Đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh

(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng ngành ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng tiếp tục nhích dần lãi suất huy động để có nguồn vốn dồi dào cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết, đến cuối tháng 7/2024, dư nợ cho vay của Vietcombank Quảng Ngãi đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn cho vay tập trung lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm sản, sản phẩm hóa dầu và hộ kinh doanh thương mại dịch vụ. Nguồn vốn hiện đảm bảo cho nhu cầu giải ngân. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 4,6%, đang giữ ổn định so với đầu năm. Từ nay đến cuối năm, ngân hàng tập trung cho vay đối với các ngành sản xuất, kinh doanh; chủ động tiếp cận khách hàng, hỗ trợ thủ tục vay vốn, rút nhắn thời gian thẩm định, thủ tục cho vay.

Hoạt động giao dịch tại HDBank - Chi nhánh Quảng Ngãi. Ảnh: PV

Hoạt động giao dịch tại HDBank - Chi nhánh Quảng Ngãi. Ảnh: PV

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi, đến cuối tháng 7/2024, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng dao động từ 0,1 - 0,5%; so với tháng trước lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 3 tháng tăng 0,4%. Lãi suất huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng dao động từ 0,1 - 0,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm. Tổng nguồn vốn huy động ước tính đến cuối tháng 7/2024 đạt gần 91 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cuối năm 2023. Việc huy động nguồn vốn đảm bảo cho các chi nhánh tổ chức tín dụng cân đối cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh.

Điều đáng ngại là dư nợ cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là 234,8 tỷ đồng, tương ứng với 56 khách hàng (11 tàu vỏ thép và 45 tàu vỏ gỗ). Trong đó, chỉ có 14 tàu hoạt động có hiệu quả; 42 tàu hoạt động không hiệu quả dẫn đến nợ quá hạn hơn 221 tỷ đồng. Các ngân hàng đã khởi kiện 29/42 khách hàng phát sinh nợ xấu ra tòa án.

Đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10,8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt hơn 55,6 nghìn tỷ đồng (69,2% tổng dư nợ); dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn ước đạt gần 24,8 nghìn tỷ đồng (30,8%). Dư nợ cho vay tập trung vào nông nghiệp nông thôn hơn 29 nghìn tỷ đồng (36,7% tổng dư nợ); cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 9.480 tỷ đồng (11,8%); cho vay các đối tượng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện đạt 5.570 tỷ đồng...

Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt việc thông tin, truyền thông đến khách hàng các chương trình khuyến mãi, gói tín dụng lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ, tích cực tham gia vay vốn. Các chi nhánh ngân hàng, các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, cân đối phân bổ vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay.

TRƯỜNG AN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202408/dap-ung-nhu-cau-von-cho-san-xuat-kinh-doanh-cdc11e6/