Đâu là lý do khiến CSGDĐH trong nước khó thu hút GV người Việt ở nước ngoài?
Ở Việt Nam, thời lượng giảng dạy lại chiếm khá lớn dẫn đến thời gian nghiên cứu không còn nhiều nhưng vẫn đòi hỏi có số lượng bài báo nghiên cứu cao.
“Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống” là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nêu ra tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Có thể nói, vấn đề thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được Đảng và Nhà nước ta đề ra. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, thực tiễn còn vướng phải nhiều khó khăn, thách thức trong việc thu hút đội ngũ này.
Cần tạo điều kiện tối đa để thu hút đội ngũ nhà khoa học người Việt ở nước ngoài
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Nhật Nguyên – Giáo sư cấp quốc gia ngành Khoa học quản trị tại Pháp bày tỏ, hiện nay có rất nhiều nhà khoa học người Việt ở nước ngoài mong muốn về nước để góp phần vào sự phát triển nền khoa học của nước nhà nhưng thiếu cơ chế, môi trường để phát triển.
Trên thực tế, việc thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử như về chính sách đãi ngộ, lương bổng hay những chi phí phát sinh sau khi ký hợp đồng lao động chưa rõ ràng, …
Không những vậy, hiện có cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đang “chạy” theo số lượng, số bảng bài báo quốc tế nhưng chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Điều này đã dẫn đến chỉ tiêu về số bài báo quốc tế được xuất bản hàng năm của các nhà khoa học tại trường đại học là rất cao nên nhiều bài bị xuất bản một cách vội vã với nội dung hời hợt.
Trên thực tế, đã có tình trạng nhiều giảng viên trình độ tiến sĩ nhưng chỉ trong khoảng 3-4 tháng đã xuất bản đến 9-10 bài báo, nhiều bài nằm ở những “tạp chí săn mồi” dẫn đến lãng phí nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Ngược lại, tại Pháp, đơn cử như một bài báo ngành Khoa học quản trị được đánh giá là có chất lượng nếu bài báo đó nằm trong danh sách các tạp chí được kiểm định bởi Hội đồng Giáo sư cấp quốc gia.
Để xuất bản các bài báo có chất lượng theo yêu cầu, nhà nghiên cứu mất ít nhất là từ 1 đến 2 năm. Đối với các ngành Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội và nhân văn, thời gian xuất bản có thể ngắn hoặc dài hơn. Các bài báo có chất lượng theo yêu cầu sẽ là cơ sở cho các trường và Hội đồng Giáo sư cấp quốc gia đánh giá năng lực của nhà nghiên cứu trong việc xét duyệt cơ chế khen thưởng và tăng bậc lương.
Tuy nhiên, do ở Việt Nam luôn chú trọng về số lượng hơn nên sẽ khó đánh giá cao những nghiên cứu chất lượng như vậy.
Thực trạng “chạy đua” theo số lượng bài báo nghiên cứu đã khiến không ít nhà khoa học chân chính dễ bị áp lực, e ngại trở về nước làm việc.

Thầy Nguyễn Nhật Nguyên – Giáo sư cấp quốc gia ngành Khoa học quản trị tại Pháp. Ảnh: NVCC.
Hơn nữa, thầy Nguyên thông tin, tại Pháp, những giảng viên là giáo sư như thầy Nguyên trong 01 năm chỉ cần dạy 192 giờ, thời gian còn lại dành cho công tác nghiên cứu và quản lý. Những trường đại học mà thầy từng tham gia giảng dạy tại Pháp đều tạo nhiều điều kiện thuận lợi về công tác nghiên cứu cho thầy cũng như các phó giáo sư, giáo sư khác.
Trong khi đó ở Việt Nam, thời lượng giảng dạy lại chiếm khá lớn dẫn đến thời gian nghiên cứu không còn nhiều nhưng vẫn đòi hỏi có số lượng bài báo nghiên cứu cao. Tất yếu, các nghiên cứu sẽ kém hiệu quả hơn. Từ đó, làm ảnh hưởng đến đam mê nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là những phó giáo sư, giáo sư ở nước ngoài khi đa số họ đặt nghiên cứu khoa học lên hàng đầu.
