Dạy bơi cho trẻ - Đến hè lại… nóng!

Chỉ trong tháng 5, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ đuối nước thương tâm khiến 8 trẻ em tử vong tại các huyện: Hạ Hòa, Cẩm Khê và Lâm Thao. Những vụ việc đau lòng này thường nóng lên trong mỗi dịp hè, gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc trang bị cho trẻ những kỹ năng rất cần thiết và đòi hỏi cấp bách về sự quan tâm, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc dạy bơi cho trẻ.

Lớp dạy bơi cho trẻ em tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy.

Gần đây nhất, chiều 29/5, một vụ đuối nước khiến hai anh em ruột 9 tuổi và 11 tuổi tử vong tại xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê. Cùng địa bàn huyện Cẩm Khê vào ngày 18/5, tại xã Tam Sơn xảy ra vụ đuối nước khiến 2 học sinh lớp 8 tử vong. Vụ đuối nước thương tâm hơn cả vào ngày 25/5 xảy ra ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao khiến 3 anh em ruột tử vong tại một ao cá gần nhà, ba cháu chỉ 9 tuổi, 7 tuổi và 3 tuổi.

Trước đó, ngày 12/5, tại xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa xảy ra vụ đuối nước khiến 2 người tử vong, trong đó có một nạn nhân 16 tuổi. Nguyên nhân của việc trẻ em đuối nước trước hết là do nhận thức, hiểu biết của gia đình và cộng đồng về phòng chống tai nạn đuối nước chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều học sinh không biết bơi, thể lực yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Điều này không chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả vùng thành thị. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức chung của người dân và toàn xã hội về vấn đề này vẫn còn hạn chế và rất chủ quan.

Là địa phương có nhiều cơ sở giáo dục nằm dọc bờ sông Đà nên công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước tại huyện Thanh Thủy được quan tâm rất sát sao. Hàng năm, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến với cha, mẹ học sinh và nhân dân các biện pháp an toàn phòng, chống đuối nước; tổ chức dạy bơi cho học sinh; đồng thời cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về tổ chức dạy bơi cho học sinh. Đến nay, hầu hết giáo viên dạy môn thể dục của huyện đều có chứng chỉ dạy bơi theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế công tác tổ chức dạy bơi của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy cho biết: Việc dạy bơi cho trẻ chưa phải là chương trình bắt buộc, chủ yếu là do các cơ sở giáo dục tuyên truyền, phổ biến và đưa vào nội dung dạy học ngoại khóa, dạy học tự chọn hoặc có sự thỏa thuận với cha, mẹ học sinh. Do đó, số lượng học sinh tham gia học bơi chưa nhiều, chưa phủ rộng ở các cơ sở giáo dục. Hiện toàn huyện mới chỉ có 2/55 cơ sở giáo dục có bể bơi và các công trình phụ trợ đảm bảo điều kiện tối thiểu để tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Việc chuẩn bị các kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em là rất cần thiết.

Tại huyện Hạ Hòa, Phòng GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 103/PGD&DTD-NV về việc thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em huyện Hạ Hòa giai đoạn 2021-2030 và tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè 2022. Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng, từ năm 2021, Trường THCS Xuân Áng đã triển khai thực hiện kế hoạch phổ cập bơi cho hơn 200 học sinh. Dự kiến hè năm 2022 sẽ hoàn thành kế hoạch, trong đó có 15 học sinh sẽ được dạy miễn phí. Còn tại bể bơi của Trường Tiểu học Hương Xạ được Sở GD&ĐT đầu tư đang hoạt động tốt và phát huy hiệu quả. Việc dạy bơi không chỉ ở cho học sinh trong trường mà còn một số trường lân cận. Trong mùa hè năm 2021, trường đã tổ chức dạy bơi cho hơn 40 học sinh.

Ông Phạm Ngọc Diễm – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa chia sẻ: Do phụ thuộc nhiều vào xã hội hóa nên việc triển khai dạy bơi rất khó khăn đối với học sinh các huyện miền núi. Vì vậy, Phòng Giáo dục sẽ xây dựng tổ chức các giải bơi phù hợp với quy mô, điều kiện của địa phương để kích thích phong trào học bơi trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ học bơi thôi là chưa đủ. Các bậc cha mẹ cần cho con học thêm kỹ năng sống bởi nhiều trường hợp trẻ biết bơi nhưng vẫn đuối nước.

Có thể thấy, kết quả của việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ em vẫn còn chưa được quan tâm đầy đủ. Vấn đề còn mắc ở đây là cơ sở vật chất phục vụ dạy bơi cho trẻ còn rất thiếu và yếu tại các huyện bởi số tiền đầu tư lớn. Bên cạnh việc gia đình chủ động cho con đăng ký các lớp dạy bơi cơ bản, các huyện, thành, thị cũng phải đẩy mạnh huy động xã hội hóa để đầu tư, xây dựng cho trẻ em những địa chỉ học tập, rèn luyện kỹ năng sống trong dịp hè, trong đó có môn bơi!

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/day-boi-cho-tre-den-he--nong/184609.htm