Đầu tư cho văn hóa chưa ngang tầm với sứ mệnh soi đường cho quốc dân đi - Bài 1: Đầu tư cho nền tảng tinh thần của xã hội

LTS: Hôm nay (ngày 9-6), Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước' tròn 10 năm triển khai thực hiện. Một trong các giải pháp then chốt Nghị quyết đề ra, đó là: Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; với yêu cầu cụ thể 'mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế'. Giải pháp đúng đắn này đi vào cuộc sống đến đâu? Có gì khó khăn cần tháo gỡ? Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, sắc sảo của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân nhằm giải đáp những câu hỏi không dễ trả lời.

Đầu tư cho văn hóa đang được ưu tiên đẩy mạnh với hy vọng tạo sức bật cho ngành văn hóa, song quá trình triển khai vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập. Theo Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để đầu tư cho văn hóa đúng và trúng, cần sớm giải quyết các vấn đề cơ bản: Xác định mục đích và mục tiêu; kiến tạo thể chế, chính sách; nâng tầm đóng góp của các nguồn lực xã hội...

Qua thời “cắt giảm đầu tiên, đầu tư sau cùng”

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết vì sao đầu tư cho văn hóa được Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định là giải pháp trọng tâm?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở... Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Tiếp nối tư tưởng của Người, Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế-xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhiều nơi chưa cụ thể quan điểm đúng đắn của Đảng, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn. Đây là lý do Nghị quyết số 33-NQ/TW đề ra giải pháp tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

PV: Ông đánh giá thực trạng đầu tư cho văn hóa trong những năm gần đây có những điểm gì đáng chú ý?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Ngày 24-11-2021 diễn ra sự kiện cực kỳ quan trọng đối với lĩnh vực văn hóa và đất nước, đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đặc biệt, bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành cơ sở chính trị và truyền cảm hứng để các ban, bộ, ngành, địa phương đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho văn hóa.

Trước đây, khi nói đến văn hóa là nghĩ đến lĩnh vực chỉ biết “tiêu tiền” hoặc gắn với suy nghĩ “cắt giảm đầu tiên, đầu tư sau cùng”. Tình hình đã khác khi lãnh đạo các địa phương nhìn nhận quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là mối quan hệ cộng sinh. Phát triển văn hóa nhằm tạo sức mạnh nội sinh, môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế; đồng thời kinh tế phát triển lại là điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Ngoài ra, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn góp phần tăng trưởng kinh tế. Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An... đã tăng mức đầu tư cho văn hóa cao hơn mức chung của cả nước là 2% tổng chi ngân sách địa phương.

PV: Đầu tư cho văn hóa là cần thiết nhưng tại sao một bộ phận dư luận xã hội lại không đồng tình với con số 350 nghìn tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp các nhu cầu của địa phương, để xây dựng Chương trình. Các địa phương dựa trên nhu cầu, tập hợp số liệu tạo thành con số sơ bộ lên tới 350 nghìn tỷ đồng đầu tư cho văn hóa trong 10 năm.

Cần phải hiểu đây là chương trình đầu tư công của quốc gia về văn hóa trong giai đoạn cụ thể gắn với Luật Đầu tư công, có mục tiêu ưu tiên. Có nghĩa là không phải tất cả nhu cầu đều có thể thực hiện bởi nhu cầu lớn mà nguồn lực có hạn. Chẳng hạn, nước ta có hàng chục nghìn di tích, mỗi di tích đầu tư có thể lên tới chục tỷ đồng, nhẩm tính số tiền sẽ rất lớn. Vì vậy, phải chọn lọc di tích nào thực sự cần thiết mới đầu tư tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị. Do công tác truyền thông chưa rõ ràng về bản chất Chương trình, làm bùng lên những nghi ngờ của một bộ phận dư luận về con số 350 nghìn tỷ đồng.

 Đoàn diễu hành tham gia Chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội lần thứ nhất - năm 2023”. Ảnh: THANH TÙNG

Đoàn diễu hành tham gia Chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội lần thứ nhất - năm 2023”. Ảnh: THANH TÙNG

Hiện nay, Chương trình vẫn đang xây dựng và chưa có con số dự toán cuối cùng, nhưng chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều so với con số ban đầu. Ngành văn hóa sẽ phải xác định giai đoạn này cần ưu tiên đầu tư cái gì, bởi lẽ có nhiều dự án, công việc triển khai 10 năm chưa chắc đã xong.

