Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Học Bác để sống và làm việc tốt hơn
Những năm qua, tại Đồng Nai, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên trong công việc và đời sống xã hội.

Bà Hoàng Kim Phụng (phường An Bình, thành phố Biên Hòa) vẫn say sưa với công việc mỗi ngày. Ảnh: H.Thảo
Đặc biệt là ở cơ sở, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương học Bác rất bình dị, nhưng có sức lan tỏa lớn. Học Bác ở sự tận tâm cống hiến vì công việc chung, họ đã và đang âm thầm, miệt mài làm tốt nhất công việc của mình vì sự phát triển của đơn vị, địa phương.
Hết lòng cống hiến
Dù đã 79 tuổi, bà Hoàng Kim Phụng, Chủ tịch Hội Khuyến học phường An Bình (thành phố Biên Hòa) vẫn say sưa với công việc hàng ngày. Trước đó, bà từng là cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), Bí thư chi bộ khu phố hăng hái, nhiệt tình. Bà Phụng chia sẻ. “Tôi đam mê công tác xã hội lắm, cảm thấy còn sức, còn làm được gì cho địa phương, tôi sẽ tiếp tục làm”.
Trong suốt 24 năm gắn bó với công tác khuyến học, bà Phụng luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động đề xuất các biện pháp thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Bà tích cực tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm… đóng góp ủng hộ hàng tỷ đồng. Nhờ đó, đã có hàng ngàn suất học bổng, sách giáo khoa, tập vở được trao đến học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Các tấm gương: Hoàng Kim Phụng, Trương Thị Ngọc Hạnh, Đoàn Thị Kim Loan, Đỗ Thị Thêu là 4 trong số 47 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác sẽ được tuyên dương tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh tới đây.
Bà Phụng chia sẻ: “Thấy niềm vui của các cháu, cha mẹ các cháu khi được trao những suất học bổng, phần quà là tôi lại thêm động lực để làm. Các con của tôi lo mẹ đã già, sức khỏe yếu nên “bắt” nghỉ làm, nhưng tôi vẫn “bất chấp” để làm vì vẫn muốn được làm việc, được cống hiến”.
Tháng 10-2024, bà Phụng không may bị đột quỵ. Lúc đó, bà bị liệt nửa người nhưng khi điều trị khỏe hơn, bà lại tiếp tục đi làm trở lại. Không thể tự chạy xe như trước, bà nhờ một cán bộ cùng làm việc ở phường ghé chở đến cơ quan mỗi ngày.
Bà Trương Thị Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) có 25 năm gắn bó với công tác Hội phụ nữ tại địa phương, trong đó có 20 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã.
Xã Xuân Phú là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Với vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã, bà đã thành lập được nhiều mô hình hay trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Điển hình như các mô hình: Tổ phụ nữ dân tộc Chơro đa năng; Tổ phụ nữ dân tộc Nùng, Tày chung sức xây dựng nông thôn mới; Tổ truyền thông cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đội nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc; Tổ phụ nữ tôn giáo. Các tổ này đều được bà duy trì sinh hoạt thường xuyên; qua đó góp phần tăng sự gắn kết, đặc biệt là giúp chị em phát huy được những nét đặc trưng trong văn hóa của dân tộc mình.