Có thể thấy, môi trường nghiên cứu khoa học tại trong nước đang khó tạo động lực để thu hút các chuyên gia, giảng viên người Việt Nam ở nước ngoài.
Mặt khác, thầy Nguyên thông tin thêm, Pháp là quốc gia có quá nhiều sinh viên nhưng lại ít giảng viên. Do vậy, thông thường, họ sẽ thuê những giảng viên đã làm việc ở bên ngoài thị trường lao động để giảng dạy những học phần liên quan đến thực hành. Còn những học phần thiên về lý thuyết, có tính chuyên môn hóa cao sẽ do phó giáo sư và giáo sư đảm nhận. Cách làm này vừa đáp ứng nhu cầu mong muốn được học tập chuyên môn hóa ngày càng cao vừa tăng thêm chất lượng nghiên cứu của các trường đại học.
Do đó, để thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, các trường đại học ở Việt Nam có thể nghĩ tới việc chia ra 2 phân khúc giảng viên. Một phân khúc chuyên về giảng dạy (trong 3 năm hoặc 4 năm chỉ cần có có 2 hoặc 3 bài báo có chất lượng) và một phân khúc chuyên về nghiên cứu với yêu cầu số lượng báo có chất lượng cao hơn phân khúc chuyên về giảng dạy (vẫn đảm bảo thời lượng giảng dạy tối thiểu nhưng tập trung chủ yếu vẫn là nghiên cứu khoa học).
Trong khi đó, cô Lê Thị Hoài An – Giáo sư tại Trường Đại học Loraine (Cộng hòa Pháp) cũng cho rằng, khó khăn trong việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu nằm ở vấn đề cơ chế làm việc và điều kiện làm việc chứ không hẳn là do lương bổng.
Trên thực tế, nhiều nhà khoa học lựa chọn làm việc ở nước ngoài là do họ được tạo những điều kiện thuận lợi nhất có thể để phát triển nghiên cứu của mình.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thời gian giảng dạy lại quá nhiều, máy móc trang thiết bị, môi trường chưa đáp ứng, … Khó khăn cả về thời gian và môi trường nghiên cứu đã khiến họ ngần ngại trở về nước.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), việc thu hút chuyên gia người Việt và người nước ngoài về công tác tại đại học công lập của Việt hiện đang rất khó khăn bởi hai lý do chính yếu.
Thứ nhất, xét về cơ chế đãi ngộ, nhìn chung mức lương trả theo ngạch, bậc của các trường đại học công lập hiện còn thấp, đó là so với những đại học tư thục, chứ chưa so sánh đến những đại học ở ngoài nước.
Nếu không có một cơ chế đặc biệt, có thể là quỹ đầu tư chất xám nước ngoài do Chính phủ mở ra, gần như các đại học công lập không thể có mức lương trả từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng cho các chuyên gia nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế). Ảnh: Website Nhà trường.
Thứ hai, giả sử có một nhà tài trợ hay quỹ đầu tư thu hút nhân tài thì nhìn chung môi trường giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ của các trường đại học công lập của nước ta vẫn còn rất hạn chế.
Trên thực tế, các nhà khoa học hàng đầu thế giới chưa hẳn đặt nặng vấn đề thu nhập, cho dù phải ở một mức nhất định nào đó. Điều họ quan tâm phần lớn là môi trường làm việc hiện đại, dân chủ, khai phóng và có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Đây là điểm khó khăn nhất trong việc thu hút chất xám nước ngoài.
Để thu hút được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, thầy Tùng cho rằng, chế độ đãi ngộ cần được phân hạng theo trình độ và ngành nghề. Trong đó, trình độ càng cao và ngành nghề cấp thiết thì ưu tiên mức đãi ngộ cao nhất, ít nhất là gần bằng các nước phát triển. Ở mức trình độ thấp hơn, ngành nghề ít quan trọng hơn thì có thể thấp dần.
Đồng thời, cần có những hình thức tôn vinh phù hợp như danh hiệu, tri ân, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đối với trí thức từ nước ngoài đến Việt Nam cống hiến. Tạo điều kiện tối đa về máy móc, phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng, tôn trọng tính dân chủ, khai phóng trong nghiên cứu khoa học.
