Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường

Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới môi trường. Tuy nhiên, để tất cả các doanh nghiệp sản xuất hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thì công tác tuyên truyền rất quan trọng.

Ý thức bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp vẫn còn kém

Sau 37 năm bước vào thời kỳ Đổi mới, các ngành công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là khu vực kinh tế có đóng góp lớn nhất cho Ngân sách Nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức rất cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng “nóng” của các ngành công nghiệp đã tạo áp lực không nhỏ tới môi trường.

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Tài chính cho biết, hiện Việt Nam có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 138 đơn vị gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.

 Công ty TNHH Giầy Kim Việt Việt Nam vừa bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vì xả nước thải vượt quy chuẩn. (Ảnh: VNEC)

Công ty TNHH Giầy Kim Việt Việt Nam vừa bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vì xả nước thải vượt quy chuẩn. (Ảnh: VNEC)

Cũng theo Bộ Tài chính, phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xả thải gây ô nhiễm không khí chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình.

Theo nhận định của giới chuyên gia, hiện nay trong Nghị định 45, Chính phủ đã quy định xử phạt rất nặng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thế nhưng, cho tới nay vẫn ghi nhận các trường hợp doanh nghiệp vi phạm, đa phần là xả các loại chất thải chưa qua xử lý ra môi trường nước và không khí. Đây được coi là các hành động cố tình, đi ngược lại chủ trương bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Cũng vì các hành động cố tình này đã khiến chất lượng không khí tại các đô thị, khu công nghiệp ngày càng suy giảm. Thậm chí, đã có thời điểm tại Hà Nội và TP HCM, chất lượng không khí rơi xuống mức đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, việc xả thải ra sông, hồ, kênh, rạch đã biến những dòng sông trước kia đầy tôm cá, trở thành một dòng sông chết. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối cũng trở thành cơn ác mộng của bất kỳ người dân Việt Nam nào mỗi khi đi qua vùng ô nhiễm.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm môi trường không chỉ tác động tới sức khỏe của người dân, gây ra các bệnh liên quan tới đường hô hấp, mà nó còn gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế. Đối với Việt Nam, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, chiếm từ 5% - 7%.

Đặc biệt, ô nhiễm môi trường còn làm giảm sức hấp dẫn thu hút FDI và làm giảm khả năng cạnh tranh, đứt gãy hoặc gián đoạn sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, ngay từ giai đoạn xây dựng nhà máy, xí nghiệp, họ đã chuẩn bị đầy đủ công nghệ xử lý chất thải sau sản xuất.

“Bởi vì, chính họ hiểu rằng, đầu tư môi trường, không chỉ giúp họ thực hiện đúng các quy định của pháp luật, mà còn ghi điểm trong mắt người tiêu dùng”, ông Quốc Anh nói.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, việc bảo vệ môi trường có phần bị xem nhẹ vì các công nghệ xử lý chất thải “ngốn” khá nhiều kinh phí.

Vì vậy, mới xảy ra các trường hợp sau khi sản xuất, doanh nghiệp không đủ khả năng xử lý chất thải công nghiệp, từ đó dẫn tới hành vi xả trộm trực tiếp ra môi trường, hoặc trà trộn vào chất thải sinh hoạt.

“Không phải là tất cả, nhưng cũng có một số doanh nghiệp vừa và nhỏ lấy lý do không đủ kinh phí để đầu tư các sản phẩm xử lý chất thải, điều này không đúng. Bởi lẽ, trên thị trường hiện nay có rất nhiều giải pháp công nghệ xử lý chất thải, thuộc nhiều phân khúc khác nhau, nên không thể đổ lỗi vốn ít để xả thải ra môi trường”, ông Quốc Anh cho biết.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, chính các doanh nghiệp đang tự đạp đổ chén cơm của mình, khi cố tình xả thải trộm, xả chất thải chưa xử lý ra môi trường. Bởi trong thời đại số hiện nay, bất kỳ hành động gây ra ô nhiễm môi trường đều sẽ bị “bêu tên” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, dẫn đến làn sóng tẩy chay sản phẩm đó.

“Do đó, tôi cho rằng, muốn kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường Việt Nam”, ông Quốc Anh nói.

Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên môi trường cho rằng, bên cạnh các “con sâu làm rầu nồi canh”, thì vẫn còn đó các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào môi trường, thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn, không bỏ phí bất kỳ các loại chất thải nào.

 Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới môi trường. (Ảnh: NCK)

Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới môi trường. (Ảnh: NCK)

Ví dụ, một doanh nghiệp nuôi bò lấy sữa, trước đây chỉ bán sữa và các loại thực phẩm được chế biến từ sữa. Còn lại, tất cả các loại chất thải trong chăn nuôi, doanh nghiệp này “đổ” ra môi trường bừa bãi. Doanh nghiệp này không ít lần bị cơ quan chức năng xử phạt vì hành vi này.

Tuy nhiên, khi tham gia vào kinh tế tuần hoàn, các loại chất thải trong chăn nuôi bò sẽ được thu gom lại để làm phân bón, hoặc làm khí sinh học biogas, thay thế cho các loại khí đốt thiên nhiên. Với các sản phẩm tái chế này, chủ doanh nghiệp có thể bán, thu về lợi nhuận hoặc tái sử dụng để tiết kiệm chí hoạt động.

Tương tự, với trường hợp của nhà máy điện than, trước đây thải hết khí độc ra môi trường, nhưng hiện nay đã có công nghệ thu gom hết khí thải, bụi bẩn trong quá trình sản xuất điện than. Các loại bụi, khí thải sau khi được tái chế sẽ trở thành mực in, làm gạch hoặc được bán cho các doanh nghiệp sản xuất nước uống có gas.

“Chi phí ban đầu để đầu tư vào môi trường, mua sắm các thiết bị, công nghệ tái chế có thể sẽ cao, nhưng hiệu quả mang lại là lâu dài, đảm bảo vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp vừa bảo vệ môi trường, tạo ra hình ảnh đẹp cho người tiêu dùng”, ông Chinh nói.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh rất mừng vì ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới môi trường. Tuy nhiên, để tất cả các doanh nghiệp sản xuất hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thì công tác tuyên truyền rất quan trọng.

Đây chính là trách nhiệm rất quan trọng của Bộ Công Thương, cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó quản lý các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như luyện kim, khai khoáng, năng lượng,....

Trên thực tế, vừa qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường, phổ biến thông tin, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường.

Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, đa dạng hóa các công cụ, phương thức tuyên truyền, vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương... nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, doanh nhân và doanh nghiệp, người dân trong hoạt động ngành Công Thương.

 Công tác tuyên truyền rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức doanh nghiệp. (Ảnh: VC)

Công tác tuyên truyền rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức doanh nghiệp. (Ảnh: VC)

Bộ Công Thương cũng cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng môi trường trong trên địa bàn; thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Công Thương còn thí điểm và nhân rộng các mô hình công nghiệp (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp) xanh và thương mại xanh, gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Bộ cũng tăng cường chỉ đạo, quản lý phát triển cụm công nghiệp, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp; Hỗ trợ, khuyến khích, động viên các chủ đầu tư đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từng giai đoạn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương,...

Ngoài ra, Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy, khu công nghiệp cần xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải và nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, dưới sự giám sát chặt chẽ của đơn vị chuyên trách. Không xây dựng thêm cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/day-manh-cong-tac-tuyen-truyen-nang-cao-y-thuc-cua-doanh-nghiep-trong-viec-bao-ve-moi-truong-post264677.html