Đâu là điểm nghẽn khiến giải ngân đầu tư công Quý 1/2025 chỉ đạt 9,53%?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến hết Quý 1/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước tính mới chỉ đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Hết Quý 1, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 9,53%

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 15/3, tổng số vốn đầu tư công đã phân bổ là 814.623 tỷ đồng, đạt 98,63% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giao tăng, tổng số vốn đã phân bổ là 763.907,03 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch Thủ tướng giao.

Đáng chú ý, có tới 21/47 Bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch được Thủ tướng giao, với tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 62.015,2 tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn ngân sách Trung ương (NSTW) là 25.454,8 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 36.560,4 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 9,53%

Giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 9,53%

Vốn theo ngành, lĩnh vực chưa phân bổ là 24.368,3 tỷ đồng. Trong đó: vốn trong nước là 22.972,1 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 1.396,2 tỷ đồng.

Vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ là 1.086,5 tỷ đồng của 1/2 bộ ngành và 15/48 địa phương.

Ước giải ngân kế hoạch vốn đến ngày 31/3 đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 đạt 12,27%. Trong 3 tháng đầu năm 2025, có 13/47 Bộ, cơ quan trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt (trên 20%) như: Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (23,73%), Hội Liên hiệp phụ nữ (20,37%); Phú Thọ (35,04), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%), Lào Cai (22,89%), Hà Giang (21,75%), Bình Định (20,25%).

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân (17 Bộ, cơ quan Trung ương, bao gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước,…) hoặc giải ngân rất thấp (16 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương giải ngân dưới 5%, bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Phước, Cà Mau, Quảng Ninh,…).

Tăng cường phân cấp, phân quyền, đi kèm với kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Lý giải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, trước hết là những hạn chế, tồn tại trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát, trình cơ quan thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai thực tế.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, rà soát lại, có những dự án dù đã hoàn tất bước chuẩn bị, nhưng kiểm tra phát hiện không còn hiệu quả, buộc phải dừng triển khai.

Nguyên nhân thứ ba là do một số địa phương vẫn chưa phân bổ được nguồn thu ngân sách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công, trong khi năm 2025 đặt ra yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 Tổ công tác do 7 Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, với nhiệm vụ trực tiếp làm việc với địa phương, bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc phát sinh. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các khó khăn, báo cáo tới các tổ công tác trong thời gian tới”, đại diện Vụ Đầu tư thông tin.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, nếu muốn đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, cần tiếp tục rà soát Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, rà soát cơ chế kiểm soát, thanh toán, quyết toán nhằm đảm bảo sự thông thoáng. Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

“Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, có những dự án dù đã hoàn tất bước chuẩn bị nhưng khi rà soát lại, phát hiện không còn hiệu quả, buộc phải dừng triển khai – điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đang quyết liệt tháo gỡ khó khăn, bởi đầu tư công vẫn là một trong những trụ cột then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói thêm.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dau-la-diem-nghen-khien-giai-ngan-dau-tu-cong-quy-12025-chi-dat-953-post1189879.vov