Đề xuất cơ chế đặc biệt với vị trí được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Theo đại biểu Quốc hội, nếu các cơ chế, chính sách đặc biệt được luật hóa vào dự thảo Luật sẽ tạo thành hành lang pháp lý thống nhất việc lựa chọn đầu tư xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân trong tương lai

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), sáng 15/5, đại biểu Quốc hội Chamalea Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) đề xuất cần nghiên cứu đưa vào dự thảo luật các quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan đến vị trí xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân.

Có cơ chế hấp dẫn thu hút nhân lực chất lượng cao

Ninh Thuận là địa phương đầu tiên cả nước được lựa chọn xây dựng 2 Nhà máy Điện hạt nhân trong thời gian tới. Theo đại biểu Chamalea Thị Thủy, để tạo cơ chế đặc biệt Ninh Thuận, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 189/2025/QH15 ngày 19/02/2025 quy định về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nữ đại biểu cho rằng trong thời gian tới, có thể sẽ có nhiều Nhà máy Điện hạt nhân khác được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước nên các địa phương khác cũng có thể được lựa chọn. Nếu các cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân được luật hóa vào dự thảo Luật lần này, sẽ tạo thành hành lang pháp lý thống nhất, đảm bảo thực hiện chung cho các địa phương được lựa chọn đầu tư xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân trong tương lai.

Để phát triển điện hạt nhân, việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử rất cần thiết. Đại biểu Chamalea Thị Thủy cho rằng, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã thể hiện chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quy định về Phát triển nguồn nhân lực.

Dẫn quy định: “Người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước được hưởng phụ cấp đặc thù. Người tham gia, thực hiện phát triển điện hạt nhân thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được hưởng phụ cấp lương,” song nữ đại biểu đoàn Ninh Thuận cho rằng cần thêm các cơ chế để thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

 Đại biểu Chamalea Thị Thủy kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân được luật hóa vào dự thảo Luật lần này. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Chamalea Thị Thủy kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân được luật hóa vào dự thảo Luật lần này. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể hơn, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định chính sách về phát triển nguồn nhân lực tại Luật này phải áp dụng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tương đồng, phù hợp với nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định tại Điều 4 dự thảo Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (sửa đổi) đang trình tại kỳ họp này.

“Việc đề ra chính sách chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vào trong Luật này sẽ là cơ sở pháp lý, kim chỉ nam cho việc hoạch định, xây dựng các chính sách đãi ngộ có liên quan trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hiệu quả hơn để phát triển năng lượng nguyên tử,” đại biểu Chamalea Thị Thủy nêu kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh đến việc xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Điều 13), theo đại biểu đây là vấn đề rất quan trọng, trong đó có những tổ chức cần có điều kiện cần thiết phải quan tâm, vì đây là những tổ chức cho phép thành lập, ví dụ như cơ sở bức xạ, cơ sở chế biến chất phóng xạ, xây lò phản ứng hạt nhân...

"Quy định về đảm bảo an toàn, an ninh cho nhà máy hạt nhân, cơ sở hạt nhân phải chặt chẽ, từ thiết kế xây dựng, phải có thẩm định," đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu ý kiến.

Còn theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), nhà nước cần ưu tiên phát triển theo lộ trình từ thấp đến cao về mức độ phức tạp, công nghệ và mức độ rủi ro gồm: lĩnh vực y tế, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chẩn đoán hình ảnh xạ trị ung thư, kiểm tra chất lượng thuốc phóng xạ là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân đang có nhu cầu rất lớn và dễ tiếp cận công nghệ.

Mặt khác, dự thảo Luật đang thiếu nội dung trách nhiệm liên quan đến trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ quản lý cố ý không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật về sự cố phóng xạ hạt nhân. Do đó cần bổ sung nghiêm cấm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo nhưng cố ý không thực hiện báo cáo liên quan đến sự cố phóng xạ hạt nhân.

