Dầu khí đá phiến Mỹ trước nguy cơ mới
Tổng Giám đốc ConocoPhillips, ông Ryan Lance, cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ nhiều khả năng sẽ chững lại, nếu giá dầu tiếp tục duy trì quanh mức hiện tại, và thậm chí có thể giảm nếu giá rơi về ngưỡng 50 USD/thùng. Phát biểu này được ông đưa ra đầu tuần này, trong bối cảnh thị trường dầu thô đang chịu áp lực giảm giá.

Tổng Giám đốc ConocoPhillips, ông Ryan Lance, cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ nhiều khả năng sẽ chững lại, nếu giá dầu tiếp tục duy trì quanh mức hiện tại. Ảnh AFP
Ông Lance cảnh báo rằng đà giảm giá hiện nay có thể khiến nguồn cung dầu từ Mỹ suy yếu – một tín hiệu không mấy tích cực khi cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều vừa điều chỉnh giảm dự báo sản lượng dầu đá phiến Mỹ. Giá dầu thô WTI của Mỹ gần đây đã xuống sát 55 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ năm 2021 đến nay.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar ở Doha, ông Lance nhận định: “Ngưỡng hòa vốn trong ngành có lẽ không thay đổi nhiều. Nếu giá dầu ổn định trong khoảng 65–75 USD/thùng, sản lượng của Mỹ sẽ tiếp tục tăng, dù tốc độ không quá nhanh”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sản lượng dầu của Mỹ có thể đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này, trừ khi có đột phá công nghệ mới trong ngành. “Nhưng cũng không nên đánh giá thấp khả năng đổi mới của ngành dầu đá phiến”, ông nói thêm.
Cùng tại sự kiện, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, ông Saad al-Kaabi, cảnh báo rằng, nếu giá dầu giảm xuống dưới 60 USD/thùng, đầu tư toàn cầu vào ngành dầu khí sẽ giảm sút nghiêm trọng, đe dọa khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới trong tương lai.
Tính đến thứ Ba 20/5, giá dầu Brent – chuẩn toàn cầu – đã giảm xuống dưới 66 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ dao động quanh 63 USD/thùng. Giá dầu trượt dốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế thương mại hôm 2/4, cộng thêm quyết định của OPEC+ trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng.
Ông Lance cho biết, nếu giá dầu duy trì quanh 70 USD/thùng, sản lượng dầu của Mỹ có thể tăng lên hơn 14 triệu thùng/ngày, so với mức hiện tại vào khoảng 13,3 – 13,4 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung LNG: Mỹ và Qatar cùng mở rộng để đón đầu nhu cầu tăng mạnh
Tổng Giám đốc ConocoPhillips, ông Ryan Lance, dự báo thị trường LNG toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới – từ mức khoảng 400 triệu tấn hiện nay lên hơn 700 triệu tấn, tương đương tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 1–2%.
“Chúng ta sẽ cần một mức mở rộng quy mô rất lớn”, ông Lance nhận định. “Qatar và Mỹ – hai quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu LNG – sẽ phải tăng cường sản lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu đang tăng mạnh”.
Về phía Qatar, ông Saad al-Kaabi – Bộ trưởng Năng lượng kiêm Tổng Giám đốc QatarEnergy – tỏ ra lạc quan khi cho rằng nước này “hoàn toàn không lo ngại” về nguy cơ dư cung LNG trên thị trường.
Theo ông Kaabi, Mỹ có thể sẽ tập trung xuất khẩu LNG sang châu Âu và Nam Mỹ, trong khi Qatar sẽ tiếp tục giữ vai trò chính tại thị trường châu Á. “Tôi tin rằng toàn bộ sản lượng LNG đang được lên kế hoạch đều là cần thiết”, ông nói.
Ông cũng tiết lộ Qatar hiện đang đàm phán với nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, về việc cung cấp thêm LNG. “Sắp tới tôi sẽ sang Trung Quốc tham dự một hội nghị và gặp gỡ các khách hàng LNG của chúng tôi tại đây. Dù vậy, các cuộc đàm phán này cần có thêm thời gian”, ông cho biết.
Qatar bắt đầu chuyển sang hình thức kinh doanh LNG cách đây vài năm, sau khi nhận thấy các nhà giao dịch kiếm được lợi nhuận lớn từ việc mua LNG của Qatar theo hợp đồng giao ngay.
Hiện tại, Qatar đang kinh doanh khoảng 10 triệu tấn LNG/năm, trong đó khoảng một nửa là LNG có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Đến năm 2030, mục tiêu của nước này là tăng khối lượng giao dịch LNG không phải của Qatar lên 30–40 triệu tấn/năm.