'Dạy người' - nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh có những trao đổi Chương trình 'Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống...'.
Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, vun đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh nội dung này.
Dạy chữ đi liền dạy người
- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng” đối với ngành Giáo dục?
- Ngày 28/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”.
Thực tiễn triển khai Đề án 1501 đã khẳng định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ, đòi hỏi phải quan tâm đầu tư nguồn lực thích đáng. “Công tác “dạy người” phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, thường xuyên, liên tục”.
Ngày 11/11/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quyết định số 1895/QĐ-TTg ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.
Tiếp nối từ Đề án 1501 đến Chương trình 1895 đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vào cuộc kịp thời, hiệu quả, quyết liệt của hệ thống chính trị, cùng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các cấp bộ, ngành, các địa phương, nhà trường, gia đình và toàn xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội kết nối với các điểm cầu trong cả nước. UBND các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
- Xin Thứ trưởng cho biết điểm trọng tâm mà Chương trình 1895 đề cập?
- Chương trình 1895 là một trong số nhiệm vụ nhằm tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện, hướng tới cân bằng việc “Dạy chữ” và “Dạy người” trong các nhà trường. Việc “dạy chữ” cuối cùng là để “dạy người” và việc “dạy người” cũng cần được thực hiện thông qua “dạy chữ”.
Chương trình đã được nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá của các chuyên gia, bộ, ngành và đặc biệt là Trung ương Đoàn. Những nội dung trong Chương trình bám sát các quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; kế thừa và phát triển những ưu điểm của Đề án giai đoạn 2015 - 2020 và kết quả, bài học kinh nghiệm của 5 năm đổi mới.
Chương trình cũng đã cập nhật quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII về “khơi dậy khát vọng cống hiến” cho thế hệ trẻ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là hai đơn vị đồng chủ trì thực hiện Đề án giai đoạn 2015 - 2020. Đồng hành với ngành Giáo dục, giai đoạn 2022 - 2025, Trung ương Đoàn chủ trì Đề án Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trên không gian mạng.
Thông qua các tổ chức Đoàn cơ sở và Đội Thiếu niên tiền phong, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam tích cực phối hợp để tổ chức các chương trình, cuộc thi, hội thi, diễn đàn, phong trào, hành động cách mạng: Tôi yêu Tổ quốc tôi, Học sinh 3 tốt, Sinh viên 5 tốt, tình nguyện vì cộng đồng; kết hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, với giáo dục đạo đức và pháp luật, giáo dục lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi.
Cộng đồng trách nhiệm để giáo dục toàn diện
- Trường học, gia đình, xã hội gắn liền với quá trình trưởng thành của học sinh, sinh viên. Theo Thứ trưởng, ba “chân kiềng” này cần tăng cường phối hợp ra sao để nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm trong giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng cho thế hệ trẻ?
- Nhà trường - gia đình - xã hội là 3 môi trường hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp, củng cố để phát triển nhân cách học sinh, sinh viên một cách toàn diện. Khi có được sự cộng hưởng của ba môi trường này, học sinh, sinh viên sẽ có được nền tảng để khẳng định bản thân.
Để nâng cao cộng đồng trách nhiệm của các thành tố này, cần tập trung vào các hoạt động: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục học sinh, sinh viên và xây dựng môi trường giáo dục gia đình, hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện, phát triển tiềm năng.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, chia sẻ, hỗ trợ gia đình, cộng đồng và tổ chức xã hội về phương pháp giáo dục học sinh, sinh viên, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, yêu cầu các cấp ngành của địa phương nâng cao trách nhiệm, phát huy thế mạnh của nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên phát triển toàn diện.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Chương trình đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, để kết quả đạt được của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thực sự thuyết phục xã hội. Bộ sẽ tiếp tục ban hành chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá; công tác thi đua, khen thưởng.
Tuy nhiên, nếu chỉ bằng nỗ lực của ngành Giáo dục, kết quả sẽ khó đạt được như mong đợi cũng như khó đáp ứng những đòi hỏi tất yếu của thực tiễn. Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, gia đình và toàn xã hội để thanh niên, thiếu niên, nhi đồng được tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển toàn diện, xứng đáng chủ nhân tương lai đất nước.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản đồng bộ để triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-nguoi-nhiem-vu-trong-tam-thuong-xuyen-post629776.html