Đây sen Tây Hồ

Từ xa xưa, người dân vùng đất Thăng Long đã tự hào về đặc sản sen bách diệp với bông hoa lớn, hương thơm không đâu sánh bằng. Sen gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt, riêng sen Tây Hồ còn đi vào ẩm thực với trà sen, cỗ sen.

Thu hoạch sen bách diệp bên hồ Tây. (Ảnh Quang Thái)

Thu hoạch sen bách diệp bên hồ Tây. (Ảnh Quang Thái)

Ðã có thời gian, diện tích trồng sen bách diệp bị thu hẹp. Giờ đây, với nhận thức mới, diện tích trồng sen bách diệp được nhân lên. Cây sen không chỉ là thành tố có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa mà còn có thể coi là một trong những hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô.

Sen bách diệp hồi sinh

Ðầm Thủy Sứ vốn là một trong những đầm sen nổi tiếng nhất của Tây Hồ. Nhưng đã có quãng thời gian nước đầm bị ô nhiễm, giống sen ưa tinh sạch không thể mọc lên. Mấy vụ liền, Thủy Sứ vắng những đóa sen hồng, vắng mùa hương ngan ngát bay xa. Bây giờ, nhìn những làn sóng lá sen dập dờn trong gió, những bông sen hồng lấp ló, nhiều người dân quanh hồ Tây không khỏi xúc động.

Sen bách diệp bắt đầu quá trình hồi sinh từ đầu xuân năm 2024, khi Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ-Hà Nội".

Những chuyên gia kỹ thuật và người dân đã phải xử lý vệ sinh môi trường cho lớp bùn. Tiếp đó, việc trồng thử sen bách diệp diễn ra trong sự hồi hộp của người trồng. Sau một thời gian môi trường biến đổi, rất có thể cây sen bách diệp sẽ không thích nghi.

Chị Trần Thị Thủy, một trong những hộ gia đình tham gia dự án chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi trồng một ít, nếu sen bách diệp không lên khỏe thì sẽ phải trồng giống khác. Nhưng rất may, những mầm sen lên rất khỏe nên chúng tôi đã trồng đại trà. Ðây mới là vụ sen "bói" đầu tiên, nhưng sen lên khá đẹp và đã có thể dùng ướp trà".

Dù bông sen chưa lớn, cánh chưa dày, sắc chưa thắm như sen bách diệp trước đây, nhưng chừng đó cũng thỏa lòng mong mỏi của người dân Tây Hồ. Cách đó một quãng, ở đầm Ðầu Ðồng (phường Nhật Tân), những bông sen cũng vươn lên khỏe khoắn, phô sắc hồng rực rỡ. Tổng diện tích triển khai dự án hiện nay là hơn 7,5 ha.

Khó có thể khẳng định thời điểm những cây sen đầu tiên "định cư" ở hồ Tây. Nhưng từ lâu lắm người Hà Nội đã tự hào với giống sen bách diệp (trăm cánh) ở nơi này với câu ca: "Ðấy vàng đây cũng đồng đen/ Ðây hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ".

Các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng, sen bách diệp ở hồ Tây là giống sen có nhiều đặc tính quý. Với nhiều người dân vùng đất Tây Hồ, cây sen, hoa sen đã thành bầu bạn.

Bà Ngô Thị Thân (phố Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ), người thừa kế nghề ướp trà sen của cụ Nguyễn Thị Dần - nghệ nhân năm nay tròn trăm tuổi và cả đời người gắn với sen, với trà, bắt đầu câu chuyện về sen theo cách mà không ai ngờ tới: "Khi một nụ sen mới nhô lên, bao giờ cũng có một chiếc lá che chở cho nó. Dần dần nụ sen cứng cáp, vươn lên cao hơn lá sen, khi ấy nụ mới bắt đầu thành hoa. Chúng tôi gắn bó với cây sen từ bé, ai cũng có những kỷ niệm với sen". Phải gắn bó, phải quan sát tinh tế lắm người ta mới nhận rõ từng khoảnh khắc phát triển của cây sen như thế.

Người Việt gắn bó với cây sen, hoa sen ở nhiều góc độ: Văn hóa, tâm linh và cả cuộc sống. Riêng người dân Hà Nội, sen bách diệp còn đi vào văn hóa ẩm thực như một nét tinh tế, hào hoa nhất. Sen được hái lên rất mau để không kịp phai hương, rồi người ta chắt những tinh hoa đất trời trong mỗi bông sen vào những chén trà với nghề ướp trà sen.