“Bầu sữa” ngân sách không phải là vô tận!

PV: Với xu thế hiện nay, đầu tư cho văn hóa sẽ được đẩy mạnh. Song có tiền còn phải biết cách tiêu, ông có khuyến nghị gì với các địa phương về vấn đề này?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Việc đầu tư cho văn hóa phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Kinh nghiệm được đúc rút đó là chính quyền nên đầu tư cho các hoạt động văn hóa có sự lan tỏa, tác động xã hội, sẽ trở thành “vốn mồi”, định hướng thu hút đầu tư các thành phần khác trong xã hội. Ở nước ngoài, nhà nước tổ chức các sự kiện văn hóa có sức ảnh hưởng, sau đó ở các sự kiện lần tiếp theo sẽ được duy trì tổ chức bởi các hiệp hội, công ty tổ chức sự kiện hay bất kỳ cơ quan nào đó được giao nhiệm vụ.

Trước đây, chúng ta đã triển khai một số chương trình đầu tư cho văn hóa nhưng không hiệu quả. Nếu tái diễn sẽ dẫn đến con mắt e ngại của các lãnh đạo. Từ đó lại dễ rơi vào vòng luẩn quẩn, không chứng minh được hiệu quả, dẫn đến ngân sách đầu tư giảm, khi kinh phí ít rất khó triển khai công việc. Tóm lại, ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng những người trong ngành văn hóa không nên ỷ lại, bấu víu vào “bầu sữa”, cần phải chắt chiu sử dụng hiệu quả, không nên nghĩ nguồn lực đó là vô tận.

Lễ hội đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) thu hút đông đảo du khách. Ảnh: THANH TÙNG

Lễ hội đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) thu hút đông đảo du khách. Ảnh: THANH TÙNG

PV: Chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho văn hóa đã có từ lâu, nhưng vì sao chưa khuyến khích được nguồn vốn này, thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trong kinh tế thị trường hiện nay, sản phẩm, dịch vụ văn hóa do tư nhân tham gia đầu tư khá phát triển, đặc biệt ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh... Tất nhiên, bản chất tư nhân chạy theo lợi nhuận, sản phẩm nào dễ tạo ra lợi nhuận thì họ mới quan tâm. Về nhận thức, nhiều người quan niệm đầu tư cho văn hóa ít mang lại lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp vẫn xem đầu tư cho văn hóa là mạo hiểm so với xây dựng tòa nhà, siêu thị hay lĩnh vực khác.

Chúng ta có sự lúng túng nhất định khi chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa; trông đợi rất nhiều ở thị trường tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa. Đó là chưa kể chúng ta chưa thiết kế thể chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút nguồn lực xã hội hóa.

PV: Như vậy, theo ông, sắp tới chúng ta phải đẩy mạnh hoàn thiện về thể chế, sửa một số luật không còn phù hợp nhằm tạo cơ chế thuận lợi để tư nhân, cộng đồng cùng tham gia đầu tư cho văn hóa?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Thay đổi thể chế chính sách là bước đầu “cởi trói” và tháo điểm nghẽn cho đầu tư văn hóa. Các luật liên quan đến văn hóa mới chỉ dừng ở tuyên ngôn chính sách là chính, chưa quy định được chính sách ưu đãi cho đầu tư văn hóa, nhất là huy động nguồn lực xã hội hóa. Câu chuyện ưu đãi như thế nào lại nằm ở các luật chuyên ngành, đất đai, thuế, tài sản công, đầu tư... Việc lĩnh vực văn hóa không nằm trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một thiếu sót lớn. Khuyến khích tư nhân đầu tư cho văn hóa không thể hô hào suông, ghi nhận rồi để đó. Khi chúng ta huy động được tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước, tư nhân và cộng đồng thì văn hóa mới thực sự phát triển.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

“Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa” (Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021).

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/dau-tu-cho-van-hoa-chua-ngang-tam-voi-su-menh-soi-duong-cho-quoc-dan-di-bai-1-dau-tu-cho-nen-tang-tinh-than-cua-xa-hoi-780292