Đất trổ bông

Cũng như bao lần về thăm quê, nhưng lần ấy tôi trở về quê trong một hoàn cảnh mà trước đây chưa từng nghĩ tới.

Mảnh đất Giáp Nước quen thuộc, nơi tôi đã từng lớn lên và mơ mộng rời xa, giờ đây lại hiện lên trước mắt với một vẻ khác lạ. Những ngày đầu, tôi chỉ thấy đó là vùng đất cằn cỗi, nơi từng chứng kiến bao vất vả của ba tôi - một người nông dân kiên cường.

Nhưng chính trong sự bình dị ấy, ẩn chứa những câu chuyện lặng thầm đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Từng góc nhỏ nơi đây, từng cánh đồng, dòng kinh hay những hạt giống nhỏ bé đã dần hé mở cho tôi những giá trị mà trước kia tôi chẳng bao giờ để tâm đến. Và tất cả bắt đầu từ những bước chân tôi lặng lẽ quay về…

* * *

Tôi vẫn nhớ mãi những năm tháng tuổi thơ của mình. Hồi ấy tôi vẫn luôn mê say cảm giác được theo ba ra đồng, ngắm con rạch Giáp Nước uốn lượn quanh co quanh cánh đồng như cả một thế giới rộng lớn và yên bình bất tận. Nước trong xanh ngắt, đầy ắp, phản chiếu màu trời như một tấm gương khổng lồ.

Những cánh hoa lục bình tím biếc trôi lững lờ theo dòng, nhẹ nhàng như những đám mây nhỏ chở đầy ước mơ tuổi thơ tôi. Dọc hai bên bờ là những cây bần, cây dừa nước, thân quen đến nỗi mỗi gốc cây, mỗi con cua, con cá đều như những người bạn nhỏ ngày ngày tôi khám phá.

Xa xa, miếu Ông Tà hiện lên như một chứng nhân của thời gian. Đó không chỉ là nơi thờ cúng, mà còn là biểu tượng của niềm tin bất diệt của dân làng rằng mảnh đất này sẽ mãi bình yên, không bao giờ bị nước mặn xâm lấn.

Vậy mà, năm tôi học lớp Năm, sự bình yên ấy bị phá vỡ. Trong một buổi thăm vó cá, ba tôi bàng hoàng khi nhận ra ranh giới nước ngọt - nước mặn đã vượt qua miếu Ông Tà hơn trăm mét.

Lần đầu tiên tôi thấy dòng kinh cạn nước, bầy lục bình vốn xanh mướt nay ngả màu vàng úa, héo hon. Cánh đồng lúa của gia đình, của cả vùng Giáp Nước, ngày một khô quắt, từng chiếc lá lúa cong queo, quắt queo như muốn bật khỏi gốc rạ.

Đêm đó, cả làng thức trắng. Những chiếc máy bơm hoạt động không ngừng, tiếng rì rầm như tiếng thở hắt của hy vọng mong manh. Mọi người cố sức rút nước mặn khỏi ruộng, nhưng dù có nỗ lực thế nào, cây lúa cũng không cứu nổi.

Mùa màng thất bát, đồng quê trở nên tiêu điều. Tôi thấy ba, người đàn ông gầy gò nhưng luôn cứng cỏi, ngồi bó gối trên bờ đê nhìn cánh đồng hoang tàn, ánh mắt ông xa xăm như muốn tìm một tia hy vọng nhưng lại trĩu nặng nỗi thất vọng.

Những tháng ngày ấy thật nặng nề như những đám mây đã chứa đầy nước nhưng chưa thể đổ xuống cơn mưa cho hả hê bầu trời, mặt đất. Mẹ tôi phải vét sạch hũ gạo cuối cùng trong nhà, mỗi tiếng cọ của lon sữa bò xuống đáy hũ nghe rợn người. Chẳng còn cách nào khác, bà cắn răng đi vay nợ để nuôi chúng tôi qua ngày, trong khi ba trầm ngâm suốt ngày ngoài bờ ruộng, mắt nhìn về phía chân trời xa xôi.

Hạn mặn cứ thế bủa vây Giáp Nước, biến đồng lúa mơn mởn của chúng tôi thành những ao nuôi tôm. Những gốc rạ mục rữa chìm dần trong làn nước mặn đục ngầu, để mặc những con tôm nước lợ bơi lội như chủ nhân mới của cánh đồng xưa.

Mỗi lần nhìn ao tôm, ba tôi chỉ lặng lẽ cúi đầu, đôi mắt sâu thẳm ánh lên nỗi buồn chẳng nói thành lời. Có lẽ trong thâm tâm ông, nhìn lúa chết chẳng khác nào nhìn quê hương mình quằn quại. Nỗi xót xa ấy trĩu nặng, không cần lời mà vẫn có thể cảm nhận rõ ràng.

