ĐBQH: Bỏ HĐND cấp phường sẽ giúp chính quyền đô thị của Hà Nội năng động hơn

Theo các ĐBQH, việc không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội sẽ góp phần khiến tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn…

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều nay, 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với các nội dung cốt lõi của luật này.

Theo các đại biểu, Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển, đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và là “trái tim của cả nước”. Với vị trí là Thủ đô của cả nước nên cần giao cho Thủ đô những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển xứng tầm.

“Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, phải chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt. Dự thảo Luật quy định Thủ đô là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW và Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị” - đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) nêu quan điểm.

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn tỉnh Nam Định) phát biểu

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn tỉnh Nam Định) phát biểu

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô và phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) tán thành với quy định về tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, việc không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội sẽ góp phần khiến tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn.

Tuy nhiên, ông Hải cũng nêu, mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội như dự thảo luật đang khác với mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và TP HCM.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) phát biểu

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) phát biểu

Tương tự, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, nếu như dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội là 2 cấp chính quyền, còn chính quyền đô thị ở TP HCM và Đà Nẵng là một cấp chính quyền, nghĩa là không tổ chức HĐND quận và phường.

Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần xem xét kỹ lại mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô như trong dự thảo để đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam. Đồng thời đề nghị cần phân cấp để UBND quận, phường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.

Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô; qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Một nội dung khác cũng có nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm là việc phát triển giáo dục tại Thủ đô Hà Nội. Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép chính quyền TP Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng thống nhất với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.

Tuy nhiên, với quy định viên chức làm của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc kỹ.

Lý do bởi Luật Công chức, Luật Viên chức không cho phép công chức, viên chức được thành lập, điều hành doanh nghiệp. Do đó, đối với Luật Thủ đô cần xác định rõ, phân công hợp lý.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dbqh-bo-hdnd-cap-phuong-se-giup-chinh-quyen-do-thi-cua-ha-noi-nang-dong-hon-post577803.antd