Dấu mốc quan trọng hướng tới sự phát triển bền vững

Hôm nay 1/7, tỉnh Phú Thọ mới chính thức đi vào hoạt động. Việc sáp nhập ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là bước đi chiến lược, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng và không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa vị thế và đóng góp vào sự phát triển chung của vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng như cả nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...

Trung tâm tỉnh Phú Thọ mới. Ảnh: Tùng Vy

Mở rộng không gian phát triển

Có thể nhận thấy, về tổng thể thì Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm kết nối ba tỉnh (Phú Thọ- Vĩnh Phúc - Hòa Bình), có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với vùng Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc và cũng là điểm trung chuyển quan trọng giữa miền núi và đồng bằng. Về năng lực phát triển trong tương lai, Phú Thọ có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, hiện đã và đang hình thành hệ thống khu công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ quy mô lớn, trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Với hệ thống thiết chế hạ tầng - xã hội, Phú Thọ có hệ thống y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa phát triển, đủ năng lực phục vụ người dân cả khu vực. Các cơ sở đào tạo đại học, bệnh viện chuyên sâu và các trung tâm thể thao - du lịch góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh mới. Về văn hóa - lịch sử, Phú Thọ là vùng Đất Tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam, với các di sản văn hóa được UNESCO công nhận - Đây là các yếu tố quan trọng về mặt tinh thần, bản sắc và tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Về quốc phòng - an ninh, Phú Thọ là địa bàn trọng yếu, nơi đóng quân của Quân khu 2 và nhiều cơ quan Trung ương, giữ vai trò chiến lược trong bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô.

Việc đặt trung tâm tỉnh tại Phú Thọ giúp mở rộng không gian phát triển mới, khai thác đồng bộ hạ tầng vùng, giảm áp lực cho Hà Nội, thúc đẩy liên kết vùng, phù hợp với định hướng phát triển của Quy hoạch vùng Thủ đô và Nghị quyết 11-NQ/TW, nhất là tạo tiền đề, động lực mới cho vùng, khu vực và cả nước bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sau sắp xếp, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 9.361,381km2, đạt 117,02% so với tiêu chuẩn, quy mô dân số 4.022.611 người, đạt 446,96% so với tiêu chuẩn với 148 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó 133 xã và 15 phường). Tỉnh Phú Thọ mới được hình thành là bước ngoặt có tính chiến lược nhằm mở ra không gian, động lực phát triển mới cho vùng Đất Tổ và toàn vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Sau hợp nhất, tỉnh Phú Thọ là vùng đất có đầy tiềm năng, bản lĩnh và có nhiều cơ hội bứt phá trong thời đại mới, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa

Văn hóa là động lực cho sự phát triển- Do đó, cuộc sáp nhập lịch sử giữa 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình đã định hình lại một không gian văn hóa mới khi ba vùng đất đều mang dấu ấn đậm đặc của văn hóa truyền thống và là một chỉ dấu quan trọng cho thấy, khi "chung một nhà” bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống sẽ được kết nối liền mạch hơn, làm tiền đề, động lực để kiến tạo một tỉnh Phú Thọ mới vững vàng trong hành trình phát triển của kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Khi có không gian mở rộng, tỉnh Phú Thọ mới sẽ không chỉ là sự giao hòa về địa lý, kinh tế, mà trước hết là sự kết tinh của ba dòng chảy văn hóa lớn khi Phú Thọ - cội nguồn của dân tộc Việt Nam với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc - quê hương của Quốc Mẫu Tây Thiên, cũng là nơi quy tụ nhiều lễ hội cổ truyền đầy nét văn hóa và đặc sắc cho dù lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang rất mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc riêng đã trở thành hình mẫu cho sự phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Hòa Bình - với những bản làng Mường, Dao, Thái... độc đáo, mang trong đó những kho tàng văn hóa phi vật thể sống động sẽ là ngồn tài nguyên vô tận cho phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng và giữ gìn bản sắc. Khi hợp lực, một không gian văn hóa liên vùng sẽ được thiết lập, tạo nền móng cho chiến lược phát triển du lịch, đưa Phú Thọ mới trở thành điểm đến di sản - sinh thái - trải nghiệm đặc sắc của cả nước.

Chung một khát vọng phát triển

Khi trở thành một chỉnh thế thống nhất về địa lý, dân số... tỉnh Phú Thọ mới sẽ có thêm nhiều tiềm năng mạnh đã được khẳng định và có thương hiệu, là động lực cho sự phát triển và bứt phá sau sáp nhập. Đặc biệt, là việc tăng quy mô và sức cạnh tranh khi việc sáp nhập sẽ tạo ra một tỉnh có quy mô lớn hơn về diện tích và dân số, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao hơn. Với việc có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc biệt là Phú Thọ với di sản Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản này một cách tổng thể. Sự giao thoa văn hóa của các dân tộc khác nhau trên địa bàn ba tỉnh sẽ làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tạo nên bản sắc độc đáo cho tỉnh mới. Quy mô dân số lớn hơn sẽ tạo ra nguồn lao động dồi dào, đa dạng. Việc quy hoạch tổng thể về giáo dục, đào tạo sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, việc kết hợp các vùng đất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau sẽ cho phép phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, từ cây công nghiệp (chè, mía) đến cây ăn quả, chăn nuôi gia súc. Tạo điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ với quy mô lớn hơn giúp tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp...

Dù có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn sau sáp nhập nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức mới từ ngày 1/7 khi việc sáp nhập đặt ra những vấn đề lớn trong công tác sắp xếp bộ máy hành chính, quy hoạch phát triển đồng bộ, hài hòa giữa các vùng, xử lý các vấn đề về đất đai, tài nguyên... Nhằm phát huy tối đa tiềm năng của ba địa phương sau sáp nhập, cần có chiến lược quy hoạch tổng thể và dài hạn để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực; nỗ lực đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các khu vực, khu công nghiệp, khu du lịch. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn với những cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi đặc biệt cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, lao động có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Đảm bảo sự phát triển kinh tế mạnh mẽ luôn đi đôi với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để việc sáp nhập ba tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc thành một tỉnh mới mang tên Phú Thọ là một bước đi chiến lược, mở ra nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và đóng góp vào sự phát triển chung của vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng như cả nước.

Ngày 10/6/2025 vừa qua, làm việc với Ban Thường vụ ba tỉnh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Ba tỉnh - ba đặc điểm riêng đang từng bước hội tụ trong một chỉnh thể thống nhất, hòa quyện về địa lý, lịch sử, văn hóa, dân cư và cơ cấu kinh tế. Sự gắn kết giữa đồng bằng công nghiệp - trung du lịch sử - miền núi sinh thái không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về mặt địa giới hành chính mà còn mở ra cơ hội hình thành một mô hình phát triển đa trung tâm, tích hợp cao, vừa đảm bảo tính kế thừa truyền thống, vừa hướng đến tương lai hiện đại... Tổng Bí thư nhấn mạnh: Để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tính bổ trợ lẫn nhau giữa ba vùng của tỉnh Phú Thọ mới, cần xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể cho tỉnh mới một cách bài bản, khoa học, mang tầm nhìn dài hạn. Phát triển phải hài hòa, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ xã hội, gìn giữ bản sắc, bảo vệ sinh thái và sử dụng tài nguyên hiệu quả, vì một tương lai bền vững, cân bằng và nhân văn hơn.

Quốc Hội

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dau-moc-quan-trong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung-235343.htm