Đầu tư phát huy hết tiềm năng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa liên tiếp lập kỷ lục đón siêu tàu, khẳng định vị thế cụm cảng nước sâu hàng đầu của Việt Nam và quốc tế. Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục đầu tư để cảng phát huy hết thế mạnh của mình.
Một trong 2 cảng hạng I của Việt Nam
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng biển sâu nằm ở cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), được Trung ương đầu tư phát triển thành cảng nước sâu chiến lược của Việt Nam từ năm 1992.
Đến nay, cụm cảng có tổng chiều dài bến hơn 14km, tổng công suất hơn 140 triệu tấn hàng hóa/năm, trở thành một trong những cảng cửa ngõ quan trọng của Đông Nam Bộ nói riêng và toàn Nam Bộ nói chung. Đây cũng là một trong 2 cảng hạng I của Việt Nam (cùng với cảng Hải Phòng).
Mới đây nhất, ngày 10-7, cảng Thị Vải đã trở thành cảng đầu tiên của cả nước đón tàu chở gần 700.000 tấn khí LNG về kho chứa ở Thị Vải. Con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp), dung tích chứa khoảng 174.000m3 khí, đã cập cảng an toàn trong suốt quá trình được nhân viên cảng hoa tiêu, lai dắt và hỗ trợ cập bến.
Trước đó, ngày 30-3, cảng Thị Vải - Cái Mép cũng đã đón thành công siêu tàu container lớn nhất thế giới mang tên M/V OOCL Spain của hãng tàu OOCL trên chuyến hành trình đầu tiên kết nối Á-Âu (vừa xuất xưởng ngày 16-2-2023).
Với sức chở lên đến 24.188 TEU. Tàu OOCL Spain có tổng chiều dài 399,99m, rộng 61,3m; mớm nước tàu đến -15,5m, được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới.
Với việc đón được những siêu tàu, cụm cảng này đã rút ngắn thời gian xuất, nhập khẩu hàng hóa cho miền Nam, vì các tàu không phải trung chuyển qua Singapore như trước. Cùng với đó, cụm cảng khẳng định năng lực trong việc tiếp nhận các thế hệ tàu hiện đại nhất thế giới hiện nay, khẳng định vai trò của cụm cảng nước sâu trong đón tài trên các tuyến hàng hải xuyên châu lục.
Đơn cử, cảng nước sâu Gemalink có độ sâu nước trước bến tới -16,5m, là một trong những cảng biển có mớm nước sâu nhất Việt Nam hiện nay. Theo ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch Cảng quốc tế Gemalink, đây cũng là một trong số ít các cảng biển trên thế giới có thể tiếp nhận được các hãng tàu mẹ lớn nhất thế giới có tải trọng container lên đến 250.000 DWT với đầy đủ dịch vụ đạt chuẩn.
Tiếp tục hiện đại hóa
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất đặt mục tiêu phối hợp tập trung mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế cấp đặc biệt của quốc gia.
Các bên cũng phối hợp phát triển ngành cảng biển và hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đỗ Văn Thọ, công suất khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải còn rất lớn. Tỉnh rất kỳ vọng những dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được Chính phủ, địa phương triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành, cầu… sẽ thúc đẩy tăng công suất khai thác hàng hóa của cụm cảng.
“Giữa tháng 6 vừa qua, tỉnh đã khởi công xây dựng cầu Phước An vượt sông Thị Vải. Cầu dài gần 4,4km, tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết nối toàn bộ hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với miền Đông và Tây Nam Bộ qua tỉnh Đồng Nai, rút ngắn gần 30km đường vận chuyển hàng hóa so với trước”, ông Đỗ Văn Thọ thông tin.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, cải tạo mở rộng 30,5km luồng tàu đoạn luồng từ phao số "0" đến cảng CMIT với bề rộng đáy luồng 350m và độ sâu -15,5 m.
Đến năm 2024, dự án sẽ đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 200.000 DWT/18.000 Teu giảm tải qua lại. Đến năm 2025, các tuyến luồng được nạo vét đến độ sâu đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho các tàu container cỡ lớn từ 160.000 DWT đến 200.000 DWT hoạt động đầy tải an toàn.
Đáng chú ý, ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chọn khu vực Cái Mép Hạ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thiết lập mô hình khu thương mại tự do, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng.
Theo đó, Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ hình thành trung tâm sản xuất và dịch vụ logistics hiện đại; các ưu đãi về hải quan, thuế tại khu mậu dịch tự do nhằm bảo đảm thực hiện tất cả dịch vụ thương mại quốc tế, từ đó thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước, dẫn đến tạo động lực phát triển cho các nhà cung ứng địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, địa phương đã bổ sung quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất, xây dựng hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển này.
Trong cuộc họp hôm 27-6 vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ trên tổng diện tích 2.204ha.
Đặc biệt, các bên đang xem xét, quyết định phương án kéo dài bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu ra phía luồng để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, đến 250.000 tấn (24.000 TEU).