Đầu tư cho văn hóa cần 'ra tấm ra món'

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu - (Ảnh: Duy Linh).

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu - (Ảnh: Duy Linh).

Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) đại biểu Quốc hội còn lo ngại về sự dàn trải và gợi ý nên chăng khuôn lại một số mục tiêu trọng tâm để đầu tư “món nào ra món đó”.

Ngày 8/6, Chương trình được thảo luận ghép với ba nội dung khác trong thời gian chưa đầy 1 buổi nên khá ít ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, băn khoăn thì nhiều.

Theo tờ trình của Chính phủ Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 256.250 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2025- 2030 dự kiến 122.250 tỷ đồng. Cụ thể vốn ngân sách trung ương khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 27.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4 %), giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) băn khoăn đây là chương trình đầu tư công, quá nhiều nội dung được đưa ra liệu có dẫn đến sự dàn trải, manh mún và khó thực hiện hay không?.

Cần xác định trọng tâm trọng điểm vào những vấn đề gì cần tập trung tháo gỡ, đại biểu Lam góp ý.

Kinh phí dự kiến là 256.250 tỷ đồng, theo đại biểu Lam là khá cao so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác (chỉ trên dưới 100 ngàn tỷ).

Nữ đại biểu đề nghị làm rõ thêm căn cứ, khả năng bố trí vốn, giải ngân số tiền này. “Băn khoăn nhất là vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%), trong khi điều kiện địa phương mỗi nơi mỗi khác liệu có thực hiện được không, nên chăng xác định ít mục tiêu lại mà món nào ra món đó”, bà Lam góp ý.

Đại biểu Phan Văn Mãi (TP.HCM) cho rằng cần khuôn lại mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và hành động chi tiết.

“Cách tiếp cận ở đây hơi ngược, nguồn lực để phát triển văn hóa phải là nguồn lực xã hội. Chương trình dự kiến nguồn lực ngân sách trung ương là 70%, ngân sách địa phương khoảng 30%, phát huy nguồn lực ngoài ngân sách là rất ít khoảng 15%, đáng lẽ nguồn lực xã hội phải là 70% và nguồn lực ngân sách là 30% và trong đó ngân sách địa phương là 70% và ngân sách trung ương 30%”, ônh Mãi nhận xét.

Để huy động được nguồn lực này, theo đại biểu Mãi, cần thêm các cơ chế, chính sách, làm sao để cho các đơn vị sự nghiệp công, các doanh nghiệp trên lĩnh vực văn hóa, kể cả là của Nhà nước và của tư nhân tham gia vào.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho biết là “không đồng ý với cách xây một chương trình mục tiêu quốc gia theo kiểu này, loay hoay lấy vốn ngân sách, cộng thêm vốn xã hội hóa, cố gắng lượng giá ra bao nhiêu phần trăm chuyện này, chuyện nọ, chuyện kia”.

Theo bà Lan, tất cả những liệt kê trong Chương trình là nhiệm vụ của ngành văn hóa, “vậy từ trước tới giờ không có chương trình mục tiêu quốc gia này các đồng chí làm gì?”.

“Tôi nói thật, chúng ta đừng quan niệm văn hóa là những điều chúng ta có thể liệt kê ra với số lượng bao nhiêu event, bao nhiêu tượng đài, bao nhiêu chương trình, bao nhiêu phim , thậm chí còn 80% cán bộ được nâng cấp về kiến thức, chắc là đi làm tiến sĩ về bộ môn này. Tất cả những điều đó không phải là những cốt lõi của văn hóa”, nữ đại biểu thắng thắn.

Tranh luận lại, đại biểu Trần Hoàng Ngân(TP.HCM) nói đầu tư cho Chương trình là cẩn thiết.

Liên quan đến vốn, ông Ngân nói ông quan tâm đến phương thức phân bổ 77.000 tỷ vốn ngân sách Trung ương, cụ thể là sẽ phân bổ cho đối tượng nào, cho địa phương nào, cho chương trình nào. Nếu không sẽ dẫn đến sự trùng lắp vì đây không phải là một chương trình giống như từng triển khai hay là xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ việc làm…mà đây là chương trình mang tính chất phát triển văn hóa.

Theo đại biểu Ngân thì cần phải đầu tư đúng để phát huy được truyền thống lịch sử, đầu tư đúng nơi có khả năng bảo tồn các di tích, phát triển các di tích văn hóa và phát triển văn hóa để trở thành một ngành công nghiệp sức mạnh mềm và góp phần vào phát triển kinh tế.

“Phân bổ vốn đầu tư phải hết sức lưu ý đến điểm đó. Trong việc huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa thì phải chú ý nhiều hơn đến nguồn lực xã hội, nguồn lực ngoài ngân sách”, ông Ngân lưu ý.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-cho-van-hoa-can-ra-tam-ra-mon-d217184.html