Đẩy mạnh giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên

Ngày 8-8, đoàn khảo sát số 1 của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ GD-ĐT.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Cuộc làm việc nhằm khảo sát, nắm tình hình triển khai giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên để phục vụ cho việc xây dựng đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính.

Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở GD-ĐT, từ năm học 2013-2014, bộ đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở GD-ĐT.

Sau 10 năm triển khai, việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo là chủ trương đúng đắn, được xã hội đồng tình và nhận được hưởng ứng tích cực từ phía các cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên.

Giáo dục phòng, chống tham nhũng đã góp phần trang bị cho người học kiến thức cơ bản về phòng, chống tham nhũng, nâng cao ý thức của người học trong thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng; hình thành và phát triển phẩm chất liêm chính, năng lực tự vệ của người học trước thực trạng tham nhũng và thái độ lên án, đấu tranh với tham nhũng.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục thuộc khối THPT đã được tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng và hầu hết học sinh cấp THPT đã được tiếp cận, học tập nội dung này. Đối với các học viện, đại học, trường đại học, trường trung cấp sư phạm, việc giảng dạy phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực và đang từng bước đi vào nề nếp theo hướng giáo dục đạo đức và lối sống liêm chính.

Tại cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn nhấn mạnh sự cấp bách, cần thiết của công tác giáo dục liêm chính trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng, Nhà nước đang trong giai đoạn kiên quyết, mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng.

Cho rằng, ngành giáo dục đã đi trước một bước trong công tác giáo dục liêm chính, đồng chí Võ Văn Dũng gợi mở, thống nhất giáo dục liêm chính là một nội dung trong giáo dục đạo đức và cần được tích hợp hài hòa; Bộ GD-ĐT cần chủ động nghiên cứu để cơ cấu lại chương trình phù hợp với các cấp học, đặc biệt là đại học. Giáo dục liêm chính cần được chú trọng đúng mức hơn, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hóa liêm chính và xây dựng nhân cách tốt đẹp cho thế hệ tương lai của đất nước.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, giáo dục liêm chính không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn hơn thế, bởi đây là giá trị cốt lõi trong giáo dục con người. Giáo dục liêm chính không phải tích hợp hay đưa thêm vào mà là nhiệm vụ tự thân, là mục tiêu lớn, tinh thần lớn của giáo dục. Muốn giáo dục liêm chính cần có nền giáo dục liêm chính.

Trong bối cảnh việc thực hiện giáo dục liêm chính có nhiều thách thức như hiện nay, theo Bộ trưởng, quan trọng nhất của giáo dục liêm chính là giáo dục tích cực, lấy giáo dục tích cực làm dòng chủ đạo. Ngoài ra, cần gia tăng giáo dục pháp luật, thực hiện pháp luật, nghiêm minh của thực thi pháp luật.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục liêm chính; vai trò của nhà giáo trong giáo dục liêm chính; sự cần thiết có giáo trình, môn học, chuyên ngành liêm chính học trong các trường chính trị...

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/day-manh-giao-duc-liem-chinh-cho-hoc-sinh-sinh-vien-post753219.html