Người trồng sen ven hồ Tây xưa vừa "cất" sen vào phố cổ phục vụ người kinh kỳ ướp trà, vừa tự tay ướp ra thứ trà "thiên cổ đệ nhất". Phải hái hơn 1.000 bông sen bách diệp mới đủ để ướp 1 kg trà, mà phải qua bảy lần "vào hương" với những công đoạn cầu kỳ, phức tạp. "Trà ướp gạo sen là trà có thứ mầu cánh gián, sau mấy nước, trà vẫn đượm hương. Còn ướp trà bông là lối ướp mới, cho trà vào bông sen rồi cột lại, mùi hương thấm trực tiếp từ bông sen vào trà thì nước trà giống với mầu nguyên gốc hơn, vị trà đậm hơn, nhưng hương sen cũng vì thế mà nhẹ hơn. Chúng tôi lấy sen bách diệp từ cả những đầm ven đô để ướp trà, nhưng sen ven hồ Tây vẫn là tốt nhất, trà đượm hương hơn", bà Ngô Thị Thân chia sẻ.

Ướp trà sen bách diệp là một nét văn hóa đặc biệt của vùng đất Tây Hồ. (Ảnh LƯU HIỀN)

Ướp trà sen bách diệp là một nét văn hóa đặc biệt của vùng đất Tây Hồ. (Ảnh LƯU HIỀN)

Định vị một thương hiệu văn hóa-du lịch

Bây giờ, giống sen bách diệp không chỉ được trồng ở Tây Hồ mà còn được nhân giống và phát triển ở nhiều quận, huyện khác nhau trên địa bàn Hà Nội như: Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Chương Mỹ... với tổng diện tích lên đến hàng trăm héc-ta. Tuy nhiên, sen bách diệp Tây Hồ vẫn có một vị thế riêng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ, điều đáng tự hào nhất của sen bách diệp Tây Hồ là đã góp phần hình thành nên nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, nhất là thú thưởng trà sen. Hiện nay, trên địa bàn quận có 129 người làm nghề ướp trà, chủ yếu tập trung tại phường Quảng An, với khoảng gần 100 người có khả năng truyền dạy. Tây Hồ cũng là trung tâm trà sen lớn nhất cả nước, với sản lượng 600-800 kg trà sen khô mỗi năm, chưa kể hàng chục nghìn sản phẩm trà ướp bông sen cung cấp ra thị trường.

Vẻ đẹp của sen Tây Hồ còn đáng chú ý bởi nằm trong một tổng thể hài hòa với trời nước hồ Tây - danh thắng bậc nhất của Thủ đô, với hàng loạt di tích, di sản văn hóa quanh hồ. Ðó là Phủ Tây Hồ, nơi gắn liền với cuộc tao ngộ giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan với Mẫu Liễu Hạnh trong một lần Thánh Mẫu giáng thế. Ðó là chùa Kim Liên - một kiến trúc độc đáo, xứng đáng là "bông sen vàng" bên hồ Tây. Ðó là chuỗi những làng nghề cổ: Ðào Nhật Tân, quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng… và cả chính nghề ướp trà sen bao đời của người dân phường Quảng An.

Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đánh giá: "Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng tôi luôn mong muốn những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô được khai thác phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch. Tây Hồ có thể trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Thủ đô thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa độc đáo trên địa bàn, quảng bá thương hiệu sen Tây Hồ".

Từ thực tế này, quận Tây Hồ đã hiện thực hóa việc khai thác giá trị của cây sen bằng nhiều hoạt động khác nhau, nổi bật nhất là Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 vừa được tổ chức vào giữa tháng 7/2024.

Thành phố Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Nhưng để làm được điều đó, phải bắt đầu từ chính cây sen. Quanh hồ Tây hiện vẫn còn 18 ao đầm, với diện tích hàng chục héc-ta. Quận Tây Hồ sẽ "phủ kín" toàn bộ hệ thống ao đầm này bằng sắc sen bách diệp. Còn trên địa bàn thành phố, tổng diện tích trồng sen hiện nay đạt 600 ha. Trong tương lai, diện tích sen sẽ được tăng gấp rưỡi, lên tới hơn 900 ha, trong đó, sen bách diệp Tây Hồ chính là giống sen được ưu tiên nhân rộng.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/day-sen-tay-ho-5015639.html