Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.
Đầu tư cho an sinh và hạ tầng
Theo Quyết định số 353 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (gọi là xã nghèo) giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên Huế có 1 huyện nghèo là A Lưới và 7 xã nghèo. 7 xã nghèo thuộc 3 huyện, gồm: Phong Chương, Điền Hương (huyện Phong Điền); Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Giang Hải (huyện Phú Lộc); Phú Gia, Phú Diên (huyện Phú Vang). Để đưa các địa phương nghèo này thoát khỏi danh sách nghèo đặc biệt, các cấp, các ngành và chính quyền sở tại đã có những giải pháp mang tính lâu dài và đồng bộ để phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Cách mà các địa phương đang làm là thay đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Chú trọng tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thời gian qua, các xã, thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã có nhiều chuyển biến nhờ thụ hưởng các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở...
Ngoài hỗ trợ về an sinh, chương trình còn đặc biệt tập trung thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo, xã nghèo. Nhờ đó, huyện nghèo A Lưới và 7 xã nghèo của huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang thời gian qua đã có hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, cầu, trường học, chợ, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng.
Tại huyện A Lưới, trong năm 2023 được đầu tư 63 công trình, trong đó gồm: 2 công trình giao thông, 1 công trình thủy lợi, 60 công trình duy tu bảo dưỡng. Hiện nay, có 2 công trình giao thông liên xã A Ngo - Sơn Thủy - Quảng Nhâm và thị trấn A Lưới - Quảng Nhâm là huyết mạch giao thông quan trọng cũng đang được đầu tư xây dựng. Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được đầu tư 42 công trình, trong đó: 14 công trình giao thông, 7 công trình thủy lợi, 1 công trình cầu, 1 công trình chợ, 3 công trình trường học, 2 công trình văn hóa, vui chơi giải trí và 14 công trình duy tu bão dưỡng.
Giao chỉ tiêu, gắn trách nhiệm cụ thể
Với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo địa chỉ, đúng thực tế, nên an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm liên tục qua các năm. Theo phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo cho các huyện, thị xã và TP. Huế, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh năm 2023 giảm còn 3,17% và theo Kế hoạch số 63 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh, chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn 2,79%. Qua kết quả rà soát cuối năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 7.540 hộ, đạt tỷ lệ 2,27%. Như vậy, tỷ lệ giảm nghèo năm 2023 là 1,29%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Riêng tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 4% trở lên. Đến nay, còn 11 xã (ở A Lưới) có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy vượt chỉ tiêu giao, song kết quả giảm nghèo còn những hạn chế, như tái nghèo, hộ nghèo phát sinh; khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư còn khá lớn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều xã vẫn còn rất cao, có địa phương trên 35%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 21% tổng số hộ nghèo của tỉnh.
Mục tiêu đặt ra của tỉnh là cuối năm 2024 phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn 1,76%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3%, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 4% trở lên. Muốn đạt được thành tựu giảm nghèo này, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với từng hộ gia đình thuộc đối tượng giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tiễn để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, thực hiện sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy viên phụ trách ngành, địa bàn theo dõi, chỉ đạo. Những người được phân công theo dõi các địa bàn huyện, thị xã, thành phố, nhất là địa bàn có các xã, thôn đặc biệt khó khăn phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện. Lấy mức độ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm làm tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.