Công nhận/bổ nhiệm GS, PGS ra sao để thúc đẩy nhà khoa học không ngừng nghiên cứu và công bố công trình mới?
Mặt khác, theo thầy Nguyên, việc bổ nhiệm phó giáo sư, giáo sư ra sao cũng ảnh hưởng nhiều đến vấn đề thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài. Bởi, các quy định, quyền lợi mà nhiều quốc gia phát triển về giáo dục, khoa học công nghệ trên thế giới thúc đẩy họ phát triển mạnh mẽ hơn.
Đơn cử như tại Pháp, để được công nhận là phó giáo sư, các tiến sĩ cần làm một bộ hồ sơ (được Hội đồng Giáo sư cấp quốc gia chứng nhận đạt chuẩn đủ điều kiện) sau đó nộp hồ sơ vào các trường đại học phù hợp về chuyên ngành và nhu cầu trên nước Pháp và đi phỏng vấn. Hội đồng công nhận bổ nhiệm phó giáo sư tại các trường đại học có một nửa là giáo sư và phó giáo sư của nhà trường và một nửa là của các trường khác được mời, nhằm đảm bảo tính khách quan một cách có hệ thống trong việc tuyển dụng.
Nếu đánh giá thấy phù hợp, nhà trường sẽ chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giáo sư cấp quốc gia cho ý kiến và hội đồng này sẽ chuyển hồ sơ lại nhà trường. Các trường đại học vẫn là đơn vị đưa ra quyết định cuối cùng.
Như vậy, công tác bổ nhiệm này sẽ giúp tăng quyền chủ động, tự chủ và công bằng, minh bạch hơn của các cơ sở giáo dục đại học cũng như của các tiến sĩ.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm giáo sư tại Pháp được phân chia thành hai hướng: Giáo sư cấp nhà nước và Giáo sư cấp cơ sở. Đơn cử, các lĩnh vực như Luật, Khoa học quản lý và Khoa học chính trị ưu tiên và coi trọng việc bổ nhiệm Giáo sư theo cấp nhà nước. Trong khi đó các ngành khoa học khác lại lựa chọn việc bổ nhiệm Giáo sư theo cấp cơ sở.
Đối với Giáo sư cấp nhà nước, các phó giáo sư cần trải cuộc thi kéo dài khoảng gần 1 năm với nhiều vòng liên quan đến kiến thức chung của khối ngành và kiến thức chuyên môn. Sau đó, dựa trên số lượng vị trí giáo sư được mở mỗi năm, Hội đồng Giáo sư cấp quốc gia sẽ quyết định công nhận xem những ai đạt được yêu cầu của cuộc thi và đưa ra quyết định bổ nhiệm họ là giáo sư cấp nhà nước. Những giáo sư cấp nhà nước được quản lý trực tiếp bởi Bộ Đại học và Nghiên cứu, và phải thuyên chuyển công tác đến các trường đại học mà Bộ quy định.
Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo sư cấp trường được thực hiện và quyết định bởi mỗi trường đại học. Giống như việc tuyển dụng phó giáo sư, ứng viên của chức vụ giáo sư cấp trường sẽ phải được phỏng vấn bởi Hội đồng Giáo sư cấp cơ sở trong đó một nửa là các giáo sư trong trường và một nửa còn lại là các giáo sư được mời từ các trường khác. Nếu giáo sư cấp trường chỉ cần giỏi về một lĩnh vực thì những giáo sư cấp quốc gia đòi hỏi không chỉ giỏi nghiên cứu trong lĩnh vực của bản thân mà còn phải nắm được lý thuyết, kiến thức của nhiều ngành khoa học có liên quan.
Việc bổ nhiệm phó giáo sư, giáo sư với sự phân chia rõ rệt như vậy tất yếu sẽ khuyến khích các tiến sĩ, nhà khoa học phải thực sự giỏi, có năng lực để cạnh tranh lẫn nhau, trở thành những chuyên gia đầu ngành.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), chúng ta nên cân nhắc học tập theo mô hình học hàm của nước ngoài, đặc biệt là những nước phát triển về giáo dục để hạn chế tối đa được những tiêu cực và thúc đẩy nhà khoa học không ngừng nghiên cứu, công bố công trình mới.