Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở
Các cấp Công đoàn trong tỉnh Long An nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển đoàn viên (ĐV), thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS). Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nhằm xây dựng tổ chức CĐ ngày càng vững mạnh.
10 năm, thành lập mới 433 công đoàn cơ sở, phát triển gần 131.000 công đoàn viên
Luật CĐ Việt Nam năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 quy định: Người lao động (NLĐ) là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ. Với nhiều hình thức, những năm qua, các cấp CĐ trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền quy định này để các cơ quan, tổ chức, DN, NLĐ nắm bắt, thực hiện tốt quyền thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ. Từ đó, thúc đẩy và phát triển tổ chức CĐ ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng.
Qua 10 năm thực hiện Luật CĐ, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới được 433 CĐCS, phát triển 130.654 ĐVCĐ. Qua đó, nâng tổng số CĐCS toàn tỉnh lên 2.240 CĐCS với 271.759 ĐVCĐ/281.692 công nhân, viên chức, lao động (chiếm 96,5%) ở các cơ quan, đơn vị và DN có tổ chức CĐ.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết: “Để phát triển ĐVCĐ và các CĐCS, LĐLĐ tỉnh và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động phối hợp chính quyền, các cơ quan chức năng rà soát, khảo sát, cập nhật số DN và lao động trên địa bàn; rà soát các đơn vị, DN có đóng kinh phí CĐ nhưng chưa thành lập CĐCS để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển ĐV, thành lập CĐCS cho từng năm”.
Đồng thời, LĐLĐ tỉnh phân công 4 đoàn công tác phụ trách cơ sở để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác phát triển ĐV, thành lập CĐCS. Tăng cường đi cơ sở, nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, sinh hoạt của NLĐ tại nơi làm việc, khu nhà trọ, nơi tập trung đông công nhân, lao động; mở rộng đối tượng tuyên truyền, vận động đối với lao động phi chính thức; từng bước đổi mới quy trình vận động thành lập CĐCS theo hướng tăng cường sự chủ động tham gia của NLĐ trong việc thành lập CĐCS.
Quá trình tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS, phát triển ĐVCĐ gặp nhiều khó khăn do có những chủ DN không tạo điều kiện. Nắm được khó khăn này, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo và cùng CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện theo Điều 17 Điều lệ CĐ Việt Nam, vận động NLĐ tại các khu nhà trọ về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ. Cách làm này được NLĐ đồng tình, qua đó, kết nạp được 10.307 ĐVCĐ, thành lập 28 CĐCS.
Phát triển công đoàn viên từ những việc làm thiết thực
Đối với những nơi đã thành lập CĐCS nhưng tỷ lệ tập hợp ĐVCĐ còn thấp so với số lao động tại đơn vị, DN, CĐ tổ chức thêm nhiều hoạt động để dần tập hợp, thu hút NLĐ tham gia tổ chức CĐ. Cụ thể, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ đạo, hỗ trợ CĐCS tăng cường các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần với các nội dung mang lại hiệu quả thiết thực cho ĐVCĐ và NLĐ; phát động phong trào thi đua "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo"; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động, góp phần tăng thu nhập cho NLĐ; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động Tháng Công nhân;...
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh nhưng CĐ các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh vẫn phát triển mới trên 19.000 ĐVCĐ (đạt 112% chỉ tiêu được giao) và thành lập mới 76 CĐCS (đạt 304% chỉ tiêu). Theo Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh - Bùi Thị Ngọc Trang, hàng năm, Ban Chấp hành CĐ các KCN tỉnh chủ động lên phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết với quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao nhất; phân công người rà soát danh sách các DN đã đi vào hoạt động trong các KCN mà chưa thành lập tổ chức CĐ và gửi văn bản yêu cầu chủ DN tạo điều kiện để CĐ các KCN đến tuyên truyền, vận động phát triển ĐV, thành lập CĐCS. Đồng thời, rà soát tất cả DN đã thành lập CĐCS nhưng tỷ lệ ĐV/CNLĐ chưa cao để tìm hiểu nguyên nhân, làm việc với ban chấp hành các CĐCS bàn biện pháp kết nạp công nhân, lao động đã đủ điều kiện để kết nạp ĐV.
Thông tin từ LĐLĐ tỉnh, để phát triển và thu hút ĐV tự nguyện gia nhập CĐ trong thời gian tới, các cấp CĐ tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền về phát triển ĐV, thành lập tổ chức CĐ; tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho cán bộ CĐCS. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phát triển ĐV và thành lập tổ chức CĐCS gắn với việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức CĐ từ tỉnh đến cơ sở; tăng sức lôi cuốn, thu hút, tập hợp NLĐ gia nhập và tự nguyện tham gia hoạt động CĐ. Các CĐCS nỗ lực thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; nâng cao vai trò của CĐCS trong việc đại diện bảo vệ NLĐ về lĩnh vực luật pháp, giải quyết tranh chấp, thương lượng, hòa giải, đối thoại./.
Thông tin từ LĐLĐ tỉnh, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tuy đã đạt những kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số khó khăn. Công tác tập hợp NLĐ chưa bao phủ hết lực lượng lao động trên địa bàn, nhất là chưa tập hợp hết lực lượng lao động phi chính thức theo ngành nghề; chưa nắm bắt và theo kịp với xu thế phát triển của các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế.
CĐCS trong DN trên địa bàn tỉnh có quy mô từ vừa, nhỏ đến siêu nhỏ, dưới 25 lao động, chiếm tỷ lệ còn cao; tổng số CĐCS đang quản lý chủ yếu là công ty gia đình, lao động thiếu tính ổn định nên quan hệ lao động tại đây chưa rõ nét, việc tham gia, tổ chức các hoạt động do CĐ cấp trên phát động còn hạn chế.