'Đường băng' cho TP HCM mới cất cánh

TP HCM đang tái thiết toàn diện bộ máy và nhân sự hướng tới hệ thống tinh gọn, hiệu quả, tạo nền tảng phát triển bền vững

Trước khi TP HCM bước vào tiến trình chuyển mình lịch sử thông qua việc hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì ngay từ bên trong, bộ máy chính quyền được tái cấu trúc.

Nâng cao hiệu quả quản trị

Toàn bộ 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu của thành phố sẽ được sắp xếp thành 102 đơn vị hành chính mới gồm 78 phường và 24 xã. Đây không đơn thuần là gộp địa giới mà còn mang tính chất thiết kế lại hoạt động của chính quyền cơ sở - nơi trực tiếp kết nối và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Việc thu gọn gần 2/3 số lượng đơn vị hành chính cấp cơ sở cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền trong tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả quản trị.

Điểm đáng chú ý là quan điểm sắp xếp theo hướng giữ gìn yếu tố lịch sử - văn hóa, đồng thời mở ra tầm nhìn mới. Trong đó, tên phường "Sài Gòn" ở trung tâm quận 1 mang thông điệp chú trọng chiều sâu bản sắc, khẳng định tiến trình phát triển luôn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt kết nối quá khứ.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, TP HCM được tin tưởng bay cao trên đôi cánh phát triển

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, TP HCM được tin tưởng bay cao trên đôi cánh phát triển

Không dừng lại ở định hình địa giới, TP HCM còn triển khai phương án nhân sự bảo đảm bộ máy vận hành trơn tru. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp quận/huyện sẽ được bố trí làm nòng cốt ở phường - xã mới. Đây là bước đi giữ được nguồn nhân lực chất lượng, qua đó, giúp chính quyền cơ sở sở hữu đội ngũ dày dạn kinh nghiệm thực tiễn. Những nhân sự chất lượng được tin tưởng truyền lửa, dẫn dắt phường, xã mới hoạt động hiệu quả.

Xây dựng đô thị tầm cỡ châu lục

Song song với bộ máy phường - xã, TP HCM tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo phương án Sở Nội vụ trình lên UBND TP HCM, trong lĩnh vực y tế, 22 trung tâm y tế cấp huyện tổ chức lại thành 10 trung tâm y tế khu vực trực thuộc Sở Y tế, mỗi trung tâm phục vụ khoảng 1 triệu dân. 273 trạm y tế phường - xã, thị trấn được sắp xếp thành 102 trạm y tế.

Ngành giáo dục và văn hóa cũng được rà soát toàn diện, từ mạng lưới trường lớp đến đội ngũ nhân lực để chuẩn bị cho mô hình quản lý mới sau khi không còn cấp quận, huyện.

Đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố đang được tối ưu trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố đang được tối ưu trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài ra, tổ chức lại 22 Ban Quản lý dự án khu vực cấp huyện thành 22 Ban Quản lý dự án khu vực trực thuộc Sở Xây dựng; tổ chức lại 22 Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện thành 22 Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Đối với 8 đơn vị sự nghiệp đặc thù của một số quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở Nội vụ đề xuất phương án sáp nhập, tổ chức lại phù hợp nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động cũng như bảo đảm tính kế thừa, không làm gián đoạn nhiệm vụ chuyên môn.

Công tác tái thiết toàn diện bộ máy, nhân sự được nhiều người ví von như "quá trình thiết kế lại đường băng" công phu, kỹ lưỡng để TP HCM mới cất cánh thuận lợi.

Đối với cán bộ Công đoàn, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM giao Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức phối hợp với LĐLĐ thành phố tiếp nhận cán bộ Công đoàn chuyên trách của 22 LĐLĐ quận, huyện, TP Thủ Đức để bố trí công tác tại các xã - phường sau sắp xếp.

Việc hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành siêu đô thị mới là đáp số về địa lý, hạ tầng, kinh tế trong kỷ nguyên mới. Đó đồng thời thể hiện quá trình chuẩn bị nghiêm túc để TP HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế mà còn trở thành đô thị trung tâm tầm cỡ châu lục trong tương lai không xa.

Hỗ trợ cho người nghỉ việc

Với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không tiếp tục tham gia bộ máy sau sắp xếp, TP HCM triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ nhân văn.

Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã giao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND TP HCM lãnh đạo UBND TP HCM chỉ đạo cơ quan liên quan sớm tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ ngoài chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương. Đó là chính sách hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội; Đề án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và giới thiệu việc làm; Đề án hỗ trợ vốn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc diện tinh giản và người hoạt động không chuyên trách phải nghỉ việc trong quá trình sắp xếp...

Với riêng lực lượng hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sáp nhập, TP HCM đã có đề xuất lên Trung ương cho phép tự cân đối ngân sách địa phương, trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ thêm. Trong đó, trợ cấp thôi việc một lần 60 tháng nhân mức phụ cấp hiện hưởng đối với trường hợp còn từ đủ 5 năm công tác so với tuổi nghỉ hưu; trợ cấp 12 tháng phụ cấp để tìm việc làm... là 2 trong nhiều đề xuất đáng chú ý.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/duong-bang-cho-tp-hcm-moi-cat-canh-196250516214545274.htm