Đầu tư năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á đang đi lệch hướng, xếp hạng gần cuối thế giới
Trong bối cảnh nguồn nhu cầu về năng lượng sẽ tăng 40% trong thập kỷ này mà Đông Nam Á vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng điện than thì mục tiêu đạt phát thải ròng vào năm 2050 sẽ còn rất xa xôi.
Trong khi toàn cầu đang hướng tới mục tiêu giảm lượng khí phát thải carbon thì Đông Nam Á lại đang đi chệch hướng trên con đường đầu tư xanh. Công ty tư vấn Bain & Company cho biết, lượng khí thải carbon tại khu vực vẫn gia tăng đáng kể trong thập kỷ này. Đông Nam Á vẫn bị phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, mà điều này không hề có lợi cho bầu khí quyển và Trái đất.
Tại các quốc gia Đông Nam Á, năng lượng sạch chỉ chiếm 10% tổng sản lượng cung cấp. Thêm vào đó, nhiên liệu hóa thạch cũng được ưu tiên trợ cấp cao hơn khoảng 5 lần so với năng lượng sạch. Hiện nay, đầu tư vào năng lượng tái tạo ở khu vực đang gặp phải những khó khăn, thách thức như vốn đầu tư ban đầu cao, quy định lưới điện, thuế không đảm bảo. Những nhược điểm này đã khiến cho việc cấp vốn vào các dự án năng lượng tái tạo gặp khó khăn hơn.
Báo cáo cũng cho biết thêm, 60% các nhà máy nhiệt điện than ở Đông Nam Á vẫn mới trong quá trình hoạt động, nên vẫn bị ràng buộc bởi các thỏa thuận mua bán dài hạn và cam kết hoàn vốn đầu tư. Vì thế, việc đóng cửa các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch cũng trở nên khó khăn. Ông Tim Gould, Giám đốc Kinh tế Năng lượng tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA) cho biết, trên thế giới hiện nay có hơn 1 nghìn tỷ USD vốn chưa thu hồi được trong các nhà máy than mới hoạt động. Chủ yếu những nhà máy này đều tập trung ở châu Á.
Năm 2023, thị trường đầu tư xanh ở Đông Nam Á đã tăng 20%, nhưng con số này vẫn còn thấp so với mục tiêu 1,5 nghìn tử USD cần đạt được trong thập kỷ này. Nếu 10 quốc gia Đông Nam Á vẫn cứ tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại, lượng khí thải trong khu vực sẽ vượt quá 32% đến năm 2030. Kimberly Tan, Giám đốc điều hành của tổ chức đầu tư khử carbon GenZero, các quốc gia, doanh nghiệp Đông Nam Á bắt buộc phải nỗ lực khắc phục tình trạng này. Tính đến thời điểm tháng 4, Đông Nam Á là khu vực kém thứ hai trong mảng đầu tư năng lượng tái tạo, tức là chỉ sau châu Phi.
Hiện nay, khu vực Đông Nam Á chỉ có 4 quốc gia đã đạt tiến bộ trong kinh doanh tín chỉ carbon, đó là Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Mặc dù đang trong tình trạng chệch hướng nhưng vẫn còn rất sớm trong hành trình khử carbon.