Mỗi khi như vậy, ba thường nhìn tôi, ánh mắt vừa dò hỏi, vừa mong chờ một điều gì đó. Rồi ông lên tiếng, câu hỏi quen thuộc mà tôi đã nghe đi nghe lại:

- Con có muốn làm nông không?

Lần nào tôi cũng lắc đầu, ánh mắt cương quyết. Tôi không thể sống mãi với những tháng ngày chạy ăn từng bữa, với cảnh nước mặn phá nát cả mùa màng lẫn hy vọng. Ba chẳng trách móc, nhưng tôi thấy rõ nỗi buồn lặng lẽ ẩn trong ánh mắt ông. Nó như một tia sáng nhỏ bị che khuất bởi đám mây đen u ám.

Đêm về, ba vẫn thao thức, ánh mắt không rời khỏi những vệt sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu. Nằm trong cái tĩnh lặng của đêm khuya, ông suy nghĩ miên man, không tài nào ngủ được. Mỗi lần nhìn ra cánh đồng mặn, ông lại nghĩ đến những gì ông bà mình đã trải qua. Họ, những người đi trước, đã bao đời bám rễ với cây lúa nước. Hết sâu đến rầy, hết bão đến lũ, nhưng chưa bao giờ ông bà ta chịu khuất phục.

Họ có thể đã không chống lại được thiên nhiên, nhưng họ biết cách thích ứng. Những thế hệ đi qua đã học cách hòa hợp với đất, với trời, với sóng gió, và rồi làm cho cây lúa nước ấy cứ thế bền bỉ, vững vàng giữa bao thăng trầm của thời gian. Ba tự hỏi, nếu tổ tiên đã làm được, tại sao mình lại không thể?

Chợt trong đêm tối ấy, một ý nghĩ lóe lên trong đầu ba. Không thể chống lại mặn, vậy sao không thử sống chung với nó, như ông bà xưa đã sống chung với lũ? Sự hòa hợp, sự thích ứng có thể là chìa khóa.

Không phải đợi chờ mưa xuống mới cấy lúa, mà phải làm sao để lúa chịu được đất mặn như những giống cây dại đã thích nghi với đất phèn. Nghĩ đến đó, ba bật dậy khỏi giường, đôi mắt ông sáng lên. Chẳng còn gì phải chần chừ nữa, ông cần phải hành động.

Sáng hôm sau, khi ánh nắng vừa chớm, ba không ăn sáng mà vội vã bắt xe ra huyện. Mẹ nhìn theo, ngạc nhiên hỏi:

- Ông đi đâu mà vội vậy?

Ba chỉ nhẹ nhàng đáp, giọng ông có chút gì đó lạ lẫm, như thể đã quyết định điều gì rất quan trọng:

- Đi tìm thầy.

Với ba, lúc này, không còn gì quan trọng hơn việc tìm ra con đường cứu lấy mảnh đất quê mình. Ba tôi lặn lội đến tìm người thầy giáo khoa Nông nghiệp mà có lần đã thuê ba chở đi khắp vùng Giáp Nước để đo độ mặn của đất.

Ông là người có kinh nghiệm nghiên cứu những mô hình nông nghiệp bền vững trong môi trường mặn. Ba kể tôi nghe về cuộc gặp gỡ ấy, khi nhà khoa học chỉ cho ông cách “con tôm ôm cây lúa” - một phương pháp nuôi tôm kết hợp với trồng lúa chịu mặn, giúp tạo ra một hệ sinh thái cân bằng và duy trì năng suất đất.

Ban đầu, ba tôi không dám tin. Cái ý tưởng “con tôm ôm cây lúa” dường như quá xa vời, như một giấc mơ không thể nào với tới. Nhưng sau những đêm thức trắng, khi mà cơn mưa không đủ để xua tan nắng nóng của đồng ruộng mặn chát, ba đã quyết định thử nghiệm.

Ông biết rằng thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều đó không làm ông chùn bước. Tôi thấy ba tôi như một người đi tìm kiếm chân lý, dù biết trước con đường sẽ gập ghềnh, nhưng vẫn kiên trì dấn bước.

Ông dường như đã rút hết mọi sức lực, thời gian và cả niềm tin vào mảnh đất này, để thử lại, thử lại lần nữa. Ba không còn coi mình là người nông dân bình thường nữa, mà là một nhà nghiên cứu, một người thầy tự học trong chính mảnh đất quê mình.

Cánh đồng vẫn mặn chát như cũ, giống lúa đầu tiên yếu ớt, như những hạt giống chưa thể bám rễ vào lòng đất. Mỗi lần nhìn thấy những cây lúa mầm yếu ớt, ba chỉ im lặng, đôi mắt thoáng buồn nhưng vẫn chứa đầy hy vọng. Ba chưa bao giờ than vãn về những thất bại.

Những thửa ruộng đầu tiên ông thử nghiệm đều thất bại thảm hại: Lúa không mọc, tôm chết. Mặc dù vậy, ba không hề giận dữ, cũng không có tiếng thở dài. Ông vẫn kiên trì, không vội vàng bỏ cuộc, mà tiếp tục tự mày mò tìm hiểu, thử nghiệm từng giống lúa, từng loại tôm, như thể ông đang mài giũa chính cuộc đời mình, không phải để thắng, mà là để hiểu.