Bà Trương Thị Ngọc Hạnh (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, các mô hình nhân đạo từ thiện cũng được bà Hạnh chú trọng xây dựng nhằm chăm lo cho người khó khăn. Điển hình như các mô hình: Bếp yêu thương; Tổ phụ nữ tương trợ; Mỗi tháng 1 địa chỉ; Mẹ đỡ đầu trẻ em mồ côi. Bà Hạnh còn thành lập nhiều mô hình thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe trong hội viên, phụ nữ như: câu lạc bộ vui - khỏe - trẻ đẹp, câu lạc bộ Tiếng hát mãi xanh, câu lạc bộ dân vũ…
Thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy đang diễn ra, bà rất ủng hộ. Bà cho biết, ở địa phương, nhiều cán bộ trẻ có năng lực, giỏi công nghệ rất muốn tiếp tục được cống hiến. Để tạo điều kiện, cơ hội cho người trẻ, dù thật lòng muốn tiếp tục được làm việc, song bà đã trình bày cấp trên nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi. “Tôi muốn lùi lại một bước để các em có điều kiện tiến lên. Sau này trong quá trình làm việc, nếu có gì cần tư vấn hỗ trợ, tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình, giúp các em và giúp địa phương” - bà Hạnh chia sẻ.
Gần gũi, sâu sát người dân, người lao động
Với 20 năm giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Long Phước (huyện Long Thành), bà Đỗ Thị Thêu đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Đặc biệt, bà luôn tích cực, chủ động phối hợp các ngành thực hiện tốt các hoạt động chăm lo, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn. Nhất là thành lập được nhiều mô hình thiết thực góp phần hiệu quả trong chăm lo an sinh xã hội.
Điển hình là mô hình Thùng bơm xe từ thiện. Theo đó, tại các cửa hàng sửa, bơm vá xe trên địa bàn, thay vì bơm xe trả tiền, mỗi người khách sẽ đóng góp vào thùng bơm xe từ thiện. Ngoài số tiền đó, nhiều người dân đi qua dù không bơm vá xe, cũng dừng lại đóng góp chút tấm lòng vào thùng. Nhờ đó, tạo thêm nguồn quỹ lớn hỗ trợ học sinh nghèo, những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Bà Thêu chia sẻ: “20 năm làm cán bộ Mặt trận, tôi luôn tự nhủ mấu chốt để làm tốt, trước hết là phải tâm huyết, sâu sát với người dân. Bởi như vậy mới hiểu dân cần gì, muốn gì để hỗ trợ, giúp đỡ một cách phù hợp, hiệu quả. Mặt khác, còn cần phải quan tâm lắng nghe và chuyển tải kịp thời những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân đến cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết cho người dân”.

Bà Đỗ Thị Thêu (xã Long Phước, huyện Long Thành) tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng từ sự sẻ chia, thấu hiểu, bà Thêu rất được người dân tin tưởng, yêu mến. Vừa qua, khi bà cùng cán bộ địa phương đi tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, người dân đã đồng tình, ủng hộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
29 năm gắn bó với Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) cũng là chừng ấy năm bà Đoàn Thị Kim Loan, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty gắn bó với tổ chức Công đoàn và công nhân lao động. “Chừng ấy năm, điều tôi mong mỏi nhất vẫn là làm sao để chăm lo, giúp đỡ cho công nhân có điều kiện làm việc tốt hơn, có đời sống ổn định hơn” - bà Loan bộc bạch.
Với tâm niệm ấy, bà tích cực cùng Công đoàn cơ sở công ty triển khai nhiều mô hình thiết thực để chăm lo cho gần 40 ngàn công nhân tại công ty mình. Điển hình phải kể đến là mô hình Hội tương trợ gia đình Changshin, Vòng tay nhân ái, CLB gia đình Changshin, Siêu thị bình ổn giá cho công nhân…
Ngay trong đầu tháng 5 vừa qua, từ mô hình Vòng tay nhân ái, bà Loan cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã trao hỗ trợ cho 23 trường hợp công nhân bị bệnh hiểm nghèo, với số tiền trung bình 36 triệu đồng/người. Trong khi đó, từ mô hình Hội tương trợ gia đình Changshin, đến nay đã có hơn 410 trường hợp gia đình công nhân được hỗ trợ; số tiền trung bình khoảng 300-400 triệu đồng/gia đình.
Đặc biệt, bà Loan luôn gần gũi, nhiệt tình sâu sát đời sống công nhân. Vì thế, luôn nhận được sự tin tưởng, yêu mến của họ. Khi gặp những vấn đề về hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái, về quyền lợi chính đáng của cá nhân, hay những khúc mắc trong quá trình làm việc với quản lý cấp trên, nhiều công nhân tìm đến bà Loan như một địa chỉ tin cậy để được tư vấn, hỗ trợ. Những lúc như vậy, bà Loan luôn sẵn lòng dành thời gian lắng nghe, có khi cả tiếng đồng hồ.
Bà Loan bộc bạch: “Công ty rất đông công nhân nên phải tranh thủ cả giờ nghỉ trưa, sau giờ tan ca, thậm chí là buổi tối để chia sẻ với công nhân. Có mệt nhưng mà tôi chưa bao giờ cảm thấy nặng nề, chỉ cần sau cuộc trò chuyện ấy, công nhân họ cảm thấy phấn chấn, tươi vui hơn là tôi vui”.