“Kinh nghiệm quốc tế các vụ tai nạn nghiêm trọng như: Chernobyl, Fukushima cho thấy hệ quả nặng nề khi thông tin về sự cố bị che dấu, chậm công bố hoặc sai lệch,” ông Bình dẫn chứng và cho hay, chế tài đối với hành vi che dấu sự thật và báo cáo sai sự cố không chỉ là nhu cầu trong quản lý mà còn là nhu cầu đạo đức, trách nhiệm công vụ, góp phần mang tính răn đe và nâng cao minh bạch.

Thiết kế chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân

Tại khoản 5 Điều 7 dự thảo luật có quy định Chính phủ quy định về cơ quan quản lý quốc gia về an toàn bức xạ và hạt nhân. Với nội dung này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho biết theo các tiêu chuẩn về an toàn của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan pháp quy hạt nhân phải là một cơ quan độc lập và chịu trách nhiệm chính về an toàn hạt nhân. Vai trò chính của cơ quan này là thiết lập và thực thi các quy định về an toàn, cấp phép cho các hoạt động hạt nhân và giám sát việc tuân thủ để bảo vệ con người, môi trường khỏi các tác hại của bức xạ, ion hóa và các sự cố hạt nhân.

Vì lý do đó, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân cần có một vị trí xứng đáng và được quy định trong luật. Trong trường hợp giao Chính phủ quy định, đại biểu kiến nghị cần phải đảm bảo cơ quan này được hoạt động một cách khách quan dựa trên nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân là tối thượng.

Cùng ý kiến này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Thành phố Cần Thơ) cho rằng, tại Điều 36 về việc vận hành thử nhà máy điện hạt nhân chưa quy định rõ cơ chế giám sát độc lập của cơ quan pháp quy hạt nhân trong quá trình xử lý vận hành thử. Tuy nhiên, giai đoạn vận hành thử vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do lần đầu tiên vận hành hệ thống, việc giám sát độc lập, chặt chẽ là cần thiết để bảo vệ an toàn cộng đồng và môi trường.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cơ quan pháp y hạt nhân, pháp quy hạt nhân có trách nhiệm giám sát trực tiếp, liên tục quá trình vận hành thử và được yêu cầu dừng thử nghiệm nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn," đại biểu đề xuất.

Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, dự thảo luật cho phép sử dụng các biện pháp đặc biệt để triển khai nhanh, như áp dụng cơ chế đặc biệt trong chỉ định thầu; sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán và dự án có các khoản chi cho thẩm định và đào tạo; một số ưu đãi đặc thù khác của Nghị quyết 198 sẽ được thể hiện ở các văn bản pháp luật khác.

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ông Hùng cho biết quản lý an toàn bức xạ hạt nhân toàn bộ vòng đời qua nhiều giai đoạn của nhà máy hạt nhân, từ khâu chọn vị trí, nghiên cứu khả thi đến các giai đoạn sau cùng là đóng cửa, sau đóng cửa nhà máy điện hạt nhân… Các giai đoạn đều có thẩm định về an toàn bức xạ hạt nhân, đủ điều kiện để làm tiếp các công đoạn sau, như: đủ điều kiện để tiến hành xây dựng, đủ điều kiện để vận hành thử và vận hành chính thức, đây là cách tiếp cận toàn diện theo chuẩn quốc tế và cần thiết.

"Tiếp thu ý kiến các đại biểu, dự thảo luật đã thiết kế thành một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố; xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Dự thảo luật đáp ứng khung pháp lý quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bao gồm: phát triển ứng dụng, đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh; nguyên tắc đảm bảo an toàn, an ninh đã được đặt ở mức ưu tiên rất cao trong dự thảo luật, được thể hiện xuyên suốt trong từng đối tượng quản lý, từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu…

Đặc biệt, dự thảo luật có một chương riêng về bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân và cũng có một chương riêng về xử lý chất thải phóng xạ và giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về bổ sung nguyên tắc, về sự tham gia và giám sát của cộng đồng. Thêm vào đó việc quy định một chương riêng về thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để đảm bảo các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới mà sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận,” Bộ trưởng thông tin thêm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/de-xuat-co-che-dac-biet-voi-vi-tri-duoc-chon-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-post1038620.vnp