Dâu tằm tươi xanh trên đất lũ Trấn Yên

Bà con nông dân huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục nhân rộng diện tích trồng dâu tằm, đổi mới kỹ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kén tằm tăng thêm thu nhập.

Do trận "đại hồng thủy" xảy ra tháng 9 năm ngoái, hơn 700ha dâu tằm của huyện Trấn Yên bị ngập úng, bùn đất vùi lấp, trong đó khoảng 100ha bị chết phải cải tạo đất trồng lại. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và bà con nông dân, đến nay những diện tích bị thiệt hại nhẹ gần như đã hồi sinh hoàn toàn, số diện tích phải trồng lại sẽ cho thu hoạch vào vụ thu. Những ngày cuối Xuân này, trên đất đồng Trấn Yên, những ruộng dâu bát ngát trải dài hai bên bờ sông Hồng xanh rì, căng tràn sức sống.

Cây dâu được chăm sóc tốt nên cho sản lượng cao

Cây dâu được chăm sóc tốt nên cho sản lượng cao

Bà Trần Thị Liên ở thôn Trúc Đình, xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết, gần 2 tháng sau khi lũ rút, những hộ dân bị thiệt hại đã được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, cải tạo đất để hồi sinh những ruộng dâu. Theo bà Liên, sau khi cây dâu hồi sinh trở lại, với 1,5 mẫu dâu tằm, mỗi năm gia đình bà thu được từ 600 - 700kg kén, mang lại nguồn thu hơn 120 triệu đồng.

“Con tằm đầu tiên người dân nuôi bằng né tre, sau khi có chương trình mới chuyển sang nuôi bằng né gỗ nên kén thu được trắng hơn, thương lái cũng thích mua hơn. Nhà nuôi tăm được dựng bằng cột bê tông, bên trên là 1 lượt cọ, 1 lượt tấm fibro xi măng và 1 lượt xốp để giảm nhiệt giúp tằm sinh trưởng tốt”, bà Liên cho hay.

Sau hơn 20 năm bén rễ trên đồng đất Trấn Yên, đến nay, vùng dâu tằm đã mở rộng hơn 1.000ha ở nhiều xã dọc hai bên sông Hồng như: Tân Đồng, Báo Đáp, Thành Thịnh, Y Can, Quy Mông, Minh Quân. Một số xã vùng cao như Hưng Khánh, Hồng Ca, Lương Thịnh cũng tập trung mở rộng diện tích trên đất vườn tạp và đất bờ bãi ven suối. Những cánh đồng dâu không chỉ mang lại màu xanh cho vùng đất này, mà còn giúp cải thiện đời sống của gần 2.000 hộ dân gắn bó với nghề dâu tằm.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên từ chỗ manh mún, giờ đây đã cơ bản hoàn thiện quy trình sản xuất tiên tiến. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng đồng bộ, giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư, giảm công lao động, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm.

Người dân Trấn Yên chú trọng phòng bệnh, áp dụng nhiều kĩ thuật tiến bộ vào việc nuôi để đàn tằm phát triển tốt

Người dân Trấn Yên chú trọng phòng bệnh, áp dụng nhiều kĩ thuật tiến bộ vào việc nuôi để đàn tằm phát triển tốt

Trước đây, các hộ dân chủ yếu nuôi tằm trên nong đan bằng tre, nứa, sau đó chuyển sang nuôi tằm dưới nền nhà, do diện tích nuôi nhỏ hẹp, khó chăm sóc, khó dọn vệ sinh nên tằm dễ mắc bệnh. Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong huyện chuyển từ nuôi tằm dưới nền nhà sang áp dụng mô hình nuôi tằm trên giàn khay trượt, vừa tiết kiệm được diện tích làm nhà tằm, hạn chế dịch bệnh, vừa tăng được năng suất, chất lượng kén tằm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê ở xã Thành Thịnh chia sẻ, việc áp dụng nuôi tằm bằng giàn khay trượt cho hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống, giúp giảm được công lao động lại đảm bảo độ thông thoáng, dễ vệ sinh, giảm dịch bệnh, giúp tằm phát triển tốt, tăng năng suất trong cùng một diện tích phòng nuôi. “Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm gấp 3 lần so với cây lúa, cây ngô trong khi bây giờ nuôi tằm cũng không vất vả như ngày xưa...”, bà Hồng nói.

Những năm qua, hàng trăm nhà nuôi tằm con, tằm lớn của người dân đã được Nhà nước hỗ trợ xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh Yên Bái. Đa phần các hộ dân có nhà tằm đảm bảo quy mô, quy cách phù hợp, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật nuôi tằm.

Một số dụng cụ nuôi tằm tiên tiến như giàn khay trượt, né gỗ ô vuông, máy gỡ kén đã được người nuôi tằm trong huyện áp dụng ngày càng phổ biến. Hiện gần 100% hộ dân đã sử dụng né gỗ ô vuông thay thế các loại né tre trước đây, giúp giảm công lao động, giảm tình trạng kén đôi, tăng tỷ lệ kén tốt, kén trắng và bán được giá cao.

Ông Nguyễn Minh Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết, xã Thành Thịnh hiện nay có 285ha dâu, trong đó từ đầu năm 2025 xã đã trồng mới 30,7ha. Để tăng năng suất và chất lượng dâu, xã cũng đưa vào trồng giống dâu mới chuyển từ Lâm Đồng về. “Hiện nay diện tích trồng dâu mới phát triển rất tốt, như được người dân tận tình chăm sóc, cải tạo. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân cải tạo đất, tăng diện tích trồng dâu...”, ông Thanh cho hay.

Từ khi bà con sử dụng né gỗ, chất lượng kén tằm đã nâng cao hơn hẳn so với trước

Từ khi bà con sử dụng né gỗ, chất lượng kén tằm đã nâng cao hơn hẳn so với trước

Huyện Trấn Yên hiện đã hình thành 12 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất - thu mua - chế biến do các HTX đứng ra làm cầu nối cung ứng cây giống, vật tư, tằm giống cho nông dân, sau đó thu mua kén bán cho doanh nghiệp chế biến. Đặc biệt, nhờ có nhà máy chế biến kén tằm quy mô lớn đặt tại địa phương, người dân luôn yên tâm phát triển, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu.

Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Dâu tằm tơ Yên Bái cho biết, DN đã hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật, giới thiệu các nguồn cung ứng cây giống, con giống, vật tư, phân bón... Dựa vào sự phát triển của vùng nguyên liệu, DN sẽ mở rộng sản xuất từ ươm tơ đến tạo ra sản phẩm dệt, may mặc...

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình trồng dâu, nuôi tằm, huyện Trấn Yên đang chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng lá dâu và kén tằm. Từ đây, nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ phát huy hiệu quả cao nhất, đời sống của người dân sẽ ngày một được nâng cao.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dau-tam-tuoi-xanh-tren-dat-lu-tran-yen-post1194304.vov