Đầu tư công tăng tốc, Xi măng SCG báo lãi đột biến
Mảng kinh doanh xi măng của Tập đoàn SCG tại Việt Nam tăng trưởng khả quan nhờ làn sóng giải ngân đầu tư công cũng như chiến lược mở rộng dòng xi măng carbon thấp.
Mảng kinh doanh xi măng và giải pháp xanh của Tập đoàn Xi măng Siam (SCG, Thái Lan), khởi đầu năm 2025 thuận lợi với mức lợi nhuận lên đến hơn 1,4 tỷ baht, tương đương với gần 43,3 triệu USD, tăng trưởng hơn 500% so với quý IV/2024 và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận này diễn ra trong bối cảnh giá và nhu cầu xi măng được cải thiện ở nhiều thị trường, bao gồm Thái Lan và Việt Nam.
Phía SCG cho biết, tại thị trường Việt Nam, nhu cầu xi măng tăng khoảng 10% trong quý đầu năm, đánh dấu quý tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Thị trường xi măng tăng trưởng với lực đẩy từ tăng giải ngân đầu tư công của Chính phủ, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.
Mức tăng trưởng cao về nhu cầu xi măng ngay từ đầu năm cũng là tín hiệu rất tích cực bởi thông thường, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng dần về giai đoạn cuối năm.
Đặc biệt, SCG cho bíet thị trường Việt Nam đang ủng hộ các sản phẩm xi măng bảo vệ môi trường (low carbon) - dòng sản phẩm được SCG tập trung triển khai giai đoạn vừa qua.
Dòng sản phẩm cao cấp này đã đạt chứng nhận Tuyên bố sản phẩm môi trường (EPD – Environmental Product Declaration), chứng nhận sản phẩm thân thiện môi trường loại III tương đương tiêu chuẩn quốc tế ISO 14025, nhờ đáp ứng các tiêu chí bền vững trong quá trình sản xuất.
SCG ước tính, tập đoàn có thể tăng cường xuất khẩu loại xi măng mới này vào thị trường Việt Nam với sản lượng có thể đạt khoảng 300.000 tấn trong năm 2025. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng mở rộng địa bàn sang thị trường xi măng phía Nam.
Cuối năm ngoái, SCG đã tăng công suất máy nghiền tại nhà máy xi măng của mình để mở rộng sản xuất xi măng ít carbon. Doanh nghiệp cho biết sản phẩm này đang có nhu cầu cao ở miền Nam Việt Nam, tạo ra những cơ hội sinh lời mới. Sản phẩm xi măng nổi bật của SCG tại Việt Nam là Adamax.

Sán phẩm xi măng low carbon của SCG.
Các sản phẩm xi măng thân thiện môi trường của SCG còn phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, yêu cầu nhiều chứng chỉ chất lượng cao như Mỹ, Canada và Australia.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nhu cầu xi măng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng, dự kiến đạt đỉnh vào năm 2031. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp vẫn còn một chu kỳ thuận lợi tương đối dài.
Gần đây, hoạt động xuất khẩu xi măng từ Việt Nam sang Mỹ của SCG cũng tăng tốc do các nhà nhập khẩu tăng cường mua hàng trong giai đoạn thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump được tạm hoãn.
Tập đoàn SCG đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992, mở đầu từ lĩnh vực kinh doanh thương mại, sau đó dần đa dạng hóa danh mục đầu tư nhưng vẫn tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi, bao gồm vật liệu xây dựng – xi măng, bao bì và hóa dầu.
SCG chính thức sản xuất xi măng tại Việt Năm vào năm 2012 với việc mua lại 99% Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Bửu Long và đưa vào vận hành nhà máy của công ty này tại Đồng Nai.
Tiếp đó, SCG không ngừng tăng tốc mở rộng hệ sinh thái sản xuất xi măng nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung thông qua thâu tóm nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Xi măng Sông Gianh, Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam.
Song song với việc mở rộng thị phần xi măng tại Việt Nam, SCG cũng hướng đến phát triển dòng sản phẩm xi măng carbon thấp nhằm đón đầu xu thế cắt giảm phát thải khí nhà kính.
SCG cho biết, các cơ sở sản xuất xi măng carbon thấp ở khu vực miền Nam Việt Nam có công suất xuất khẩu lên đến 6 – 8 nghìn tấn mỗi ngày và đang xâm nhập vào những thị trường ngách có biên lợi nhuận cao.
Doanh nghiệp đến từ Thái Lan này đặt mục tiêu sẽ cán mốc 300 nghìn tấn xi măng carbon thấp được bán ra và xuất khẩu tại Việt Nam trong năm 2025.
Thực tế, yếu tố bền vững cũng là nguyên nhân đóng góp vào mức lợi nhuận đột biến của SCG trong mảng xi măng quý I/2025, thông qua sử dụng 44% nhiên liệu thay thế giúp tiết kiệm chi phí tại các cơ sở sản xuất ở Thái Lan và mở rộng mảng xi măng carbon thấp tại Việt Nam.