ĐBQH đề nghị làm rõ quy định không công khai sai phạm nhà giáo khi chưa kết luận
Theo nhiều ĐBQH, quy định không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức cần rà soát, bổ sung tránh xung đột với các quy định khác.
Ngày 17/10, Chính phủ có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV. [1]
Trong đó, điểm b, khoản 3, Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 5) quy định về những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo trong đó có quy định: "Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”.
Nội dung này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Có ý kiến đồng tình, cho rằng biện pháp này sẽ giảm thiểu thông tin tiêu cực lan truyền khi chưa có cơ sở rõ ràng, góp phần bảo vệ danh dự của nhà giáo nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối, cho rằng quy định này có thể làm hạn chế quyền tự do ngôn luận, đặc biệt đối với phụ huynh khi muốn bày tỏ ý kiến về những sai phạm của giáo viên.
Cần làm rõ quy định về đối tượng và phạm vi công khai thông tin
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, điểm b, khoản 3, Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điều cần được làm rõ.
“Trước hết, tôi đồng tình với quan điểm không nên đưa tin hay phát tán thông tin thiếu chính xác về nhà giáo. Và không chỉ riêng nhà giáo, đối với tất cả các cá nhân trong xã hội, việc phát ngôn cần tuân thủ các quy định về bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của người khác, tránh những hành vi xúc phạm hay bôi nhọ.
Tuy nhiên, quy định cấm công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền cần phải được xem xét và rà soát kỹ lưỡng.
Tôi đồng ý với quan điểm của Ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo rằng, khi sai phạm của nhà giáo đang trong quá trình được cơ quan chức năng làm rõ và chưa có kết luận chính thức, không nên để thông tin lan truyền bừa bãi, tạo dư luận không tốt. Nhưng nếu chúng ta áp dụng một cách cứng nhắc, cấm hoàn toàn việc cung cấp thông tin và không cho phép bất kỳ ai đưa tin về bất kỳ đối tượng nào cũng chưa hợp lý. Bởi lẽ, với các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí khi thực hiện nhiệm vụ của mình, việc cung cấp thông tin minh bạch là cần thiết và không thể bị cấm tuyệt đối.”, bà Nga bày tỏ.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng đề xuất trong dự thảo Luật Nhà giáo có thể dẫn đến hiểu nhầm hoặc áp dụng sai, gây cản trở cho báo chí và phụ huynh trong việc phản ánh những thông tin cần thiết cho cộng đồng.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, vụ việc gần 1.600 học sinh bị sai điểm thi vào lớp 10 ở Thái Bình diễn ra vào đầu tháng 8/2024 vừa qua đã thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí.
Theo đó, báo chí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời từ lúc phát hiện sự việc đến khi có quyết định tạm đình chỉ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình để làm rõ trách nhiệm, bao gồm quá trình làm việc của cơ quan chức năng và cuối cùng là kết luận vụ việc.
Việc thông tin liên tục và công khai không nhằm mục đích gây hoang mang trong dư luận mà ngược lại, góp phần giữ ổn định xã hội. Nếu phát hiện sai phạm mà không được thông tin kịp thời, người dân sẽ dễ nảy sinh nghi ngờ, thậm chí không an tâm, cho rằng sai phạm không được xử lý minh bạch.
“Hoạt động của nhà giáo không phải là bí mật quốc gia, vì vậy việc cấm báo chí hoàn toàn là không hợp lý và có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Điều luật này cần được xem xét một cách cẩn thận để đảm bảo không vi phạm Hiến pháp cũng như các quy định liên quan đến quyền công dân.
Đồng thời, cần phân định rõ ràng giữa quyền phản ánh thông tin của phụ huynh, dư luận và chức năng của báo chí trong việc cung cấp thông tin. Việc bổ sung quy định chi tiết hơn về đối tượng được thông tin và các thông tin được hoặc không được công khai sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nhiễu loạn thông tin, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng thông tin để tạo ra dư luận xấu về nhà giáo”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.
Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định rằng điểm b, khoản 3, Điều 11 trong dự thảo Luật Nhà giáo quy định về các hành vi mà tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo vẫn còn sơ sài, dễ gây hiểu lầm và có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực từ dư luận.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, mặc dù nghề giáo là nghề cao quý nhưng nhà giáo cũng là con người và có thể mắc sai phạm, cần có sự giám sát từ xã hội. Vì vậy, quy định cấm đưa tin về sai phạm của nhà giáo trước khi có kết luận từ cơ quan điều tra là chưa hợp lý.
“Trên thực tế, có nhiều trường hợp sai phạm trong ngành giáo dục đã được phát hiện không phải thông qua sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà nhờ vào sự phản ánh kịp thời từ phụ huynh, học sinh hoặc từ các cơ quan báo chí. Những thông tin này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong môi trường giáo dục.
Khi phụ huynh hoặc học sinh phát hiện các hành vi sai phạm, họ có thể ngay lập tức thông tin cho báo chí hoặc các cơ quan chức năng, giúp kích hoạt quá trình điều tra và xử lý. Việc báo chí đưa tin về các sai phạm này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề mà còn tạo áp lực buộc các cơ quan chức năng phải hành động. Điều này đặc biệt quan trọng khi những sai phạm có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và tâm lý của học sinh, cũng như uy tín của nhà trường.
Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng có thể không kịp thời phát hiện sai phạm do nhiều lý do khác nhau, như thiếu nguồn lực hoặc thông tin hạn chế. Do đó, sự vào cuộc của báo chí và sự nhạy bén của phụ huynh, học sinh có thể đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo rằng những vấn đề này không bị bỏ qua. Nhờ đó, không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của học sinh mà còn góp phần xây dựng một môi trường giáo dục trong sạch và đáng tin cậy hơn.
Tất nhiên, những người tố giác hay báo cáo sai sự thật cần phải chịu trách nhiệm theo quy định của văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Tố cáo do Văn phòng Quốc hội ban hành. Đồng thời, nếu phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của nhà trường, giáo viên hoặc cá nhân nào đó, họ cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”, ông Hòa cho biết.
Khoản 2, Điều 9 văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Tố cáo quy định người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này;
b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;
d) Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
đ) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Phản ánh đúng kênh nhằm giảm nhiễu loạn dư luận, bảo vệ môi trường giáo dục
Bên cạnh những ý kiến cho rằng điểm b, khoản 3, Điều 11 trong dự thảo Luật Nhà giáo cần được bổ sung và làm rõ để tránh mâu thuẫn với các điều luật khác, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh rằng, quan điểm chung là mọi đối tượng đều cần tuân thủ pháp luật và chỉ nên công khai thông tin khi đã có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, những điều khoản nêu trên được quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo là rất cần thiết vì chúng không chỉ tạo cơ hội thực thi pháp luật cho các nhà giáo mà còn giúp bảo vệ danh dự của họ. Những quy định này sẽ làm trong sạch không gian pháp lý và thực thi pháp luật trong xã hội, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ tin đồn và dư luận.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai có quyền xác nhận và cho phép công khai thông tin, cũng như xác định thẩm quyền của tổ chức hay cá nhân liên quan, điều này cần được quy định rõ ràng.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết: “Báo chí với tính chất thời sự và kịp thời cần được khuyến khích phản ánh nhanh chóng và sâu rộng các vấn đề thời sự cấp bách, phục vụ nhu cầu cuộc sống, bảo vệ danh dự và làm sáng tỏ các vấn đề nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, cũng như của mỗi cá nhân và gia đình. Vì vậy, trong dự thảo Luật Nhà giáo cũng cần quy định cụ thể để vừa khuyến khích các nhà báo làm việc, vừa hạn chế những phản ánh chưa rõ ràng hoặc chưa được kiểm chứng từ các cơ quan chức năng.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát hay điều tra các hành vi được cho là vi phạm của giáo viên, báo chí cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng trước khi đưa ra thông tin, vì có thể sẽ dẫn đến những hiểu lầm và sai sót. Do đó, việc tạo điều kiện khuyến khích báo chí phản ánh kịp thời các vấn đề một cách khách quan là cần thiết.
Ngoài ra, nếu thông tin phản ánh từ phụ huynh hoặc học sinh, thay vì đưa lên mạng xã hội gây nhiễu loạn và định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực như hiện nay, theo tôi, chúng ta nên sử dụng các kênh phản ánh chính thống. Có nhiều kênh phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà giáo, nhưng để đạt hiệu quả, cần thực hiện đúng cách, đúng tuyến và đúng tầm”.
Theo nữ đại biểu, trong mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, phụ huynh có thể phản ánh các hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên qua các kênh chính thống như ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc hội cha mẹ học sinh tại lớp. Phản ánh cũng có thể được thực hiện qua chính quyền địa phương theo cấp: cấp xã với bậc tiểu học, cấp huyện tiếp nhận từ bậc trung học cơ sở và cấp tỉnh dành cho bậc trung học phổ thông.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều địa phương đã phát triển phần mềm giám sát phản ánh hiện trường, tích hợp các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa và y tế, giúp người dân phản ánh trực tiếp và nhanh chóng. Tuy nhiên, khi chưa có kết luận rõ ràng, việc phản ánh vẫn nên thực hiện qua các kênh truyền thống như ban liên lạc, hội phụ huynh hoặc trao đổi trực tiếp với giáo viên, ban giám hiệu hay công đoàn nhà trường. Điều này giúp đảm bảo tính hiệu quả và tránh lan truyền thông tin chưa kiểm chứng lên mạng xã hội.
Đồng thời, những quy định về những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo cần được bổ sung, rà soát và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Thông tin rõ ràng và minh bạch giúp người dân nắm bắt tình hình và giảm thiểu những bàn tán, nghi ngờ không đáng có. Việc này không chỉ mang lại lợi ích trong việc đảm bảo thông tin chính xác mà còn củng cố lòng tin của người dân vào cơ quan chức năng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-cu-the-trong-du-thao-luat-nha-giao-trinh-quoc-hoi-cho-y-kien-lan-dau-119241028102246829.htm