lẫn háo hức và tự hào, đó là cảm giác của tôi khi nhận quyết định ra công tác tại đảo. Tạm xa gia đình, vợ con, xa người thân để ra nơi tuyến đầu của Tổ quốc, dẫu biết trước mắt là những khó khăn, thách thức đang chờ, nhưng tôi đã xây dựng cho mình một ý chí và lòng quyết tâm cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cùng với đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tuổi mười tám, chiến sĩ Vũ Hào Quang tham gia nhập ngũ, anh viết: “Những ngày tháng được học tập, sinh hoạt trên đảo có lẽ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong 2 năm quân ngũ của tôi. Sao trên mũ cùng ba lô trên vai, giữa thao trường đầy nắng và gió, chúng tôi say sưa luyện tập, rồi cuối ngày lại cùng nhau ôm đàn ghi ta vui vẻ hát vang dưới chân cột mốc chủ quyền”.

Còn Trung úy Lê Hồng Tâm, sinh năm 1992, giãi bày: “Bốn phía đều là biển cả bao la nhưng tôi cảm thấy thật ấm áp khi nhận được sự động viên của chỉ huy đảo, sự quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của các chiến sĩ. Mỗi người một tỉnh, một giọng nói khác nhau nhưng chúng tôi cùng chung ý chí, luôn đoàn kết, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên cụm đảo Đá Tây, chia sẻ: Sổ Tâm tình đồng đội được nhiều cán bộ, chiến sĩ giãi bày tâm tư, tình cảm, thể hiện niềm vinh dự và tự hào cũng như trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với Trường Sa thân yêu. Quyển sổ cũng là một kênh để chỉ huy đảo hiểu rõ hơn về đời sống tinh thần của chiến sĩ, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong quản lý, điều hành để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, tạo môi trường sống lành mạnh để mỗi cán bộ, chiến sĩ đều cảm thấy đảo là nhà, đồng đội là anh em.

Chính trị viên đảo Đá Đông B luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của chiến sĩ mới.

Chính trị viên đảo Đá Đông B luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của chiến sĩ mới.

Khi mới ra đảo, xa cách đất liền, nhiều chiến sĩ mới sẽ không tránh khỏi nỗi nhớ nhà. Vì vậy, cán bộ, chỉ huy các đảo đã gần gũi, động viên chiến sĩ tham gia các hoạt động thể thao, giao lưu văn nghệ… giúp vơi bớt nỗi nhớ gia đình, yên tâm công tác. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có đồng chí khi bố, mẹ hoặc người thân mất không thể về chịu tang. Chỉ huy đảo tạo điều kiện cho chiến sĩ được gọi điện thoại chuyện trò với gia đình, người thân, động viên và tạo động lực cho anh em phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với đó, chỉ huy đảo cũng luôn quan tâm để cán bộ, chiến sĩ nhận được đầy đủ chế độ, phụ cấp. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, chỉ huy đảo sẽ gọi điện về chúc tết gia đình các chiến sĩ. Đây chính là sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với các chiến sĩ, giúp họ luôn vững về tư tưởng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn.

Trung tá Vũ Đình Diện, Chính trị viên phó đảo Trường Sa, cho biết: Chúng tôi luôn quan tâm công tác giáo dục, nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị và ý chí quyết tâm, nỗ lực thực hiện mọi nhiệm vụ của các chiến sĩ. Qua các tổ công tác trong đơn vị cũng như qua những kênh bạn bè, đồng đội và nắm bắt trực tiếp, chỉ huy đảo sẽ gặp gỡ, thăm hỏi các chiến sĩ nếu phát hiện những vấn đề phát sinh. Từ đó có biện pháp, phương hướng giải quyết, giúp các chiến sĩ an tâm công tác, sẵn sàng tham gia huấn luyện chiến đấu.

Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn đến công tác tại các điểm đảo, các cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng thích nghi với môi trường đặc thù sóng gió. 100% chiến sĩ có ý thức, trách nhiệm và động cơ đúng đắn trong rèn luyện, phấn đấu, chấp hành tốt kỷ luật, có bản lĩnh vững vàng, miệt mài huấn luyện, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, kiên trung nơi đầu sóng...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/bien-va-hai-dao/202405/dap-boi-chat-thepcho-chien-si-truong-sa-f651f4a/