Có những đêm, tôi nhìn ba cặm cụi trên ruộng đất, đôi tay lấm lem bùn đất, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi. Những vết nứt trên bàn tay ông đã dày thêm, những dấu vết của sự kiên trì không ngừng nghỉ.

Nhưng ba không bao giờ nói ra, không hề phàn nàn về nỗi vất vả, về những đêm mất ngủ khi ông loay hoay bên những hạt giống mỏng manh, hay khi những con tôm nước lợ chết dần, không hiểu sao. Trong lòng tôi, lúc ấy thật sự rất lo cho ba, nhưng có lẽ ba đã hiểu rằng, để thành công, trước hết phải vượt qua sự thất bại.

Chính những thất bại ấy sẽ cho ông thêm sự kiên nhẫn, thêm quyết tâm. Mỗi lần như thế, tôi nhìn ba tôi vừa nản lòng, vừa đầy hy vọng. Tình yêu dành cho mảnh đất quê hương ấy đã trở thành động lực để ông đứng dậy, bước tiếp.

Một lần, khi tôi nhìn cánh đồng mặn nứt nẻ, những cây lúa gầy guộc, xanh xao giữa đất cằn cỗi, tôi không kiềm được nỗi thất vọng. Cái cảm giác dường như đã đến lúc không còn gì có thể cứu vãn được nữa.

Nhưng ba đã nắm lấy tay tôi, không nói gì trong một lúc. Rồi ông nhìn tôi, đôi mắt ấy vẫn kiên định, nhưng cũng có chút gì đó như chất chứa những nỗi buồn thầm lặng, như một dòng sông lặng im đang chảy ngầm. Ba nhẹ nhàng nói:

- Cây lúa là giống sống dai lắm, chỉ cần mình không nản thì nó cũng không chịu thua đâu.

Tôi nghe mà không thể nói gì. Mấy từ ấy, tuy giản dị, nhưng lại đầy sức mạnh. Một niềm tin sâu sắc, một lòng kiên trì không bao giờ vơi cạn. Và rồi, sau bao lần thất bại, một ngày, ba tôi phát hiện ra những cây lúa đầu tiên mọc lên từ lớp đất mặn, không còn yếu ớt như trước, mà vươn lên mạnh mẽ. Những cây lúa ấy bắt đầu phát triển, xanh mơn mởn giữa trời đất khắc nghiệt, như những tín hiệu của hy vọng, của cuộc sống bền bỉ giữa gian truân.

Lúa mọc, tôm sống. Chúng tôi đã tìm thấy được cái sự hòa hợp giữa hai thế giới: Lúa và tôm. Cái giá trị ấy không chỉ là sản phẩm của sự lao động mệt nhọc, mà là minh chứng cho sự kiên trì, sự nhẫn nại, và lòng yêu quê hương sâu sắc của ba.

Trong từng nhánh lúa, từng con tôm, là cả một câu chuyện dài về những tháng ngày không bỏ cuộc. Cánh đồng quê tôi, từ đất mặn khô cằn, giờ đây đang hồi sinh dần dần. Ba đã chứng minh rằng, khi con người biết kiên nhẫn, biết làm bạn với thiên nhiên, thì chẳng có gì là không thể.

Mùa thu hoạch đầu tiên của vụ lúa tôm cũng vừa vào lúc đứa em trai tôi sắp bước vào đại học. Mẹ thở phào nhẹ nhõm, thấy bao nỗi lo toan ở tương lai phần nào vơi đi. Năm ấy, Giáp Nước nhà nhà đều rộn tiếng cười. Nhà tôi quây quần bên mâm cơm từ giống lúa chịu mặn ngay trên nơi con tôm bơi lội.

Mùi cơm thơm lừng lan tỏa trong không khí, như một lời khẳng định rằng mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp. Ba tôi không nói gì nhiều, nhưng ánh mắt của ông, cái cách ông nhìn cánh đồng, nói lên tất cả. Đó là thành quả của sự kiên trì, của niềm tin rằng cây lúa, như con người, chỉ cần không bỏ cuộc thì sẽ vượt qua được tất cả.

Cũng như bao lần rời quê lên phố, nhưng lần này có khác hơn, là tôi và cả nhà cùng đi, đưa thằng Út lên phố học. Tôi thức sớm hơn mọi khi, bước ra cánh đồng còn mờ hơi sương, hít căng một hơi dài.

Nghe trong từng thớ đất như cũng thơm hơn. Giáp Nước giờ đây không chỉ là nơi của những cánh đồng lúa bội thu mà còn là biểu tượng của lòng kiên nhẫn, niềm tin vào sự sống và sức mạnh không bao giờ từ bỏ.

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dat-tro-bong-post719540.html