Đất thiêng 'nở hoa' giữa hòa bình

Đất lửa Quảng Trị là điểm đến phù hợp nhất thể hiện khát vọng hòa bình, tôn vinh các giá trị của hòa bình, chống chiến tranh, hướng tới một nền hòa bình cho nhân loại.

Nơi cả nước nợ ân tình

Quảng Trị, vùng đất anh hùng từng phải chứng kiến và chịu đựng bao nhiêu nỗi đau chiến tranh, chia cắt của dân tộc trong nhiều thời kỳ lịch sử. Đây cũng là tuyến đầu chống giặc ngoại xâm, nơi thắp lên hy vọng và niềm tin bất diệt về độc lập, thống nhất và tương lai tương sáng của Tổ quốc.

Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn để tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ.

Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn để tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ.

Theo Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải, hiện đang là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, 81 ngày đêm của Thành cổ Quảng Trị (từ tháng 7-9/1972) là một bản hùng ca bi tráng thấm đẫm máu và hoa của quân và dân Quảng Trị trong cuộc chiến không khoan nhượng với kẻ thù nhằm bảo vệ các thành quả Cách mạng, bảo vệ lãnh thổ, tiến tới giành độc lập thống nhất hoàn toàn đất nước. Hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu này, máu thịt của họ đã hòa lẫn cùng đất đai gạch đá thành cổ và nước sông Thạch Hãn. Chính vì vậy, Thành cổ Quảng Trị không chỉ là một di tích của thời Nguyễn mà còn là một di tích Cách mạng đặc biệt quan trọng, một Đài tưởng niệm vô song, và cũng là một biểu tượng tiêu biểu về khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam.

“Bước qua chiến tranh, Quảng Trị có lẽ là địa phương có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhất trong cả nước với 72 nghĩa trang, trong đó có 2/4 Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia (Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9), nơi yên nghỉ của gần 54.000 liệt sĩ. Vào tháng 7 hàng năm, hàng vạn đồng bào, chiến sĩ trong cả nước lại đến mảnh đất linh thiêng này để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì khát vọng độc lập thống nhất của đất nước, dân tộc. Đó là chưa kể hàng vạn người dân đã âm thầm cống hiến, âm thầm hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước cũng rất đáng được ngưỡng mộ và vinh danh!”, Tiến sĩ Phan Thanh Hải bày tỏ.

Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, Quảng Trị chính là nơi cả nước nợ ân tình. Quảng Trị có đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến độc đáo, quy mô nhất cho những cuộc hành hương của đồng bào chiến sĩ trong cả nước, của du khách bốn phương. “Đến Quảng Trị để chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu nỗi đau của dân tộc: Nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt, những nỗi đau không thể bù đắp bằng bất cứ giá nào. Đến Quảng Trị để cảm nhận đầy đủ khát vọng sống, khát vọng độc lập tự do, khát vọng thống nhất của một dân tộc luôn sống trong thử thách và có lịch sử hàng ngàn năm phải đương đầu với chiến tranh, những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất”, Tiến sĩ Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Lễ hội tôn vinh giá trị hòa bình

Tháng 7 vừa qua, Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Vì hòa bình với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại; tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.

Chương trình chính luận "Vĩ tuyến 17-Khát vọng Hòa bình" đã diễn ra thành công, tốt đẹp . (Ảnh: Trần Tuyền)

Chương trình chính luận "Vĩ tuyến 17-Khát vọng Hòa bình" đã diễn ra thành công, tốt đẹp . (Ảnh: Trần Tuyền)

Trong khuôn khổ lễ hội nhiều hoạt động chính đã diễn ra thành công như: Lễ hội Đạp xe vì hòa bình; Lễ khai mạc Lễ hội vì hòa bình năm 2024; đêm nhạc Trịnh Công Sơn – Khúc ca hòa bình; Lễ hội Ẩm thực Hương vị miền hoa nắng; Lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; các triển lãm tranh, ảnh; hội thảo với chủ đề về hòa bình. Cùng với đó là Chương trình nghệ thuật chính luận Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình diễn ra tại khu vực Kỳ đài bờ bắc Khu di tích đặc biệt Quốc gia đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức theo hướng "mở", chỉ có ngày bắt đầu chứ không có... bế mạc. Đây cũng là cách Ban Tổ chức gửi đi thông điệp: Bất cứ lúc nào, công chúng cũng có thể tới tận hưởng không khí lễ hội, không khí vì hòa bình tại Quảng Trị.

Các sự kiện, hoạt động trong khuôn khổ lễ hội đã được tổ chức diễn ra thành công, an toàn, đạt mục tiêu, xứng tầm tầm vóc và tạo được dấu ấn tốt đẹp, thu hút đông đảo người dân và du khách hưởng ứng, tham dự. Góp phần vào thành công của các chương trình là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của ban tổ chức, các thành viên ban tổ chức và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

Bước đầu, các sự kiện, hoạt động đã tạo được sức lan tỏa tích cực, sâu rộng, truyền đi thông điệp về hòa bình và làm nổi bật hình ảnh đẹp của mảnh đất, con người Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung trên bình diện quốc gia, quốc tế. "Chúng tôi kỳ vọng Lễ hội vì hòa bình sẽ trở thành một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới ở Việt Nam và của riêng Quảng Trị, thu hút khách du lịch tới và trở lại trong nhiều lần tiếp theo", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dat-thieng-no-hoa-giua-hoa-binh-204240831144225822.htm